Dưới đây là chia sẻ trên Business Insider của một tiếp viên hàng không Mỹ có hai năm kinh nghiệm về những điều cô và các đồng nghiệp hay được khách hỏi nhất. Nữ tiếp viên bắt đầu sự nghiệp tại San Francisco rồi chuyển tới New York muốn "một lần nói hết" để hành khách hiểu rõ hơn về công việc của tổ bay.
Tiếp viên có phải luôn đi giày cao gót không?
Giày cao gót là một phần trong yêu cầu về đồng phục của nhiều hãng bay. Theo đó, các tiếp viên sẽ đi giày cao gót tại sân bay, trên máy bay và lúc đứng chào khách lên khoang.
Tiếp viên có được nghỉ giải lao trong chuyến bay không?
Điều này phụ thuộc vào độ dài chuyến bay.
Với các chặng nội địa, các tiếp viên thường không được nghỉ giải lao. Thay vào đó, họ được phép dành chút thời gian để ăn nhẹ khi đã phục vụ xong đồ ăn, thức uống cho hành khách.
Trên các chuyến quốc tế, các tiếp viên được chia ca nghỉ hoặc lên phòng riêng -khoang đặc biệt trên máy bay - với các chặng bay dài. Đây là căn phòng mà chỉ tổ bay mới biết chính xác vị trí và tiếp cận.
Ngày mai các bạn sẽ bay đi đâu?
Đây là câu hỏi phổ biến nhất mà nhiều tiếp viên nhận được, nhưng bản thân họ cũng không biết câu trả lời chính xác.
Các tiếp viên hàng không trên thế giới thường làm việc theo ca nên sẽ chỉ biết về chuyến đi tiếp theo và đêm hôm trước. Đôi khi nhiều tiếp viên nhận được cuộc gọi đi bay trước khi cất cánh vài giờ.
Lương của tiếp viên là bao nhiêu?
Tùy từng hãng bay, nhưng về cơ bản các tiếp viên được trả lương theo giờ. Mức lương mỗi người khác nhau tùy thuộc vào thâm niên. Lương sẽ được tăng theo mỗi năm.
Các tiếp viên chỉ được trả lương cho thời gian ở trên trời. Do đó, thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh, kiểm tra an ninh, chờ ở cổng lên máy bay đều không được tính lương. Chuyến bay New York - Chicago kéo dài hai tiếng, các tiếp viên được trả lương hai tiếng đó.
Tiếp viên nghỉ ngơi bao lâu sau mỗi chặng?
Công việc giúp các tiếp viên có cơ hội đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng phần lớn các chuyến bay, họ dành thời gian cho những giấc ngủ ngắn tại khách sạn gần sân bay. Với các chặng quốc tế, nhiều hãng hàng không quy định tiếp viên có thời gian lưu lại tối thiểu 24 tiếng trước khi thực hiện chuyến bay về.
Điểm đến yêu thích của bạn là gì?
Với nhiều tiếp viên Mỹ, câu trả lời là Nhật Bản. Họ từng đến vào mùa hoa anh đào và cảm thấy vô cùng thích thú. Trong 24 tiếng dừng chân ở Nhật trước khi bay về Mỹ, các tiếp viên đã đến thăm các ngôi đền địa phương, ăn các món đường phố và ghé thăm cửa hàng tạp hóa để mua các món ăn nhẹ "khó tìm thấy tại Mỹ".
Có an toàn khi uống cà phê trên máy bay không?
Nhiều hành khách từng bày tỏ lo lắng vì nước dùng pha cà phê và nước xả bồn cầu nhà vệ sinh chung một nguồn. Nữ tiếp viên cho biết điều này "vô lý" vì có các bồn chứa nước khác nhau, phục vụ mục đích khác nhau. Các tiếp viên cho biết họ vẫn uống cà phê pha trên máy bay và chưa gặp vấn đề nào về sức khỏe.
Làm thế nào để trở thành tiếp viên hàng không?
Mọi người chỉ cần gửi sơ yếu lý lịch khi hãng bay đăng tuyển dụng. Tuy nhiên, công việc này được đánh giá "rất cạnh tranh". Rất nhiều người có hồ sơ đẹp nhưng không phải ai cũng nhận được phản hồi. Vì vậy hãy tiếp tục nộp hồ sơ khi những lần đầu bạn chưa được gọi đến phỏng vấn. Nhiều tiếp viên nói rằng họ từng phải chờ sáu tháng kể từ ngày nộp hồ sơ mới nhận được cuộc gọi.
Tiếp viên có phải vệ sinh máy bay không?
Tùy từng quy định hãng bay. Nhưng hầu hết các hãng hàng không lớn tại Mỹ đều có đội làm vệ sinh chuyên sâu riêng, chịu trách nhiệm vệ sinh máy bay sau mỗi chuyến.
Nên làm gì để vượt qua chứng sợ bay?
Nếu sợ bay, hành khách có thể nói với tiếp viên ngay khi lên máy bay. Theo các tiếp viên, hành khách "đừng bao giờ ngần ngại nói với tổ bay nếu cảm thấy không thoải mái" vì các tiếp viên luôn lắng nghe và sẵn lòng giúp đỡ.
Một số hành khách mắc chứng sợ bay từng được yêu cầu nhìn vào mắt tiếp viên trong khi cất cánh. Giao tiếp bằng mắt giúp họ hiểu rằng mọi thứ diễn ra trong cabin đều bình thường, không cần lo lắng. Tìm hiểu thêm về cơ chế hoạt động của máy bay cũng có thể giúp hành khách yên tâm hơn về mọi tiếng ồn khi bay và kiểm soát tình hình.
Anh Minh (Theo BI)