Thứ sáu, 3/1/2025
Chủ nhật, 2/10/2022, 16:54 (GMT+7)

10 thảm kịch trong bóng đá

Vụ giẫm đạp tại sân Kanjuruhan ở Malang, tỉnh Đông Java ngày 1/10 đứng thứ hai về số người chết, trong số những thảm hoạ bóng đá thế giới.

Thảm họa Ibrox, trận Rangers - Celtic năm 1971. Trận “Kinh điển” của bóng đá Scotland giữa hai đội mạnh nhất và căm ghét nhau nhất của đất nước đã trở thành thảm họa kinh hoàng bậc nhất lịch sử Vương quốc Anh.

Ngày 2/1/1971, dưới sự chứng kiến của 80.000 CĐV, Celtic dẫn 1-0 nhờ công Jimmy Johnstone phút 90. Nhưng ở những giây cuối, Colon Stein gỡ hòa cho chủ nhà Rangers. Tan trận, khi hàng nghìn CĐV rời sân ở cầu thang số 13 - con số đen đủi theo quan niệm phương Tây, một vài người bị rơi xuống, dẫn đến phản ứng hỗn loạn của đám đông.

Vài CĐV Celtic lững thững rời sân sau khi Celtic ghi bàn vì cho rằng trận đấu đã an bài, bỗng chốc quay trở lại khi nghe thấy tiếng reo hò sau bàn gỡ 1-1, và tiếng la hét khi có người bị thương. Họ đụng độ với CĐV Rangers khi trận đấu kết thúc. Đám đông hỗn loạn giẫm đạp lên nhau. Hơn 200 người bị thương, 66 người chết. Cuộc điều tra sau đó kết luận nguyên nhân tử vong của phần lớn CĐV là do ngạt thở. Các thi thể xếp chồng cao đến 1,8 m.

Hôm đó, Kenny Dalglish là cầu thủ Celtic, đã chứng kiến thảm họa. Sau này chơi cho Liverpool, ông cũng góp mặt ở thảm họa Heysel và Hillsborough, lần lượt năm 1985 và 1989.

Thảm họa Luzhniki, trận Spartak Moscow - HFC Haarlem năm 1982. Đây là thảm họa kinh hoàng nhất lịch sử bóng đá Liên Xô (cũ), xảy ra vào năm 1982 trong trận đấu thuộc khuôn khổ cúp UEFA giữa hai đội. Theo một số nhân chứng, tai nạn bắt đầu từ việc một cô gái bị rơi giày ở cầu thang số 1. Hai người dừng lại cố giúp cô khiến dòng người di chuyển tắc nghẽn. Không gian cầu thang hẹp, bị chắn bởi hành lang kim loại. Dòng người hoảng loạn khi ai cũng cố thoát khỏi đám đông. Sự việc càng khó kiểm soát khi Sergei Shvetsov ghi bàn thứ hai cho Spartak chỉ 20 giây trước tiếng còi kết trận khiến đám đông phấn khích.

Tổng cộng có 66 người thiệt mạng, 45 trong số đó là những thiếu niên cộng với năm phụ nữ. Tất cả đều tử vong do bị ngạt. Hình ảnh của thảm hoạ này hầu như không được lọt ra ngoài.

Thảm họa El Monumental, trận River Plate - Boca Juniors năm 1968. Ngày 23/6/1968, sân El Monumental, trận “Kinh điển Argentina” kết thúc hòa 0-0. 71 CĐV thiệt mạng ở cổng số 12, 150 người khác bị thương. Đây là thảm họa tồi tệ nhất lịch sử bóng đá Argentina khi người thiệt mạng đa phần là thiếu niên, tuổi trung bình các nạn nhân chỉ 19.

Một vài nhân chứng nói tai ương bắt đầu sau khi các CĐV Boca ném những lá cờ River Plate bị đốt cháy từ tầng trên khán đài xuống bên dưới, gây ra cảnh giẫm đạp của các CĐV tầng dưới.

Số khác kể rằng nguyên nhân do CĐV River sang khu CĐV Boca gây sự. Cũng có một giả thuyết là cổng số 12 bị khóa mà không được thông báo trước. Cựu Chủ tịch Julian Kent của River Plate tố cáo chính cảnh sát là thủ phạm khi dồn CĐV Boca về cổng này.

Sau ba năm điều tra, không ai bị buộc tội. Sau thảm họa, các cổng vào El Monumental được đánh theo chữ cái thay vì số như trước. Cuối mùa giải đó, 68 CLB bóng đá thuộc Hiệp hội bóng đá Argentina quyên góp được 100.000 peso để giúp đỡ gia đình các nạn nhân.

