Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 26/1/2015, 10:51 (GMT+7)

10 thần đồng bóng đá sớm chìm vào quên lãng

Nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại cho tương lai của Martin Odegaard, tiền vệ mới gia nhập Real Madrid ở tuổi 16. Bởi trước đó, không ít cầu thủ được tung hô là tài năng trẻ đã không thể tỏa sáng khi trưởng thành.

Wayne Harrison (sinh năm 1967). Cựu tiền đạo này từng nổi tiếng khi trở thành cầu thủ thiếu niên đắt giá nhất thế giới ở thời điểm thực hiện vụ chuyển nhượng từ Oldham Athletic tới Liverpool vào năm 1985, với mức phí 375.000 đôla. Lúc đó Harrison mới 17 tuổi. HLV của Liverpool khi đó, ông Joe Fagan, giải thích về vụ chiêu mộ gây sốc: “Cậu ấy là một cầu thủ đặc biệt, có lẽ các bạn chỉ được biết về một tài năng như vậy một lần trong 20 năm. Đó là lý do khiến chúng tôi mua cầu thủ trẻ này với giá kỷ lục”.

 

Nhưng sự nghiệp của ông tại sân Anfield nhanh chóng tàn lụi bởi một loạt các chấn thương. Harrison không được thi đấu một phút nào ở đội một Liverpool. Sau vài mùa chơi cho Oldham Athletic và  Crewe Alexandra theo diện cho mượn, Harrison phải giải nghệ khi mới 23 tuổi, sau 23 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, trong đó có tới 12 lần chấn thương đầu gối. Trong thời gian mới tới Liverpool, ông còn gặp tai nạn suýt chết vì mất máu quá nhiều sau cú ngã xuyên qua một nhà kính.

 

Sau khi giã từ sân cỏ lúc còn rất trẻ, ông từng có thời làm tài xế xe tải cho một nhà máy bia địa phương, ở Stockport, Vương quốc Anh. Harrison qua đời vào đúng ngày Giáng sinh năm 2013, ở tuổi 46, sau một thời gian phải chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến tụy.

Nii Lamptey (sinh năm 1974). Cựu cầu thủ này từng được chính vua bóng đá Pele dự đoán sẽ trở thành một “Pele của Ghana”. Năm 1991, khi 16 tuổi, Lamptey góp công lớn giúp Ghana vô địch giải U17 thế giới, và còn được bầu là cầu thủ hay nhất giải đó, đứng trên cả những người sau này đạt đẳng cấp thế giới như Juan Veron (Argentina) và Del Piero (Italy). Không lâu sau giải trẻ đó, Anderlecht đã mạo hiểm mua Lamptey khi anh mới 16 tuổi. Sau đó, anh chuyển tới PSV và trở thành Vua phá lưới giải vô địch Hà Lan. Ron Atkinson (cựu HLV của Man Utd và Atletico Madrid) tiếp tục đưa anh tới với bóng đá Anh trong màu áo Aston Villa ở tuổi 20, nhưng kể từ đó sự nghiệp của Lamptey nhanh chóng lụi tàn. Trong hai mùa giải đầu tiên ở Anh, cựu tiền vệ tấn công này chỉ được ra sân mười lần, không ghi được bàn nào. Sau đó anh theo chân Ron Atkinson tới Coventry, và phong độ của anh thậm chí còn tệ hại hơn.

 

Anh đã trôi dạt qua 10 CLB ở bảy quốc gia khác nhau nhưng cũng đều thất bại, dù là ở Italy, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Đức, hay Trung Quốc, trước khi trải qua khoảng thời gian mệt mỏi cuối sự nghiệp tại quê hương Ghana. “Khi Pele nhận xét rằng tôi có những điểm giống ông ấy, đó là một vinh dự lớn. Nhưng đó cũng là điều tiêu cực. Ở bất cứ nơi nào tôi có mặt, người ta cũng yêu cầu ở tôi rất cao. Một khi tôi không đáp ứng được kỳ vọng, tôi trở thành kẻ thất bại”, Lamptey từng tâm sự như vậy với báo giới trong ngày thông báo quyết định chấm dứt sự nghiệp ở tuổi 33, hồi năm 2008.

