Thế giới
Thứ sáu, 3/6/2022, 18:41 (GMT+7)

100 ngày Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine

Bước sang ngày thứ 100, giao tranh ở Ukraine ngày càng trở thành cuộc chiến tiêu hao và không có dấu hiệu hạ nhiệt, tập trung tại chiến trường Donbass.

Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine với mục tiêu "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" chính quyền Kiev. Lực lượng Nga sau đó đồng loạt tập kích tên lửa vào Kiev, Kramatorsk, Kharkov, Odesa, Mariupol và nhiều thành phố khác tại Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo trên truyền hình về chiến dịch quân sự của Nga, cảnh báo toàn châu Âu đang đứng trên bờ vực của cuộc chiến "có thể thiêu rụi mọi thứ".

Trong ảnh là trạm radar tại một căn cứ phòng không ở thành phố Mariupol, miền đông Ukraine bị phá hủy sau khi Nga tập kích ngày 24/2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liên tục trấn an người dân rằng ông sẽ không rời bỏ đất nước, thường xuyên đăng video và hình ảnh trong phòng làm việc, trên đường phố Kiev để khẳng định ông quyết tâm bám trụ, ngay cả khi được cảnh báo là "mục tiêu số một" còn gia đình ông là "mục tiêu số hai" của lực lượng Nga.

Những hành động, lời nói của Tổng thống Zelensky được coi là yếu tố quan trọng giúp quân đội Ukraine giữ vững tin thần chiến đấu và kháng cự trước đà tấn công của Nga.

Trong ảnh là Tổng thống Ukraine Zelensky trên đường phố Kiev hôm 1/5.

Giao tranh ngày càng quyết liệt khiến hàng triệu người Ukraine phải tìm đường sơ tán khỏi các điểm nóng chiến sự. Trong ảnh là các binh sĩ Ukraine giúp một phụ nữ mang theo chó cưng băng qua sông Irpin trong lúc rời khỏi thị trấn Irpin, Ukraine, hôm 5/3.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tới nay ghi nhận hơn 6,9 triệu người Ukraine rời đất nước sau ngày 24/2, thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Không có con số chính thức về số lượng người sơ tán từ Ukraine đến lãnh thổ Nga. Giới chức phương Tây đưa ra nhiều ước tính, từ hàng chục nghìn đến khoảng một triệu người.

Trong giai đoạn đầu chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, giao tranh ác liệt xảy ra ở khu vực ngoại ô quanh thủ đô Kiev. Đoàn xe quân sự Nga có lúc chỉ cách trung Kiev 25 km, trong khi các đơn vị Ukraine nỗ lực phòng thủ, biến thủ đô thành pháo đài.

Tuy nhiên, một loạt vấn đề về hậu cần đã khiến lực lượng Nga không duy trì được đà tiến và bị cầm chân suốt nhiều ngày ở ngoại ô Kiev.

Trong ảnh là đoàn xe quân sự Nga ở ngoại ô Kiev hôm 28/2.

Đến cuối tháng 3, Nga quyết định rút quân khỏi miền bắc Ukraine, kết thúc giai đoạn một của chiến dịch. Quân đội Nga tuyên bố bắt đầu giai đoạn hai, dồn lực lượng tấn công vùng Donbass ở miền đông Ukraine.

Sau khi Nga rút quân, các thị trấn ngoại ô thủ đô Kiev trở thành những đống đổ nát, với nhiều công trình cùng loạt thiết bị quân sự bị phá hủy.

Trong ảnh là những tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng ở thị trấn Borodianka, tây bắc Kiev, sau khi lực lượng Nga rút đi hôm 6/4.

Cũng trong đầu tháng 4, Nga và Ukraine tranh cãi gay gắt về cáo buộc "thảm sát dân thường" tại thị trấn Bucha, phía tây bắc thủ đô Kiev, sau khi lực lượng Nga rút khỏi đây. Trong ảnh là nhân viên nhà tang lễ Ukraine chuyển túi đựng thi thể dân thường ở Bucha lên xe ngày 3/4.

Ukraine tố quân đội Nga "thảm sát dân thường" với khoảng 300 người thiệt mạng tại thị trấn Bucha và yêu cầu cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra về "tội ác chiến tranh".

Phía Nga trong khi đó khẳng định những hình ảnh "dàn dựng" về các thi thể ở Bucha được Ukraine tạo ra để lấy cớ cho phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Moskva, cũng như cản trở quá trình đàm phán.

Giai đoạn hai chiến dịch bắt đầu khi Nga tái tập kết lực lượng ở miền đông Ukraine và tận dụng ưu thế về hỏa lực pháo binh, không quân để tấn công các mục tiêu trọng điểm.

Trong ảnh, pháo phản lực Nga tấn công mục tiêu ở tỉnh Kharkov, đông bắc Ukraine, cuối tháng 4.

Trong tháng 5, Mariupol trở thành điểm nóng chiến sự. Ukraine cáo buộc lực lượng Nga khi đó tiến hành pháo kích không ngừng, phá hủy hơn 80% tòa nhà dân cư trong thành phố.

Mariupol được coi là nơi lực lượng Nga áp dụng triệt để chiến thuật vây hãm kết hợp với pháo kích, không kích nhằm bẻ gãy ý chí kháng cự của đối phương. Tuy nhiên, quân đội Nga gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với hàng nghìn binh sĩ Tiểu đoàn Azov cố thủ trong hầm ngầm nhà máy thép Azovstal.

