Sách gồm 15 phần chính, được đặt tên như: Những cánh bay đầu tiên trên nước Việt, Phi công Việt tham gia Đại chiến Thế giới thứ nhất, Tân Sơn Nhất bước vào kỷ nguyên phản lực. Phi trường rực lửa... Mỗi phần đầy ắp các thông tin về quá trình hình thành và phát triển của phi trường chứa đựng một thế kỷ lịch sử gắn với nhiều dấu mốc quan trọng của đất nước.
Tác phẩm mở đầu bằng chuyến bay cuối xuân 2018. Ông Nguyễn Trần Đỗ - một người đàn ông Việt kiều Pháp - là hành khách trên chuyến bay của chiếc Boeing 787 Dreamliner hiện đại. Ông là chứng nhân cho buổi đầu phát triển hàng không Việt Nam. Qua lời kể của nhân vật này cùng ký ức của nhiều người và thông tin từ nhiều nguồn tư liệu, sách là chuyến ngược dòng ngoạn mục để độc giả tìm hiểu về ngành hàng không Việt Nam từ thời sơ khai đến khi phát triển hiện đại như hôm nay.
Từ thập niên 20 của thế kỷ 20, người Pháp khởi xây phi trường Tân Sơn Nhất nhằm mục đích phục vụ quan chức Pháp đi lại và để giới doanh thương, điền chủ Pháp kiều có thêm điều kiện khai thác thuộc địa bằng phương tiện bay. Sân bay này cũng là cơ sở để chính quyền thực dân dùng không lực trấn áp các cuộc cách mạng.
Tân Sơn Nhất đã trải qua nhiều biến cố lịch sử, chứng kiến dấu mốc trải dài từ Thế chiến thứ hai đến năm 1954, khi Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ, từ bỏ đô hộ 100 năm ở nước Việt. Tân Sơn Nhất xưa từng là phi trường hiện đại bậc nhất Sài Gòn trước 1975, là phi trường dân sự lớn nhất, quan trọng nhất của Việt Nam Cộng Hòa, từng là nơi đặt Tổng hành dinh của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV). Sau người Pháp, thời bấy giờ, sự có mặt của người Mỹ ở miền Nam đã nhanh chóng biến Tân Sơn Nhất thành phi trường hiện đại nhất khu vực, vượt xa các phi trường Singapore, Bangkok (Thái Lan).
Nhà báo Quốc Việt dày công sưu tầm, chắt lọc các câu chuyện kỳ thú về Tân Sơn Nhất nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung. Từ chuyện những chiếc máy bay đầu tiên ở Sài Gòn đến chuyện những lần sân bay được cải tạo nâng cấp, hay oằn mình trải qua những trận đánh. Sách kể tháng 12/1910, máy bay Farman cánh đôi đầu tiên xuất hiện trên bầu trời Sài Gòn do phi công Van Den Borg điều khiển. Van Den Borg là một trong 100 người đầu tiên trên thế giới được cấp bằng lái máy bay. Ông đã tổ chức tuần lễ hàng không Nam kỳ, trưng bày chiếc Farman II chở từ Pháp sang để bay biểu diễn cho quan chức và người dân xem, khoảng 150.000 người chiếm phần lớn dân số Sài Gòn - Chợ Lớn đã theo dõi sự kiện hàng không này.
Nhắc chuyện xưa cũng để nói chuyện nay. Tác giả đau đáu khi Tân Sơn Nhất nay bị tụt sâu thứ hạng, nhận nhiều lời phàn nàn từ hành khách trong và ngoài nước về dịch vụ. "Chuyện hành khách bị trễ chuyến hàng giờ, thậm chí cà ngày. Rồi chuyện kẹt xe ngoài đường, kẹt máy bay trên đường lăn, sân đậu, cảnh xếp hàng chật chội đến khủng khiếp ở nhà ga hành khách. Đặc biệt là trước đây người Sài Gòn chưa bao giờ nghe nói tới chuyện Tân Sơn Nhất ngập trong biển nước, ngập nặng đến mức hàng loạt chuyến bay không thể cất hay hạ cánh được", tác giả viết.
Ba năm trước, khi bắt tay thu thập tư liệu về Tân Sơn Nhất, Quốc Việt chỉ có ý định viết loạt bài báo về những vấn đề thời sự nóng bỏng của Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, càng đi sâu sưu khảo tư liệu, phỏng vấn nhiều nhân vật, anh càng bị cuốn hút vào đề tài hấp dẫn này và có cảm hứng thực hiện quyển sách. Từ mùa thu 2015, tác giả bắt đầu hành trình góp nhặt tài liệu và phỏng vấn nhân chứng. "...Tôi luôn có niềm tin chúng ta phải thấu hiểu quá khứ mới đến được tương lai tốt đẹp. Trên từng tấc đất Tân Sơn Nhất là bao máu xương người Việt hôm qua. Trên từng đá sỏi rêu phong hay vỏ đạn còn chìm khuất đâu đó là bao chuyện lịch sử cần phải được kể lại, nhắc nhớ chân xác cho mai sau...", anh viết.
Nhà báo Quốc Việt sinh năm 1975 tại Sài Gòn. Anh từng xuất bản cuốn Thà đốt lên một que diêm (NXB Trẻ) và sắp ra mắt các ấn phẩm: Nồi cơm thời bao cấp, Người Việt chinh phục đại dương.