![]() |
|
Nếu nhắm mắt và lắng tai nghe, có thể coi năm 2004 là bản hoà âm giữa giai điệu bay bổng của lời hô hào vận động trong hàng chục chiến dịch tranh cử, với khoảng lặng đau đớn của những người mẹ mất con ở Beslan, và tiếng gào thét kinh hoàng của những nạn nhân thảm hoạ sóng thần tàn khốc ở châu Á.
Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật trên thế giới trong năm 2004, theo đánh giá của VnExpress.
Trận động đất mạnh nhất thế giới (9 độ richter) trong vòng 40 năm qua ở gần đảo Sumatra (Indonesia) gây ra những đợt sóng thần khắp các vùng ven biển Nam và Đông Nam Á, khiến hơn 160.000 người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người bị thương. Xác nạn nhân nằm rải rác trên đường phố, vướng trên ngọn cây, chất đống ở các điểm tập kết trước khi được đưa vào các hố chôn tập thể. Thiệt hại về vật chất và kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, là chưa thể xác định được.
LHQ đánh giá đây là thảm hoạ gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử, đồng thời lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm tại một loạt các nước nghèo và đông dân ở Nam, Đông Nam Á, do tình trạng ô nhiễm môi trường, thiếu nước sạch và thuốc men. Thảm hoạ này đặt ra nhiệm vụ cứu trợ lớn chưa từng có đối với LHQ. Nó cũng cho thấy sự cần thiết của một hệ thống cảnh báo nguy cơ sóng thần trên Ấn Độ dương, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Thế giới hồi hộp theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, bởi kết quả của nó có thể gây ảnh hưởng đến nhiều nơi trên toàn cầu. "Sát nút" là từ được dùng nhiều nhất để mô tả tính chất cuộc bầu cử này. Để đoán xem tổng thống Bush hay thượng nghị sĩ Kerry thắng, người ta còn phải dựa vào cả những cách oái oăm như kết quả đấu bóng chày, chỉ số chứng khoán. Bầu cử Mỹ 2004 lập kỷ lục về số tiền quyên góp được với hơn 1 tỷ đôla và có số cử tri đi bầu cao nhất trong vòng 40 năm.
Tái đắc cử, Tổng thống Bush được tiếp sức trong cuộc chiến chống khủng bố, theo đuổi mục tiêu biến Iraq thành hình mẫu dân chủ kiểu Mỹ ở Trung Đông. Với Mỹ và châu Âu, thời điểm làm lành của hai người bạn sau những lúc bất hoà đang đến, bởi cả hai bên đều cần đến nhau trong kinh tế, an ninh và nhiều lĩnh vực khác. Với nước Nga của Tổng thống Putin, người mà Bush đã lập được quan hệ thân thiết, 4 năm tới nhiều khả năng là cuộc song hành thuận lợi, nhưng cũng có thể gặp những trở ngại do quan điểm khác nhau về dân chủ và sự xung đột lợi ích ở Trung Á. Việc bà Condoleezza Rice được cử làm ngoại trưởng khiến giới phân tích dự đoán chính sách của Bush nhiệm kỳ 2 sẽ cứng rắn hơn.
![]() |
Người ủng hộ ông Yushchenko trên đường phố Kiev. |
Đêm 21/11, một biển người màu cam dẫn đầu là thủ lĩnh phe đối lập Viktor Yushchenko tiến về Quảng trường Độc lập, bao vây toà nhà chính phủ, yêu cầu bác bỏ kết quả bỏ phiếu vòng hai. Căng thẳng lên đỉnh điểm gần 3 tuần sau đó khi người dân miền Đông, thành trì của Thủ tướng Yanukovich, biểu tình và đòi ly khai. Toà án tối cao buộc phải quyết định sửa luật bầu cử và bỏ phiếu lại. Cách mạng cam kéo dài gần một tháng kết thúc bằng chiến thắng của ứng viên đối lập Yushchenko.