Trong ảnh là xe bọc thép thuộc lực lượng ly khai thân Nga gần nhà máy Azovstal ở Mariupol ngày 12/4.

Ngày thứ 83 chiến sự, hàng trăm lính Ukraine ở nhà máy Azovstal đầu hàng sau khi Kiev tuyên bố kết thúc nhiệm vụ chiến đấu tại Mariupol, chấm dứt gần 3 tháng cầm cự. Trong ảnh là nhóm binh sĩ đầu hàng tại nhà máy Azovstal chờ đợi trên xe buýt ở Olenivka, Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, hôm 17/5.

Kiểm soát Mariupol giúp Nga thiết lập hành lang trên bộ từ bán đảo Crimea qua vùng đông nam Ukraine tới biên giới. Điều này cũng giúp Nga rút bớt lực lượng vây hãm nhà máy Azovstal để chuyển sang hoạt động tại các khu vực khác trong trung tâm công nghiệp miền đông Ukraine.

Lính Ukraine trong nhà máy Azovstal được sơ tán
 
 

Quân nhân Nga kiểm tra binh sĩ Ukraine đầu hàng tại nhà máy thép Azovstal, Mariupol ngày 17/5. Video: BQP Nga.

Sau khi kiểm soát Mariupol, Nga dồn lực tấn công các thành phố, thị trấn ở tỉnh Lugansk, với mục tiêu đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi vùng Donbass, gồm hai tỉnh Lugansk và Donetsk.

Phương Tây đang nỗ lực cung cấp các loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine nhằm thay đổi cục diện chiến trường. Tuy nhiên, hầu hết các loại vũ khí này vẫn chưa tới được tay lực lượng tiền tuyến của Ukraine.

Trong cuộc chạy đua với thời gian, Nga đã đẩy mạnh đà tiến công, giành được nhiều bước tiến ở miền đông Ukraine trước khi vũ khí hạng nặng phương Tây tới được tiền tuyến. Lực lượng Nga đang trên đà kiểm soát toàn bộ vùng Donbass, sau khi chiếm được một số thành phố, thị trấn nhỏ.

Giới quan sát phương Tây cho rằng kết quả này khá hạn chế so với tham vọng ban đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, việc giành được Donbass cùng với những thành công ban đầu trong kiểm soát khu vực phía nam giáp với bán đảo Crimea sẽ mang lại cho Điện Kremlin đòn bẩy lớn trong bất kỳ cuộc đàm phán tương lai nào để chấm dứt xung đột.

Trong ảnh là một chiếc xe bị phá hủy hoàn toàn tại Dolyna, Donbass hôm 2/6.

Sau 100 ngày xung đột, Nga đã kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea. Chính phủ Ukraine ước tính nước này chịu thiệt hại 600 tỷ USD do chiến sự, trong bối cảnh các chuyên gia quân sự nhận định giao tranh đang bước vào giai đoạn chiến tranh tiêu hao, khi hai bên đều không đủ khả năng tung ra các trận đánh mang tính quyết định ở Donbass.

Nhiều khu vực ở miền nam Ukraine do lực lượng Nga kiểm soát được cho là đã lên kế hoạch sáp nhập vào Nga vào tháng 7. Trong ảnh là quân nhân Nga ở khu vực tượng đài Ngọn lửa Vĩnh cửu tại thành phố Kherson, tỉnh Kherson, miền nam Ukraine, ngày 20/5.

Ukraine cáo buộc Nga lên kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập tại các tỉnh phía nam Kherson và Zaporizhzhia. Tổng thống Nga Putin hôm 25/5 ký sắc lệnh đơn giản hóa quy trình cấp quốc tịch Nga cho cư dân tại vùng Moskva kiểm soát ở Kherson và Zaporizhzhia.

Nga và Ukraine không cung cấp thông tin cập nhật về thương vong trên chiến trường. Trong lần công bố số liệu gần đây nhất hôm 25/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết 1.351 binh sĩ nước này đã thiệt mạng và 3.825 người bị thương. Tổng thống Zelensky thì cho rằng hơn 30.000 lính Nga đã thiệt mạng, trong khi chính phủ Anh ước tính Nga đã mất 15.000 binh sĩ.

Quân đội Ukraine cũng không công bố con số thương vong. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky gần đây thừa nhận nước này mất 60-100 binh sĩ và khoảng 500 người bị thương trong chiến đấu mỗi ngày.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCR) ước tính giao tranh ở Ukraine đã khiến ít nhất 4.169 dân thường thiệt mạng và 4.982 người bị thương, nhưng cảnh báo con số thực tế có thể cao hơn.

Trong ngày chiến sự thứ 100, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine "sẽ giành chiến thắng", trong khi Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ tiếp tục chiến dịch cho đến khi đạt được các mục tiêu của mình.

"Cuộc chiến này đã và sẽ không có kẻ thắng. Những gì chúng ta chứng kiến trong 100 ngày qua là sinh mạng, nhà cửa, nghề nghiệp và những triển vọng đã mất đi", Amin Awad, trợ lý Tổng thư ký kiêm Điều phối viên ứng phó khủng hoảng Ukraine của Liên Hợp Quốc, hôm nay ra tuyên bố cho biết. "Chúng ta cần hòa bình, chiến sự phải kết thúc ngay lập tức".

Ảnh: AP/AFP/Reuters