Dưới đây là 10 thói quen xấu có thể hủy hoại sự nghiệp của bạn theo Jeff Haden của LinkedIn.
1. Vô tư lãng phí thời gian của người khác
Bạn đến muộn trong cuộc hẹn hoặc buổi họp, đồng nghĩa với việc bạn cho rằng thời gian của mình quan trọng hơn của người khác. Còn khi bạn kiên nhẫn chờ đợi tới lượt thanh toán tại cửa hàng tạp hóa, cho thấy bạn tôn trọng người xung quanh.
Bạn mất tới 3 phút để đổ đầy bình nước quá khổ của mình trong khi cả hàng người đang đứng chờ sau lưng bạn. Điều đó đồng nghĩa bạn cho rằng mình đang sống trong thế giới của riêng mình và chỉ thế giới đó mới quan trọng.
Đó là những hành vi nhỏ gây khó chịu nhưng không phải điều gì to tát? Sai. Những người không chú ý tới những tiểu tiết đó sẽ rất hồn nhiên khi gây phiền phức lớn cho người khác
Cách bạn đối xử với những người xung quanh trong những việc nhỏ, đặc biệt khi là lãnh đạo, nói lên rất nhiều điều về con người bạn. Hãy hành động, cư xử như thể vấn đề của người khác cấp bách hơn của bản thân, nhờ đó bạn sẽ có được cảm tình của người xung quanh.
2. Phớt lờ người “không cùng đẳng cấp”
Người đàn ông trung niên nặng gần 140 kg đang vất vả luyện tập với các thiết bị trong phòng tập thể hình. Nhưng không ai nói chuyện hay chú ý tới ông ta, như thể ông là người vô hình. Tại sao? Vì ông ta không giống mọi người.
Đó là điều chúng ta thường làm. Khi đến tham quan một công ty, ta chỉ bắt chuyện với những người mình “nên nói chuyện”. Một quy tắc đơn giản là hãy gật đầu hoặc mỉm cười bất cứ khi nào nhìn thấy ai đó, hoặc thậm chí nói “xin chào”. Đừng cư xử như thể người khác không tồn tại. Như vậy mọi người xung quanh sẽ có thiện cảm với bạn.
3. Nhờ vả quá nhiều
Một ngườibạn không quen nhờ bạn làm một việc lớn và rất mất thời gian. Bạn lịch sự từ chối. Anh ta tiếp tục nhờ. Bạn tiếp tục từ chối. Đến mức anh ta nói: “Việc này vô cùng quan trọng với tôi. Anh phải giúp. Tôi thực sự cần anh giúp”.
Trên thực tế, đôi khi bạn thực sự cần đến sự giúp đỡ từ người khác. Nhưng đó là vấn đề của bạn. Thế giới này chẳng nợ bạn thứ gì. Bạn không có quyền đòi hỏi lời khuyên hay tư vấn. Thứ duy nhất bạn có quyền là những gì bạn làm được. Thông thường người ta chỉ muốn giúp những người biết tự giúp bản thân và biết giúp đỡ người khác trước.
4. Bỏ mặc những người thực sự cần giúp đỡ
Có nhiều người rơi vào tình cảnh không thể tự giúp mình và họ cần giúp đỡ: Một chút tiền, đồ ăn hay áo ấm. Mặc dù không hoàn toàn tin vào quả báo, nhưng tôi tin rằng khi làm điều tốt bạn sẽ nhận lại được điều tốt lành và cảm thấy thoải mái.
5. Đặt câu hỏi để có cơ hội “chém gió”
Trong giờ ăn trưa, một người hỏi: “Anh nghĩ tiếp thị qua truyền thông xã hội có hiệu quả không?” Bạn trả lời: “Ồ, tôi nghĩ tùy từng trường hợp…”.
Người đó liền ngắt lời: “Sai rồi. Tôi chưa bao giờ thấy đầu tư vào biện pháp này mang lại hiệu quả. Doanh thu trực tiếp cũng không tăng. Ngoài ra, cái gọi là “sự nhận biết” của khách hàng đối với sản phầm cũng không thể đo được và đây cũng không phải mục tiêu quan trọng...”. Anh ta liên lục ba hoa khiến bạn muốn thoát mà không được.
Đừng bao giờ vờ đặt câu hỏi để được “chém gió”. Chỉ hỏi khi nào bạn thực sự muốn biết câu trả lời. Khi tới lượt mình nói, hãy hỏi thêm để hiểu rõ hơn quan điểm của người đối diện. Mọi người thường thích những ai thực sự quan tâm tới người khác chứ không phải bản thân họ.
6. Hỏi câu “Biết tôi là ai không?”
Nhiều người thường “chìa ra bộ mặt” kiểu “Tôi là người quan trọng nên không thể làm việc này”. Bạn phải xếp hàng quá lâu hay dịch vụ cho bạn không đủ “riêng tư”, hay đôi khi không nhận được sự tôn trọng mình “đáng” được nhận. Tuy nhiên, đừng nói kiểu “Tôi là ông nọ bà kia. Mọi người sẽ thích hơn nếu bạn không hành xử theo kiểu “biết mình là ai” hoặc cho rằng mình đáng được đối xử khác biệt.
7. Không biết phân biệt tình huống
Tính cách khác biệt thường đem lại nhiều điều thú vị, nhưng sẽ không còn thú vị nữa khi bạn vẫn “thể hiện cá tính” đó trong những tình huống khó khăn, căng thẳng. Biết là bạn hài hước nhưng hãy biết khi nào nên và không nên thể hiện điều đó. Hãy biết khi nào nên dừng việc thể hiện cá tính của mình và đừng bao giờ ngụy biện rằng “Tôi là như vậy đấy”.
8. Đùa quá trớn
Với những vấn đề như kiểu tóc, cân nặng, chồng con hay công việc trục trặc, bạn thấy không sao khi tự lấy ra làm trò đùa nhưng người khác làm vậy bạn có được không? Câu trả lời là không. Bạn sẽ nói kiểu: “Tôi có thể nói mình béo nhưng anh thì không”.
Đôi khi việc tự làm trò từ nhược điểm của mình là hành động che đậy cho sự bất an. Vì vậy, đừng nhầm tưởng việc ai đó tự lấy họ ra làm trò cười đồng nghĩa với việc bạn được phép làm điều tương tự.
9. Khoe khoang “trá hình”
Khoe khoang trá hình là hành động muốn khoe khoang về bản thân nhưng giả vờ khiêm tốn. Chẳng ai muốn nghe bạn căng thẳng ra sao trước buổi nói chuyện tại TED Talk, cũng chẳng ai quan tâm việc bạn phải quản lý hai dinh thự vất vả ra sao. Trước khi khoe khoang, dù có khiêm tốn hay không, dù là về chuyện công việc hay chuyện riêng tư, hãy nghĩ đến người nghe. Cứ tự hào về những gì mình làm được, nhưng đừng nói gì cả. Hãy để cho những người xung quanh tự nói tốt về bạn.
10. Đề cao ý kiến của bản thân
Bạn biết những điều hay nhưng chỉ nên chia sẻ chúng đúng lúc đúng chỗ. Nếu bạn là người phụ trách, người lãnh đạo hay huấn luyện viên, hãy chia sẻ những điều đó. Còn nếu bạn chỉ là một người bình thường mới bắt đầu chế độ ăn kiêng thì đừng khuyên người khác phải ăn thế nào trừ khi được hỏi. Bởi những thứ đúng với bạn chưa chắc đã đúng với người khác. Chưa kể, nhiều khi những điều bạn cho là đúng thực ra không phải vậy.
Thanh Tuyền (Theo Business Insider)