Billy Kenny (sinh năm 1973). Cựu tiền vệ này ra mắt đội một Everton vào năm 1992 ở tuổi 19, và từng có một số màn trình diễn ấn tượng tới mức được ca ngợi là Paul Gascoigne của sân Goodison Park. Billy Kenny thậm chí còn được bầu là cầu thủ hay nhất trận derby vùng Merseyside đầu tiên của Ngoại hạng Anh (giải đấu ra đời năm 1992). Nhưng Kenny đã sớm phải chấm dứt sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp khi mới 21 tuổi, sau chỉ 17 lần ra sân trong màu áo Everton và thêm bốn lần trong màu áo Oldham Athletic. Chấn thương khiến anh phải xa sân cỏ một thời gian dài, dẫn tới buồn chán và rồi phá hỏng sự nghiệp vì nghiện rượu và chất kích thích.

Anthony Le Tallec (sinh năm 1984). Le Tallec từng tin rằng anh sẽ có một sự nghiệp vẻ vang như Carlos Tevez hay Fernando Torres, nhưng thay vào đó, giờ tiền đạo này đang phải hài lòng với việc chơi ở giải Ligue 1 kém tiếng tăm trong màu áo Valenciennes.

 

Năm 2001, ở tuổi 17, thần đồng người Pháp này cùng anh họ Florent Sinama-Pongolle được Liverpool tuyển mộ từ Le Harve trong thương vụ kép trị giá chín triệu đôla. Cơ sở để Liverpool tậu bộ đôi này là phong độ chói sáng của hai trong màu áo U17 Pháp vô địch U17 thế giới.

 

Nhưng tại Anfield, Le Tallec chỉ ra sân hơn 20 lần trong vòng sáu năm và dành phần lớn thời gian phiêu bạt sang các đội bóng nhỏ khác dưới dạng cho mượn. Anh không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của một cầu thủ dẫn dắt lối chơi có khả năng tung ra những đường chuyền chết chóc và một mình truyền cảm hứng giúp cả tập thể chiến thắng như kỳ vọng từ lúc mới rời nước Pháp. 

Cherno Samba (sinh năm 1985). Tiền đạo người gốc Gambia từng là niềm hy vọng của làng bóng đá Anh, khi anh góp mặt trong thành phần của tất cả các đội trẻ của quốc gia này, từ U16 cho tới tận lứa U20. Khi còn là cậu bé 13 tuổi ở học viện bóng đá St. Joseph's Academy, Samba đã ghi được tới 132 bàn trong chỉ 32 trận đấu. Tuy nhiên, sau đó anh đã quyết định thi đấu cho đội tuyển quốc gia Gambia, với lần ra mắt năm 2008, do cảm thấy không có cơ hội được gọi vào đội tuyển Anh. Samba thậm chí từng được Liverpool quan tâm mời thử việc hồi trẻ, và HLV Gerard Houllier đã có lời đề nghị chuyển nhượng nhưng bị Millwall từ chối.

 

Tuy nhiên, anh cũng chỉ là một trong những ngôi sao mới vừa lóe sáng đã nhanh chóng vụt tắt. Anh bị CLB địa phương Millwall đẩy đi vào năm 2004 khi chưa có trận nào được chơi ở đội một, phải chấp nhận thử sức tại các đội hạng thấp hơn ở Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Phần Lan. Sau khi tiếp tục mờ nhạt ở các đội vô danh như Cadiz, Malaga B, Plymouth, Wrexham, FC Haka, Panetolikos, cầu thủ này cập bến FK Tonsberg ở giải hạng Nhì của Na Uy năm 2012. Hiện giờ, anh là cầu thủ thất nghiệp. Trong màu áo tuyển Gambia, anh cũng chỉ được tham gia bốn trận, ghi đúng một bàn.

Michael Johnson (sinh năm 1988). Cầu thủ này ra mắt giải Ngoại hạng Anh vào năm 2006 ở tuổi 18, trong màu áo Man City. Tiền vệ này từng là thành viên của các đội trẻ lứa U16, U19 và U21 của Anh. Từng có thời anh được truyền thông và người hâm mộ xứ sương mù kỳ vọng sẽ có một tương lai vĩ đại, nhưng điều đó chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn. Chấn thương đầu gối dai dẳng được coi là một nguyên nhân cản trở bước tiến sự nghiệp của cầu thủ này. Số lần được góp mặt trong đội một của anh tại Man City thưa dần, và kết thúc sau khi tỷ phú Sheik Mansour đổ tiền vào để biến CLB này thành một đội bóng nhiều sao.

