Hàng lậu bị thu giữ tại biên giới Việt - Trung. |
1. Vụ buôn lậu xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Tân Trường Sanh do Trần Đàm cầm đầu. Từ tháng 8/1994 đến tháng 8/1997, Trần Đàm móc nối với cán bộ hải quan thuộc Cục Hải quan TP HCM, Thừa Thiên - Huế, Long An, Cần Thơ... nhập lậu vào Việt Nam 903 container hàng hóa, trong đó có 544 container hàng lậu (chủ yếu là đồ điện tử, điện lạnh), 77 ôtô dạng khung gầm... với tổng trị giá trên 1.100 tỷ đồng. Kết thúc điều tra, 170/190 bị can đã bị đề nghị truy tố. Riêng Trần Đàm sau đó bị tuyên án tử hình.
2. Vụ buôn lậu của Công ty TNHH Thương mại Kim Lợi do Đỗ Thị Mỹ Phượng cầm đầu xảy ra tại TP HCM và một số tỉnh khác từ năm 1996 đến tháng 9/1997. Kết quả điều tra cho thấy, trị giá hàng hóa nhập lậu trong vụ án này khoảng 143,7 tỷ đồng. Vụ án đã kết thúc điều tra với 45 bị can bị đề nghị truy tố.
Giai đoạn 1993-1995 nổi lên tình trạng buôn lậu trên tuyến viễn dương với thủ đoạn lợi dung việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, thu gom vàng, ngoại tệ, mua hàng cũ, đồ phế thải của nước ngoài, gia cố thêm các hầm ở trên tàu để chứa hàng lậu. Giai đoạn 1995-1998 buôn lậu gắn liền với các doanh nghiệp có chức năng xuất nhập khẩu. 1998-2000 buôn lậu trên tuyến đường biển diễn ra phức tạp và từ năm 2000 đến nay buôn lậu lại chuyển hướng, gắn liền với các tuyến đường tiểu ngạch. Đặc biệt, gần đây, các đối tượng buôn lậu đã triệt để lợi dụng chính sách trong mỗi thời kỳ hoặc lợi dụng sơ hở trong một số quy định của các bộ, ngành về thuế xuất nhập khẩu để buôn lậu như chính sách: hàng đổi hàng, nội địa hóa xe máy, tạm nhập tái xuất... |
3. Tháng 8/2001, Cục Cảnh sát kinh tế (nay là Cục cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ - C15) phối hợp với cơ quan công an các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Quảng Ninh, Cần Thơ... khám phá vụ buôn lậu ôtô lớn, thu giữ 87 xe. Thủ đoạn của các đối tượng là móc nối với người nước ngoài đưa xe vào Việt Nam dưới hình thức tạm nhập tái xuất, nhưng thực tế không xuất xe mà móc ngoặc với hải quan cửa khẩu làm hồ sơ tái xuất khống, sau đó sử dụng bộ hồ sơ bán đấu giá hàng tịch thu của các cơ quan chức năng, làm giả con dấu, chữ ký, thay danh sách xe kèm theo bằng xe nhập lậu để đăng ký. Nguyễn Trung Hậu, đối tượng chính của vụ án, đã phải chịu mức án 10 năm tù giam.
4. Tháng 6/2002, lực lượng cảnh sát Bộ Công an đã khám phá vụ buôn lậu tại Hang Dơi, Lạng Sơn, thu giữ khoảng 70 tấn hàng hóa, 1 súng ngắn, 26 viên đạn, 5 kiếm, trên 100 triệu đồng và 20 ôtô là phương tiện chở hàng lậu. Đây là vụ buôn lậu đường biên lớn nhất miền Bắc bị phát hiện từ trước tới nay. Vụ án đang trong quá trình điều tra bổ sung. 28 bị can đã bị khởi tố.
