Theo kết quả khảo sát chi phí sinh hoạt 2024 của công ty tư vấn toàn cầu hoạt động gần 80 năm Mercer hôm 16/6, Hong Kong lần thứ 3 liên tiếp giữ danh hiệu thành phố có chi phí đắt đỏ nhất thế giới với khách quốc tế. Thụy Sĩ là quốc gia có nhiều thành phố nằm trong top 10 nhất với Zurich (thứ 3), Geneva (thứ 3), Basel (thứ 4) và Bern (thứ 6). Singapore đứng thứ 2. Những cái tên còn lại gồm New York và Los Angeles, Mỹ; London, Anh; Nassau, Bahamas.
Ở chiều ngược lại, 10 thành phố có mức chi phí rẻ nhất là Abuja và Lagos, Nigeria; Islamabad và Karachi, Pakistan; Bishkek, Kyrgyzstan; Blantyre, Malawi; Dushanbe, Tajikistan; Durban, Nam Phi; Windhoek, Namibia; Havana, Cuba.
Chi phí sinh hoạt tại TP HCM rẻ hơn Hà Nội khi xếp thứ 172 còn thủ đô đứng thứ 178. Tuy nhiên, theo Mercer, cả hai thành phố đều có giá cả bớt đắt đỏ hơn năm ngoái vì đều giảm thứ hạng, trong top các điểm đến có giá thành thấp.
Khảo sát chi phí sinh hoạt thường niên của Mercer xếp hạng 226 thành phố đại diện cho các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm cung cấp xu hướng, thông tin cho những người chuẩn bị có chuyến đi quốc tế.
Xếp hạng dựa vào giá của một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày như giá trứng, dầu ăn, một tách cà phê, xăng và quần jeans (đại diện cho quần áo), cắt tóc. Tính trung bình, giá thành của tất cả sản phẩm này đều tăng trong năm nay, mức tăng đáng chú ý nhất là giá dầu ăn. Buenos Aires của Argentina chứng kiến giá dầu ăn tăng cao nhất, 694% so với năm ngoái.
Theo Mercer, lạm phát và biến động tỷ giá hối đoái đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và tiền tiết kiệm của mọi người. Biến động kinh tế, địa chính trị gia tăng, xung đột và tình trạng khẩn cấp ở nhiều quốc gia cũng khiến giá cả ở từng vùng biến động.
Tại điểm đến phát triển như Hong Kong, Singapore, Zurich, giá nhà đắt đỏ, chi phí đi lại, giá dịch vụ, hàng hóa đều cao, góp phần đẩy chi phí cho cuộc sống cao hơn. Ngược lại, ở Islamabad, Lagos và Abuja, chi phí sinh hoạt thấp hơn một phần do đồng tiền mất giá.
Anh Minh (Theo CNN)