Thảm họa Port Said, trận Al-Masry vs Al-Ahly năm 2012. Thảm họa này diễn ra tại Ai Cập. Sau các bàn thắng của Al-Masry, các CĐV tràn xuống sân. CĐV Masry ném chai lọ và pháo sáng về phía cầu thủ đội Ahly khiến họ chạy vào phòng thay đồ để được cảnh sát bảo vệ. CĐV Masry càng hăng máu, ném đá và thậm chí cầm dao đuổi theo.

Sự việc tạo ra hỗn loạn khiến 74 người thiệt mạng. Một số bị đâm, một số nhảy khỏi khán đài. Ông Hisham Sheha, một quan chức Bộ Y tế Ai Cập sau đó nói nguyên nhân tử vong của phần lớn nạn nhân là do mất máu quá nhiều vì bị đâm. Hơn 500 người bị thương. Ít nhất 47 người bị bắt sau cuộc đụng độ.

HLV Manuel Jose của Ahly bị CĐV Masry đuổi đánh vào phòng thay đồ. Ông này sau đó phải chạy vào đồn cảnh sát. Ông Jose và tiền đạo Mohamed Aboutrika của Ahly kể lại đã thấy CĐV Ahly chết trong phòng thay đồ của đội. Sau khi chứng kiến cảnh này, Aboutrika tuyên bố giải nghệ. Hai ngôi sao tuyển Ai Cập là Mohamed Barakat và Emad Moteab cũng treo giày. Ông Jose cân nhắc rời Ai Cập và chia tay bóng đá.

Các video sau đó cho thấy cảnh sát đã không mở cổng để CĐV chạy ra. Họ cũng không ngăn cản những kẻ tấn công. Theo News York Times, cuộc đụng độ đã được lên kế hoạch từ trước. Đây là vụ trả thù của nhóm Ultras Ahlawy, nhóm CĐV bất mãn với chính phủ Ai Cập. Trên đường đến bệnh viện trên xe cứu thương, một số CĐV Al Ahly bị sát hại bởi CĐV Al Masry, những kẻ cầm dao chặn xe lại.

Sân Mateo Flores, trận Guatemala vs Costa Rica năm 1996. 84 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương ngay trước trận vòng loại World Cup giữa Guatemala và Costa Rica ngày 16/10/1996. 60.000 CĐV Guatemala mặc áo trắng xanh - màu truyền thống của đội tuyển nước này - bước vào SVĐ chỉ có sức chứa 45.000 người. Hàng chục ngàn vé đã bị làm giả khiến ban tổ chức không thể kiểm soát.

Dù sân đã chật cứng nhưng một giờ trước trận, dòng người đòi vào sân không ngừng tăng. Khi không còn chỗ để ngồi, CĐV tràn xuống sân và bắt đầu xung đột. Một vụ ẩu đả nổ ra dẫn đến hàng chục ngàn người hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau.

Tổng thống Guatemala, Alvara Arzu ngồi trên khu VIP chứng kiến tận mắt thảm họa, và chính ông đã yêu cầu hủy trận đấu. Tuy nhiên quá muộn. Rất nhiều nạn nhân tử vong là trẻ em. Người chết được xếp trên sân, quần áo tả tơi. Sau thảm họa, Giáo hoàng John Paul II đã gửi thư chia buồn. Guatemala dành ba ngày quốc tang.

Sân Dasharath, Janakpur Cigarette Factory Ltd vs Liberation Army năm 1988. Thảm họa xảy ra ngày 12/3/1988 khiến 93 người chết, hơn 100 người bị thương. CĐV ở sân đã rất hoảng loạn khi một cơn mưa đá trút xuống SVĐ. Họ tranh nhau chạy về khu khán đài phía Tây nơi có mái che nhưng bị cảnh sát chặn lại. Sau đó họ quay về khán đài phía Nam nơi có một đường hầm. Đám đông tranh nhau, giẫm đạp khi toàn bộ cửa ra bị đóng.

Bất chấp thảm họa kinh hoàng khi đó, chính phủ chuyên chế của Nepal không có động thái hỗ trợ gia đình nạn nhân. Lý do họ đưa ra là CĐV đến sân là lựa chọn riêng, họ không có trách nhiệm. Sau sự việc, Bộ trưởng Văn hóa và Giáo dục Kesahr Bahadur Bista và Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Nepal Kamal Thapa từ chức. Năm 1999, sân Dasharath được cải tạo để tổ chức Đại hội thể thao Nam Á 1999 dưới sự giúp sức của Trung Quốc.

