Nghị định 73 có hiệu lực từ 1/7 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Theo đó, 10 trường hợp được tăng lương cơ sở là: Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; nhân viên hợp đồng với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.
Các trường hợp áp dụng lương cơ sở mới nữa là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc công an; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc quân đội và hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc công an; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố.
Các đơn vị đang được áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương sẽ bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6/2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ 1/7. Việc bảo lưu áp dụng đến khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.
Trong thời gian này, các đơn vị sẽ thực hiện tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng và không vượt quá mức hưởng tháng 6/2024. Nếu tiền lương và thu nhập tăng thêm thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.
Cuối năm 2023, cả nước có gần 2,78 triệu lao động khu vực nhà nước đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, không gồm lực lượng vũ trang. Trong đó, hơn 2,2 triệu người hưởng lương từ ngân sách và gần 556.000 người hưởng lương tại các đơn vị tự chủ toàn phần hoặc một phần. Bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của nhóm này đạt 6,9 triệu đồng mỗi tháng.
Công chức, viên chức có thành tích đột xuất sẽ được thưởng từ 1/7
Theo Nghị định 73, khu vực công sẽ được bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản, không gồm phụ cấp. Chế độ tiền thưởng áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Mức thưởng cụ thể từng người không nhất thiết phải gắn với mức lương theo hệ số lương của họ.
Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng quy chế cụ thể về thưởng và phải công khai tại cơ quan, gửi đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp để kiểm tra. Chế độ này sẽ áp dụng với người trong danh sách trả lương của đơn vị.
Quỹ tiền thưởng hàng năm sẽ nằm ngoài quỹ khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. Hết ngày 31/1 của năm sau liền kề, nếu cơ quan không dùng hết quỹ tiền thưởng của năm thì không được chuyển nguồn vào quỹ tiền thưởng của năm sau.
Ngân sách trung ương sẽ bổ sung kinh phí còn thiếu để tăng lương
Để có kinh phí tăng lương, các bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2024 tăng thêm so với dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao; tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 chưa sử dụng hết chuyển sang.
Các tỉnh, thành phố sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên theo dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao để làm kinh phí tăng lương. Các tỉnh còn được dùng 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2024 so với dự toán năm 2023 được Thủ tướng giao; 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2023 thực hiện so với dự toán được giao; dùng nguồn cải cách tiền lương năm 2023 chưa sử dụng hết chuyển sang...
Ngân sách trung ương sẽ bổ sung kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở và thực hiện chế độ tiền thưởng năm 2024. Kinh phí cải cách tiền lương, thực hiện chế độ tiền thưởng của viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 do đơn vị tự đảm bảo.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết 30% là mức tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp, chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.
Việc này cũng tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và những người hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Đến hết năm 2023, cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.
Ngoài lương cơ sở, từ ngày 1/7, lương tối thiểu vùng tăng 6%; lương hưu tăng 15%; chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 triệu lên 2,789 triệu đồng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9% từ 360.000 lên 500.000 đồng mỗi tháng.