Với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, lập trình phần mềm được đánh giá là một trong số ít ngành nghề có khả năng "miễn dịch" với khủng hoảng kinh tế. Phát biểu khai mạc tại hội thảo về CNTT cuối năm 2018 ở Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đánh giá, Việt Nam có mặt ngay từ đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để nắm bắt thời cơ mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại, xây dựng thành công chính quyền điện tử, công dân điện tử, theo ông Tâm, phải có nguồn lực công nghệ thông tin với năng lực đạt chuẩn quốc tế, sáng tạo và có khát vọng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Tâm cũng chia sẻ, trong báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao. Theo số liệu công bố của Vietnamworks, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 500.000 lập trình viên. Vấn đề tuyển dụng lập trình viên chất lượng thực sự đáp ứng nhu cầu của ngành ngày một tăng cao đang là một "nan đề" với các nhà tuyển dụng.
Trong bối cảnh này, Đại học trực tuyến FUNiX – trường đại học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam vừa đưa ra Cchương trình "100 doanh nghiệp IT cùng FUNiX phát triển nguồn nhân lực". Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa FUNiX với những công ty, đơn vị phần mềm có uy tín tại Việt Nam và nước ngoài.
Cụ thể, vào các ngày 17/6, 18/6, 24/6, 26/6, 27/6, Đại học trực tuyến FUNiX ký kết thỏa thuận hợp tác với 6 doanh nghiệp DES, NCC, D28, 3S, VTI... Ngày 28/6, FUNiX ký hợp tác chiến lược giai đoạn hai với FPT Software. Đây đều là những công ty công nghệ uy tín, với mạng lưới đối tác, khách hàng và thị trường rộng khắp trong nước và quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, Hồng-Kông...
Đại diện FUNiX chia sẻ, bên cạnh việc đào tạo bằng hình thức trực tuyến - nhằm giải quyết việc đào tạo số lượng lớn nhân lực CNTT cho Việt Nam, từ năm đầu thành lập, trường đã có hợp tác với các doanh nghiệp làm phần mềm lớn như FPT Software, Tinh Vân, CMC... về đầu ra cho sinh viên. Các chuyên gia công nghệ tại những tập đoàn, công ty này cũng gia nhập đội ngũ mentor FUNiX, tham gia xây dựng chương trình và hỗ trợ, kèm cặp sinh viên trong quá trình học tập trực tuyến.
Từ nền tảng này, chương trình "100 doanh nghiệp IT cùng FUNiX phát triển nguồn nhân lực" là một bước tiến lớn hơn của FUNiX nhằm xây dựng hệ sinh thái nhà trường - doanh nghiệp, mang lại những giá trị thực tiễn cho cả doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên.
"Chương trình đặt ra nhiều thỏa thuận hợp tác có giá trị được hai bên cam kết như: Phía doanh nghiệp đồng hành cùng FUNiX trong hoạt động giới thiệu mentor, xây dựng học liệu cho chương trình đào tạo của trường, cam kết nhận sinh viên của trường tới thực tập và làm việc sau khi hoàn thành 3 chứng chỉ đầu tiên", đại diện FUNiX cho hay.
Về phía FUNiX, nhà trường cam kết đảm bảo chương trình đào tạo chất lượng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt là đáp ứng các đơn đặt hàng đào tạo nhân sự cho những dự án trọng điểm. Đơn cử, FUNiX đã ký thỏa thuận hợp tác với FSoft Quy Nhơn, FPT Global Automotive trong các dự án đào tạo 300 lập trình viên tại FSoft Quy Nhơn và 500 lập trình viên Automotive cho FGA...
Ấn tượng với cách suy nghĩ và tiếp cận với học tập của FUNiX, anh Trần Đức Nghĩa – CEO công ty 3S chia sẻ mong muốn hợp tác đào tạo – tuyển dụng cùng FUNiX sẽ giúp công ty mở rộng nguồn tuyển dụng nhân viên mới có năng lực phù hợp yêu cầu của công ty. Bên cạnh đó, việc trở thành một mentor của FUNiX sẽ giúp anh "có nền tảng cập nhật để giúp nhân viên 3S dễ dàng hơn trong việc học tập suốt đời".
Trong khi đó, anh Trần Xuân Khôi – CEO công ty VTI - đơn vị chính thức gia nhập mạng lưới 100 doanh nghiệp đồng hành cùng FUNiX tin tưởng nhận định: "FUNiX là lời giải cho bài toán thiếu hụt lập trình viên cấp quốc gia".
Trong năm 2019, mạng lưới 100 doanh nghiệp đối tác của FUNiX sẽ được thiết lập và không ngừng mở rộng.
Quỳnh Anh