7h sáng, ông Nguyễn Duy Hảo (62 tuổi), ở xóm 9, xã Nghi Diên (Nghi Lộc, Nghệ An) đã lom khom dưới tán lá bắt sâu, gỡ bỏ những chiếc lá khô bám trên cành cam sau vụ thu hoạch. Ông là một trong những hộ dân sở hữu vườn cam đẹp, có tuổi đời lâu năm và số lượng nhiều nhất Xã Đoài.
Ông Hảo cho biết, giáp Tết nên việc chăm sóc 80 gốc cam trong vườn nhà rất bận. Tưới, bón, bắt sâu, cắt tỉa lá, cành... mình ông làm tất vì không muốn thuê người ngoài do sợ tay nghề không đảm bảo.
Ba ngày trước, một khách ở thành phố Vinh về mua hơn 100 quả cam cuối cùng tại vườn của ông Hảo với giá 70 nghìn đồng mỗi quả. "Năm nay, gần 80 gốc cam cũng chỉ thu hoạch được 2 nghìn quả với giá trung bình 60 - 70 nghìn đồng/quả. Đến giờ này có trả 100 nghìn đồng cũng không mua nổi trái cam đẹp. Muốn mua được cam Xã Đoài thì phải đặt từ nhiều tháng trước, có khách đặt từ một năm trước và trung tuần tháng 10 âm lịch, họ đã đến lấy cam", ông Hảo khẳng định.
Nói về sự đặc biệt của trái cam, lão nông ngoại lục tuần cho rằng vị ngọt và mùi thơm của cam Xã Đoài khiến thực khách mê mẩn. "Chỉ cần bóc vỏ ra thôi, mùi thơm đã tỏa khắp nơi, ngửi là muốn ăn", ông ca ngợi sản vật của làng. "Thậm chí nếu dùng tay bóc vỏ cam, mùi thơm lan ra tay, chỉ rửa bằng nước sẽ không thể hết", ông Hảo khẳng định.
Khách đặt và mua cam chủ yếu là những người có điều kiện, mang về làm quà biếu. Họ tìm đến tận vườn, tự tay hái và đóng gói. "Phải tận mắt chứng kiến cam được hái từ cây khách mới vui vẻ trả tiền", anh Cường một chủ vườn cam tại Nghi Diên cho hay. Những ngày này, tại vườn nhà anh Cường chỉ còn sót vài chục trái "cam cọt" (trái nhỏ). Khách hỏi mua anh cũng không bán mà giữ lại dùng trong dịp Tết.
Không chỉ bán quả tươi, người dân ở Nghi Diên còn dùng "cam cọt" cuối mùa để ngâm thành đặc sản rượu cam. Một bình 5 lít rượu ngâm cam Xã Đoài có giá bán khoảng 500 nghìn đồng.
Nhiều hộ trồng cam thừa nhận, vì cam quá đắt nên họ rất ít khi ăn. Nếu có thì cũng chỉ ăn những quả nhỏ, sẹo còn sót lại khi khách hàng không hái.
Để duy trì tuổi thọ và chất lượng quả, các hộ trồng cam chủ yếu dùng phân hữu cơ bón cho cây. Mặc dù khí hậu mỗi năm khác nhau, năm nhuận cam có thể chín trước Tết nhưng người dân không bao giờ dùng thuốc sâu hay thuốc kích thích.
Chị Lê Thị Hợp (42 tuổi) ở thành phố Vinh (Nghệ An) kể, năm ngoái vì có việc phải biếu quà, chị được bạn bè khuyên nên chọn cam Xã Đoài. "Để mua được cam, tôi phải về đó trước 3 tháng đặt hàng, đi tới 3 vườn cam mới đặt được vài chục quả với giá 60 nghìn đồng. Các chủ vườn cam đều bảo muốn mua được cam đẹp thì phải đặt hàng từ nửa năm trước", chị Hợp kể.
Còn ông Trần Văn Lan (56 tuổi) ở thị xã Thái Hòa (Nghệ An) biết tiếng cam Xã Đoài đã lâu nên mấy Tết gần đây đều tìm mua cho được vài chục quả cam thờ tổ tiên. "Cam Xã Đoài đúng là đắt hơn cam khác đến mấy chục lần nhưng hương vị thì ngon hơn hẳn cam khác. Dù khách quen nhưng để mua được cam tôi cũng phải gọi điện đặt hàng trước đó hàng tháng. Cách đây hai tuần, tôi đã về Xã Đoài chọn được gần hai chục quả với giá 70 nghìn đồng. Tiền nào của nấy thôi!", ông Lan nói.
Ông Nguyễn Quốc Sỹ - Phó chủ tịch UBND xã Nghi Diên cho biết, toàn xã có khoảng 22 ha cam Xã Đoài, trong đó hơn một nửa thuộc trang trại của anh Nguyễn Quốc Tuấn.
Theo ông Sỹ, mỗi quả cam có giá 50 - 70 nghìn đồng từ 3 đến 4 năm nay, sau mỗi năm giá lại tăng một chút. Được giá là vậy nhưng gần đây, diện tích cam có xu hướng giảm dần. Thực tế trồng được cây cam này rất khó, nguy cơ bị lỗ rất lớn nên người dân nản không trồng.
"Cam Xã Đoài chưa được cấp bất cứ chứng chỉ hay thương hiệu gì bằng văn bản, nhưng thương hiệu truyền miệng thì có từ hàng chục năm nay mà không loại cam nào trên cả nước sánh nổi", ông Phó chủ tịch xã tự hào.
Văn Hải