 

Tháng 12/2012, Man City mới kết thúc hợp đồng với Johnson, nhưng trên thực tế lần ra sân cuối cùng của anh tại CLB này đã diễn ra từ hơn ba năm trước đó. Sau bảy trận cố cứu vãn sự nghiệp tại Leicester City nhưng không thành công, anh đã rời xa bóng đá. Hiện tại Johnson là chủ một nhà hàng ăn, và điều hành một đại lý bất động sản.

Freddy Adu (sinh năm 1989). Tiền đạo người Mỹ gốc Ghana này từng ký hợp đồng thi đấu với DC United khi mới 14 tuổi. Ngày đó, anh thậm chí còn là cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử có được hợp đồng chuyên nghiệp tại nước Mỹ, được coi là hình mẫu cho sự phát triển của bóng đá nước này. Anh đã hai lần có tên trong đội hình All-Stars của giải bóng đá nhà nghề MLS, và được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột đội tuyển Mỹ tại các kỳ World Cup.

 

Adu (giữa, trong ảnh) cũng từng thử việc ở Man Utd, trước khi gia nhập Benfica hồi năm 2007. Nhưng cũng từ đó, sự nghiệp của Adu nhanh chóng xuống dốc khi không thành công ở bất kỳ nơi nào anh tới, từ Monaco, cho tới các CLB vô danh như Belenenses, Aris, Caykur Rizespor, Philadelphia, Bahia, và mới nhất là Jagodina. Ở tuổi 25, anh đang thất nghiệp, sau khi bị đội bóng của Serbia kết thúc hợp đồng hồi tháng 12 năm ngoái. Thực ra, từ lâu mọi người đã nhận thấy rằng tài năng của anh đã sớm bị thổi phồng. Anh có lẽ cũng là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong số những thần đồng bóng đá không bao giờ lớn.

John Bostock (sinh năm 1992). Tiền vệ này trở thành cầu thủ trẻ nhất của Crystal Palace được ra sân thi đấu tại một giải chính thức, ở tuổi 15 và 287 ngày, khi vào thay người ở trận gặp  Watford tại giải hạng Nhất Anh hồi tháng 10/2007. Anh còn từng là đội trưởng U17 của Anh.

 

Sau khi được một số CLB ở giải Ngoại hạng Anh đặt vấn đề chuyển nhượng, cuối cùng Bostock đồng ý ký hợp đồng năm năm với Tottenham vào năm 2008. Tuy nhiên, CLB thành London không tin dùng anh một trận nào ở giải Ngoại hạng Anh. Bostock phiêu bạt qua các đội bóng hạng thấp, Brentford, Hull City, Sheffield Wednesday, Swindon Town, Toronto FC, theo các hợp đồng cho mượn.

 

Ở tuổi 23, anh hiện tại chỉ thi đấu tại giải hạng Nhì của Bỉ, trong màu áo OH Leuven. Dù sao thì ở đây anh cũng được coi là ngôi sao sáng của đội bóng. Thậm chí, hội cổ động viên của OH Leuven còn có hẳn một lá cờ Anh, trên đó in hình khuôn mặt của John Bostock kèm dòng chữ “Chúng tôi đặt niềm tin vào John”.

Keirrison (sinh năm 1988). Ngày 23/7/2009, Barcelona thông báo đã đạt được thỏa thuận với CLB nổi tiếng của Brazil, Palmeiras, để mang tiền đạo Keirrison tới sân Nou Camp. Theo nhiều nguồn tin, cầu thủ này đã ký hợp đồng năm năm với Barca, cùng mức phí chuyển nhượng lên tới 15,6 triệu đôla.

