![]() |
Ngày 7/5/2008, ông Dmitry Medvedev tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nga sau khi đắc cử với số phiếu áp đảo. Chính trị gia 42 tuổi này kế nhiệm ông Putin, trở thành tổng thống thứ ba của nước Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Ảnh: Ria Novosti. |
![]() |
Tân tổng thống Medvedev và đệ nhất phu nhân Svetlana sau lễ tuyên thệ tại Điện Kremlin. Sau khi đảm nhiệm cương vị mới, Tổng thống Medvedev nhấn mạnh rằng cách thức điều hành đất nước của ông sẽ khác người tiền nhiệm Vladimir Putin, đồng thời ngụ ý cho nới lỏng nền chính trị trong nước. Ảnh: AP. |
![]() |
Tổng thống Dmitry Medvedev (giữa) đến đặt hoa tưởng niệm tại khu Mộ chiến sĩ vô danh ở Matxcơva, một ngày trước lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít 9/5. Đi phía sau ông là cựu tổng thống Vladimir Putin, người chuyển sang đảm nhiệm ghế thủ tướng Nga. Ảnh: AP. |
![]() |
Ngày 23/5, Tổng thống Dmitry Medvedev thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên và điểm đến là Bắc Kinh. Nga và Trung Quốc đã ký tuyên bố chung, trong đó lần đầu tiên cùng lên án kế hoạch lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Trong chuyến đi này, Medvedev cũng tới thăm quốc gia láng giềng giàu năng lượng Kazakhstan. Ảnh: AP. |
![]() |
Tổng thống Medvedev phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg, ngày 7/6. Giới phân tích nhìn nhận các chính sách dưới thời Medvedev sẽ thay đổi không nhiều so với người tiền nhiệm Putin, vì chính sách của cựu tổng thống dựa trên nguyên tắc bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và ưu tiên lợi ích quốc gia vốn được đa số giới lãnh đạo chính trị cũng như dân chúng Nga ủng hộ. Ảnh: Ria Novosti. |
![]() |
Tổng thống Medvedev (giữa) đến thăm các sinh viên khoa Luật tại Đại học quốc gia St. Petersburg, cuối tháng 6. Sau những tháng đầu tiên chèo lái con thuyền Nga khổng lồ, ông đã tạo được một số dấu ấn với các kế hoạch quốc gia chống tham nhũng, đưa ra học thuyết ngoại giao mới cũng như các biện pháp đảm bảo cho giới doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Ria Novosti. |
![]() |
Tổng thống Mỹ George Bush (trái) bắt tay người đồng nhiệm Nga trong Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Nhật Bản, hồi tháng 7. Đây là kỳ hội nghị G8 cuối cùng của ông Bush nhưng lại là lần đầu tham dự sự kiện này của ông Medvedev. Hai nhà lãnh đạo có các cuộc gặp bên lề để bàn về các vấn đề gai góc như hạt nhân của Triều Tiên và Iran, việc lắp đặt lá chắn tên lửa Mỹ ở Đông Âu cũng như kế hoạch kết nạp Gruzia và Ukraina vào NATO. Ảnh: AFP. |
![]() |
Thủ tướng Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc họp tại Điện Kremlin ngày 9/8, để báo cáo Tổng thống Dmitry Medvedev về chiến sự ở Nam Ossetia, cũng như tình cảnh những người mang quốc tịch Nga tại khu vực ly khai này đang phải đi lánh nạn chiến tranh. Ảnh: AP. |
![]() |
Tổng thống Nga tuyên bố ngừng chiến dịch tại Gruzia sau 5 ngày giao tranh ác liệt, hôm 12/8. Ông nhấn mạnh rằng "kẻ xâm lược đã bị trừng phạt đích đáng", sau khi Gruzia có hành động tấn công Nam Ossetia. Cuộc chiến với Gruzia là một trong những thử thách lớn nhất của ông kể từ khi nhậm chức và đây cũng là hành động cứng rắn nhất mà ông thực thi về mặt quân sự. Ảnh: AP. |
![]() |
Tổng thống Medvedev gặp gỡ các chỉ huy lực lượng vũ trang Nga tại điện Kremlin hôm 14/8. Các nhà lãnh đạo thế giới đều dành những lời lẽ tốt đẹp về vị tân tổng thống Nga. Tổng thống Mỹ George Bush trong lần gặp đầu tiên đánh giá người đồng cấp Medvedev là "thông minh và tự tin". Nhưng giới phân tích nhận định, trong 3 tháng đầu tiên tân tổng thống Nga vẫn chưa có những sáng kiến gây bất ngờ. Ảnh: Ria Novosti. |
![]() |
Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin được đánh giá là bộ đôi quyền lực hết sức đặc biệt và ăn ý trên chính trường Nga. Hai người từng có thời gian gắn bó lâu dài đang cộng tác trong một vị thế hoàn toàn thay đổi, khi một người "lên" làm tổng thống và một người "xuống" làm thủ tướng. Nhìn chung dư luận Nga chưa có phản ứng tiêu cực nghiêm trọng nào về Tổng thống Medvedev, còn phương Tây nhìn nhận ông như một nhà lãnh đạo có quan điểm "tự do". Ảnh: Corbis. |
Mai Nguyên