Thảm họa Hillsborough, trận Liverpool - Nottingham Forest năm 1989. Sự kiện diễn ra ở bán kết Cup FA ngày 15/4/1989. Khi cổng sân Hillsborough mở, hàng nghìn người ùa vào theo một đường hầm hẹp dẫn tới ùn ứ. Hàng trăm người xô đẩy theo chiều ngược lại vì bị chèn ép dồn sức nặng vào hàng rào phía sau. Dòng người tiếp tục đi vào mà không nhận thức được tình trạng của hàng rào. Thủ môn Bruce Grobbelaar thông báo với trọng tài rằng người hâm mộ phía sau đang cầu xin anh giúp đỡ.

Sau đó trận đấu tạm dừng. Nhiều CĐV trèo qua hàng rào. Số khác quay lại cố phá bỏ lớp rào để cứu người ở lại. Đám đông sau đó tràn xuống sân. Cầu thủ hai đội vào phòng thay đồ và được thông báo trận đấu sẽ dừng 30 phút. Số CĐV bị chèn thậm chí chết đứng ngay trên khán đài. Cảnh sát và xe cứu thương được đưa đến. Rất đông CĐV nỗ lực quay lại cứu những người còn mắc kẹt.

97 người chết hoặc trên sân hoặc trên đường đi cấp cứu. 766 người bị thương trong đó 300 người được đưa đến bệnh viện. Bệnh viện quá tải khiến những người bị thương nhẹ được khuyên tự chữa trị hoặc đến bệnh viện lân cận. Đây chính là sự kiện khiến các sân bóng ở Anh sau này loại bỏ hoàn toàn rào chắn.

Sân Accra Sports, Accara Heart of Oak vs Kotoko năm 2001. Sự kiện xảy ra trong trận đấu giữa hai đội mạnh nhất Ghana. Sau khi Accara ghi hai bàn thắng muộn để dẫn 2-1, CĐV Kotoko bất mãn ném ghế nhựa và chai lọ xuống sân. Cảnh sát phản ứng bằng việc ném hơi cay về đám đông. Đám đông hoảng loạn giẫm đạp để chạy trốn.

Các cổng sân bị đóng. Sau khoảng một giờ như vậy, 116 CĐV thiệt mạng. Một số nhân chứng cho biết bộ phận y tế không có mặt trên sân nên khi thảm họa xảy ra và cổng đóng, họ đã không thể vào.

Sân Kanjuruhan, Arema - Persebaya Surabaya năm 2022. Ít nhất 125 người thiệt mạng sau khi CĐV tràn xuống rượt đuổi nhau trên sân vận động Kanjuruhan ở Malang, tỉnh Đông Java ngày 1/10/2022.

CĐV của Arema tràn xuống sân, tấn công cả các cầu thủ đội nhà, buộc cảnh sát phải triển khai lực lượng chống bạo động. Nguyên nhân dẫn tới thương vong lớn được cho là do giẫm đạp lên nhau khi cảnh sát bắn hơi cay vào đám đông. Truyền thông Indonesia cho rằng cảnh sát không được làm như vậy, khi hơi cay là nguyên nhân của rất nhiều thảm họa bóng đá trong quá khứ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó là cách duy nhất khi cảnh sát bị tấn công. Xe của họ bị nhóm CĐV quá khích phá nát.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia Ahmad Hadian Lukita thông báo cuộc điều tra sẽ được tiến hành để tìm ra những người chịu trách nhiệm cho thảm kịch.

Sân Estadio Nacional, Peru vs Argentina năm 1964. Trận đấu thuộc Vòng loại Olympic Tokyo. Khi Argentina dẫn 1-0 lúc trận đấu còn sáu phút, một bàn thắng của Peru bị trọng tài người Uruguay Angel Eduardo Pazos từ chối. CĐV nhà tức giận tràn xuống sân. Cảnh sát Peru dùng khí gas ném về khán đài phía Bắc để ngăn CĐV lao đông hơn xuống sân. Việc này dẫn đến sự hoảng loạn của đám đông.

Sân bóng không có cửa ra như thông thường mà chỉ có các đường hầm nối thẳng với đường phố. Cửa thông với các con đường bị đóng, dẫn đến việc rất đông người chui xuống đó đã dồn ép nhau. Khi cửa mở ra, hàng ngàn người rơi ra ngoài, rất nhiều người thiệt mạng do ngạt thở hoặc xuất huyết nội tạng. Người ở trên sân đều ổn, không ai thiệt mạng. Sau đó, đám đông tràn ra phố phá phách.

Tổng số người chết là 328, nhưng con số có thể cao hơn do rất nhiều người khác bị bắn chết bởi cảnh sát. Sau thảm họa, sân bóng được yêu cầu giảm sức chứa từ 53.000 người xuống còn 42.000 người. Năm 2004, để đăng cai Copa America, sân bóng nâng sức chứa lên 47.000 người.

Đỗ Hiếu