5. Vụ buôn lậu trốn thuế của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đông Nam, TP HCM, đến nay đã xác định được số tiền trốn thuế khoảng 200 tỷ đồng, vận chuyển ngoại tệ trái phép qua biên giới khoảng 20 triệu USD. Cơ quan điều tra đã thu giữ 8.512 máy điện thoại di động các loại, 5.222 đồng hồ, gần 400.000 USD và khoảng 2,3 tỷ đồng. Đã có 5 bị can bị khởi tố về tội buôn lậu và trốn thuế.
6. Tháng 6/2003, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ đã khám phá vụ Công ty sản xuất, xuất nhập khẩu, tiểu thủ công nghiệp miền trung, tỉnh Phú Yên, mua bán hạn ngạch, nhập khẩu 12.000 bộ linh kiện xe gắn máy có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế, cố ý làm trái gây thiệt hại trên 20 tỷ đồng. 13 bị can đã bị VKSND tối cao truy tố.
7. Vụ Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Phó chủ nhiệm cửa hàng miễn thuế thuộc Cảng Sài Gòn, bị C15 khám phá tháng 5/2004. Lợi dụng cơ chế hoạt động của cửa hàng, Thúy Hạnh cùng đồng bọn buôn lậu hàng trăm nghìn chai rượu ngoại và hàng chục nghìn cây thuốc lậu. Riêng tang vật cơ quan điều tra thu giữ bao gồm: 22.472 chai rượu ngoại các loại và 2.064 cây thuốc lá nhập lậu. Vụ án đang được tiếp tục điều tra.
8. Vụ Trần Thế Hùng, tức Hùng "Xì Tẹc", Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thành Phát, tỉnh Tiền Giang, cùng đồng bọn buôn lậu xăng dầu với số lượng lớn. Thủ đoạn của chúng là lợi dụng chính sách miễn thuế đối với hàng tạm nhập tái xuất để nhập khẩu xăng dầu với số lượng lớn, sau đó móc nối với hải quan, bộ đội biên phòng cửa khẩu Vĩnh Xương, An Giang, lập khống hồ sơ tái xuất sang Campuchia, nhưng thực chất là tiêu thụ một lượng xăng dầu lớn ở trong nước. Trần Thế Hùng đã thu lợi bất chính 9 tỷ đồng và 66.000 USD. Liên quan đến vụ án còn có Nguyễn Văn Dũi, trưởng đồn biên phòng cửa khẩu Vĩnh Xương. Vụ án đang được mở rộng điều tra.
9. Tháng 11/2002, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khám phá vụ buôn lậu tại thị trấn Gò Dầu, Tây Ninh. Tang vật thu giữ gồm 180 đầu video, 156 chai rượu ngoại, 2 xe du lịch... với tổng trị giá 1 tỷ đồng. Các đối tượng chính của vụ án gồm: Trần Văn To, Nguyễn Thế Năng, Phạm Bích Ngọc... Mở rộng vụ án, cơ quan công an đã chứng minh được tổng trị giá hàng hóa mà đường dây này nhập lậu trót lọt khoảng 25 tỷ đồng. Vụ án đã kết thúc với tổng mức án 79 năm tù giam cho các đối tượng.
10. Tháng 7/2002, Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt quả tang một số đối tượng đang vận chuyển và lưu hành 37,8 triệu đồng Việt Nam giả. Quá trình điều tra xác định, từ năm 2001 đến tháng 4/2002, Hoàng Tú Liên, quốc tịch Trung Quốc, đã bán cho vợ chồng Nguyễn Thế Lương và Lý Thị Mỹ Duyên trú tại Lạng Sơn 1.435 triệu đồng Việt Nam giả với giá tương đương 451 triệu đồng. Sau đó, vợ chồng Lương, Duyên chuyển cho Trần Thị Mỹ Hà và 13 đối tượng ở nhiều tỉnh để tiêu thụ. Đây là một trong những vụ vận chuyển buôn bán tiền giả lớn nhất bị phát hiện. Năm 2003, tòa phúc thẩm đã tuyên phạt tử hình đối với Trần Thị Mỹ Hà.
Phạm Hiếu