Thứ bảy, 5/10/2024
Thứ sáu, 19/9/2014, 15:32 (GMT+7)

10 thị trấn bỏ hoang nổi tiếng thế giới

Từng là nơi phát triển phồn vinh với cảnh quan thanh bình, những cuộc tấn công hay thảm họa thiên nhiên đã khiến những thị trấn này trở nên hoang vu, không còn ai sinh sống.

1. Kayakoy, Thổ Nhĩ Kỳ

Là một ngôi làng nằm ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ, Kayakoy bị rơi vào lãng quên từ năm 1923. Tuy vậy, theo Telegraph, Kayakoy có thể sớm được tái sinh sau khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công bố kế hoạch cho thuê ngôi làng trong vòng 49 năm thông qua hình thức đấu giá. Điều này có thể giúp Kayako được tái cấu trúc và cải thiện thông qua các dịch vụ du lịch và khách sạn.

2. Craco – Italy

Trước năm 1963, Craco từng là thị trấn phồn vinh nằm trên núi, phía Nam Italy. Những vụ sạt lở đất, ngập lụt cùng động đất vào năm 1980 đã biến nơi đây trở nên hoang vu và hiện không người ở. Dù vậy, với vẻ đẹp hoang tàn, Craco vẫn được chú ý và trở thành phim trường cho nhiều tác phẩm điện ảnh như Cuộc khổ nạn của Chúa (The Passion of the Christ) hay Định mức khuây khỏa (Quantum of Solace).

3. Kolmanskop - Namibia

Cách cảng Luderitz vài dặm, Kolmanshop từng là ngôi làng phát triển mạnh ở Namibia về khai thác khoáng sản sau khi một công nhân có tên Zacharias Lewala tìm ra kim cương vào năm 1908. Người dân nơi đây xây những ngôi nhà với cơ sở vật chất đầy tiện nghi như bệnh viện, phòng khiêu vũ và thậm chí là cả sòng bài hay nhà máy nước đá với kiến trúc Đức.

Kolmanskop bắt đầu rơi vào suy thoái kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ I. Đây cũng là giai đoạn trữ lượng kim cương trong ngôi làng cạn kiện. Tới năm 1954, Kolmanskop không còn ai sinh sống và ngày nay là một điểm du lịch nổi tiếng.

4. Oradour sur Glane – Pháp

Trong quá khứ, Oradour sur Glane là miền quê tuyệt đẹp ở Pháp với hồ nước, khu rừng và đồng cỏ đầy ắp những con con bò màu nâu vàng nhởn nhơ gặm cỏ. Người dân nơi đây sống trong sự thanh bình, làm đồng và đi câu cá mỗi ngày. Cuộc sống như vậy cứ thế tiếp diễn đến 2h chiều ngày thứ Bảy định mệnh (10/6/1944), sự tàn phá từ Chiến tranh thế giới thứ II tiến vào ngôi làng khiến 642 người thiệt mạng. Ordour sur Glane sau đó vĩnh viễn chìm vào im lặng.

5. Epecuén – Argentina

Được thành lập vào thể kỷ 20, Epecuén lúc bấy giờ phát triển mạnh mẽ và duy trì trong suốt 5 thập kỷ ở Argentina. Thị trấn có trạm xe lửa riêng với dân số trên 5.000 người. Thế nhưng tới năm 1985, những trận mưa lớn một cách bất thường trút xuống khiến Epecuén phình to. Việc Chính phủ Argentina buông lỏng quản lý hệ thống thoát nước trong suốt năm 1976-1983 làm các đập nước không thể đối phó kịp thời với những cơn mưa khủng khiếp. Sự cố vỡ hồ nước làm Epecuén phải sơ tán toàn bộ người dân. Đến năm 2009, ngôi làng này vẫn còn ngập trong mực nước cao gần 9m ngay cả khi trải qua đợt hạn hán.

6. Belchite – Tây Ban Nha

Là một tỉnh của Zaragoza (Tây Ban Nha), Belchite hiện cũng là ngôi làng ma với một lịch sử đầy bi thương. Mùa hè năm 1937, nơi đây diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa Francisco Franco (một nhà độc tài) và quân đội Cộng hòa Tây Ban Nha. Cuộc chiến này đã cướp đi sự sống ở Belchite. Sau này, khi kết thúc cuộc giao tranh, người dân cũng không còn sinh sống trở lại ở Belchite mà xây dựng một ngôi làng khác cách đó không xa. Belchite hiện chỉ còn là nơi tưởng nhớ những đau thương từ cuộc chiến năm nào.

7. Prypiat – Ukraine

Xây dựng vào năm 1970, thị trấn Prypiat nằm gần nhà máy điện Chernobyl và từng có dân số tới 50.000 người. Tuy nhiên, năm 1986, một vụ nổ nhạt nhân đã khiến người dân này phải di tản và Prypiat trở nên vắng lặng.

Nhiều năm qua, các tour du lịch đến thăm Prypiat được thực hiện và tạo điều kiện giúp du khách khám phá thị trấn. Họ có thể được bước qua những hành lang đầy mảnh vỡ, tới thăm bể bơi có kích cỡ đúng chuẩn Olympic hay tản bộ dọc những lớp học vắng lặng trong những ngôi trường.

8. Tyneham – Anh

Tyneham nằm ở phía nam Dorset (Anh). Ngôi làng bị chiếm đóng bởi Bộ Quốc phòng và từng là trường luyện bắn cho các thực tập sinh vào năm 1943. Người dân địa phương được hứa hẹn cho phép quay trở lại làng sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, vào năm 1948, ngôi làng đã bị bán khác theo lệnh bán đất bắt buộc và không người dân nào được phép trở về. Nhà thờ và trường học nơi đây hiện tại được lưu giữ như những bảo tàng.

9. Rhyolite – Mỹ

Nổi tiếng với cái tên “thị trấn ma”, Rhyolite nằm ở quận Nye – bang Nevada (Mỹ) và cách Las Vega 190km về phía Tây Bắc. Thị trấn này bắt đầu xuất hiện vào năm 1905 khi một vài trại khai thác khoáng sản mọc lên, chủ yếu là để tìm vàng. Hàng nghìn công nhân đổ về khu vực này để tìm kiếm gia tài lúc bấy giờ như một cơn sốt. Dân số tại Rhyolite vào năm 1910 lên tới 7.523 người. Sau thời gian khai thác, những người này lại kéo nhau rời Rhyolite và khiến thị trấn dần rơi vào quên lãng.

10. Hallsands – Anh

Hallsands là một ngôi làng nằm bên bờ biển phía nam Devon (Anh). Thử thách thiên nhiên đã biến nơi đây trở nên hoang tàn. Năm 1900, một mảng tường có mặt quay ra biển của ngôi làng đã bị cuốn phăng trong cơn bão. 17 năm sau, gió mạnh và thủy triều cao bất thường làm người dân nơi đây phải rời bỏ ngôi làng.

Trần Hằng
(Ảnh: Telegraph)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net