 

Ngày đặt chân tới CLB xứ Catalan, Keirrison phát biểu: “Tôi hy vọng được góp mặt vào đội hình của HLV Pep Guardiola, và tiếp bước những cầu thủ Brazil nổi tiếng khác đã chơi bóng tại đây. Tôi rất hạnh phúc khi tới đây ở tuổi 20, và được hiện thực hóa giấc mơ chơi bóng cho CLB hay nhất thế giới”. Nhưng không lâu sau đó, HLV  Pep Guardiola tuyên bố rằng: “Cậu ấy sẽ được Barca cho các đội khác mượn để làm quen với môi trường bóng đá châu Âu”. Và các CLB như Roma, Monaco hay Ajax khi đó đã rất muốn mượn tiền đạo này. Nhưng thời gian dài thi đấu theo diện cho mượn của anh bắt đầu với Benfica của Bồ Đào Nha, rồi mới tới Fiorentina, trước khi anh vòng trở lại Brazil khoác áo Santos, Cruzeiro, và hiện tại là người của CLB cũ Coritiba.

 

Keirrison bị đánh giá là một trong những bản hợp đồng tồi tệ nhất trong lịch sử Barca, khi anh chưa được thi đấu một phút nào tại đây. Nhiều chuyên gia thậm chí cho rằng thương vụ Keirrison chỉ là mánh khóe giúp Barca mở rộng thị trường ở Brazil và kiếm doanh thu từ việc bán các trang phục thi đấu có tên cầu thủ này. Nhưng không ai mua chiếc áo đấu nào của Barca có in tên Keirrison. Trong suốt năm mùa giải bị đem cho mượn, tiền đạo này gây thất vọng ở tất cả bốn CLB. Khi quay lại chốn xưa Coritiba, anh cũng không còn là chính mình. Từ năm 2011 tới giờ, anh mới chỉ ghi được ba bàn trong 24 trận.

Dominic Adiyiah (sinh năm 1989). Tiền đạo người Ghana này từng khiến các chuyên gia săn tìm tài năng bóng đá khắp thế giới phải chú ý khi anh cùng lúc giành danh hiệu Cầu thủ hay nhất giải đấu và Vua phá lưới tại vòng chung kết giải Vô địch U20 thế giới năm 2009.

 

Ấn tượng với màn trình diễn của cầu thủ này tại giải trẻ thế giới, AC Milan đã chi ra 500.000 euro để chuyển nhượng Adiyiah từ CLB Fredrikstad của Na Uy hồi đầu năm 2010. Tuy nhiên, sau khi trở về từ giải Vô địch các quốc gia châu Phi, Adiyiah không được HLV của Milan khi đó là Leonardo sử dụng một phút nào cho tới hết mùa giải đó. Từ mùa giải tiếp theo, 2010-2011, anh trôi dạt qua các đội Reggina, Partizan, Karsiyaka, Arsenal Kiev theo những hợp đồng cho mượn. Năm 2012, anh được Milan giải phóng hợp đồng sau chỉ một lần thi đấu cho đội này từ băng ghế dự bị. Hiện tại, anh chơi bóng cho FC Atyrau ở giải vô địch Kazakhstan.

Sergio Canales (sinh năm 1991). Canales mới 24 tuổi và vẫn còn nhiều cơ hội phía trước để làm lại cuộc đời cầu thủ. Nhưng anh cũng được liệt vào diện thần đồng sớm nở chóng tàn với chặng đường đã qua trong sự nghiệp.

 

Tài năng này trưởng thành trong màu áo Racing Santander, ra mắt đội mội khi mới chớm 17 tuổi và rồi được ví như công thần khi góp sáu bàn và bốn đường kiến tạo, giúp đội bóng trụ hạng ngoạn mục ở mùa 2009-2010. Một cuộc đua rầm rộ đã diễn ra khi hàng loạt đội bóng lớn ngỏ ý muốn có tiền vệ công chơi hào hoa này và Real thắng cuộc với khoản phí 5,5 triệu đôla cùng bản hợp đồng có thời hạn sáu năm.

 

Những gì xảy ra sau thương vụ ấy là ác mộng cho Canales (áo trắng). Anh chỉ được ra sân 10 lần ở La Liga cùng Real, trước khi phải bán xới sang Valencia theo diện cầu thủ cho mượn. Dù được CLB này kích hoạt điều khoản mua đứt từ Real, Canales vẫn không thể trụ lại được ở Valencia và từ tháng 1/2014, bị bán sang Sociedad, nơi anh chơi như một cầu thủ tầm thường.

Nguyễn Phát