Chiến thắng của Yuschenko sẽ giúp Ukraina nhanh chóng gia nhập NATO và tiến gần đến phương Tây. Nó cũng đánh dấu sự mất ảnh hưởng nghiêm trọng của Nga đối với các nước thuộc không gian Liên xô cũ. Khủng hoảng chính trị Ukraina là tấm gương phản ánh cuộc giằng co ảnh hưởng giữa Nga với Mỹ và EU ở Đông Âu, và cán cân giờ đã nghiêng về phương Tây. Chiến lược "xuất khẩu dân chủ" sau chiến tranh lạnh của Mỹ được xem là một nguyên nhân dẫn tới hàng loạt "cách mạng hoa hồng", "cách mạng nhung" và giờ là "cách mạng cam". Tuy thế, những sợi dây liên kết Matxcơva - Kiev cũng không thể lập tức gián đoạn, bởi hai bên đều cần nhau.
Vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất thế giới trong hơn 3 năm qua xảy ra ngày 1/9, ngày khai giảng của Trường học Số 1 ở Beslan, Cộng hoà Bắc Ossestia thuộc Nga. Hơn 1.000 người bị các tay súng dồn vào một phòng đầy chất nổ, không đồ ăn thức uống, không được đi vệ sinh. Bọn bắt cóc đòi thả đồng bọn, đòi Nga rút quân khỏi Chechnya. Thương lượng không có kết quả. Ba ngày chờ đợi căng thẳng đột ngột chấm dứt khi khối thuốc nổ treo trên cao phát nổ. Đặc nhiệm Nga ùa vào. Mọi thứ diễn ra rất nhanh, bất ngờ và có phần hỗn loạn. Con tin chạy túa ra ngoài giữa làn đạn bay từ cả hai phía. Cuộc giải cứu kết thúc với hơn 300 người thiệt mạng, một nửa số đó là trẻ em. Các em nhỏ sống sót mình trần, vồ lấy những chai nước uống sau 3 ngày đói khát.
![]() |
Đặc nhiệm Nga nâng niu một em bé được cứu thoát khỏi tay khủng bố. |
Vụ Beslan chứng tỏ khủng bố quốc tế bắt đầu tuyên chiến với nước Nga. Đối mặt với mối nguy này, Tổng thống Putin quyết định những biện pháp mạnh mẽ: lần đầu tiên Nga tuyên bố đánh phủ đầu khủng bố nước ngoài; đòi các nước phương tây chấm dứt chính sách hai mặt trong việc dung dưỡng các phần tử khủng bố. Trong nước, Putin đề nghị cải cách chính trị nhằm tăng sức mạnh của chính quyền và an ninh - những biện pháp mà Mỹ và EU cho là nhằm tập trung quyền lực và dân chủ giật lùi. Quan hệ giữa Matxcơva và Washington, được hâm nóng kể từ sau vụ 11/9 ở Mỹ, lại trở về thời kỳ lạnh nhạt.
![]() |
Một phụ nữ Palestine và đứa con mới sinh được đặt tên là Yasser Arafat. |
Trung Đông vốn luôn là điểm nóng chính trị của thế giới, nhưng sự kiện nổi bật nhất khu vực năm nay không phải là các vụ đánh bom hay một đề xuất hoà bình nào mà là sự kiện nhà lãnh đạo huyền thoại Palestine Yasser Arafat từ trần ngày 11/11. Sau hơn 5 thập kỷ tranh đấu, ông ra đi khi ước vọng độc lập cho dân tộc hãy còn dang dở và để lại sau một tương lai chưa rõ ràng cho người Palestine.
Trong khi cái chết của Arafat còn gây tranh cãi xung quanh nghi vấn ông bị đầu độc, Palestine đang hối hả chuẩn bị cho cuộc bầu cử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vào đầu năm tới. Israel và phương tây cho rằng sự ra đi của ông Arafat đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình tìm kiếm hoà bình ở Trung Đông. Họ hy vọng thế hệ lãnh đạo hậu Arafat sẽ chấm dứt các cuộc tấn công du kích, tạo tiền đề cho đàm phán và hy vọng sống lại lộ trình hoà bình.
Bạo loạn bùng phát ở nam Thái Lan
![]() |
Một em nhỏ người Hồi giáo ở nam Thái Lan và con chim giấy mang thông điệp hoà bình. |
78 người Hồi giáo chết ngạt trong các xe tải quân sự của Thái Lan khiến người ta sửng sốt đến mức hoài nghi. Nhưng điều này được chính phủ của Thủ tướng Thaksin Sinawatra thừa nhận, và coi đó là sơ sót của giới chức. Sự kiện này đánh một dấu đỏ thẫm trên bức tranh nhiều sắc bạo lực ở miền nam Thái Lan, nơi các vụ đốt phá trường học, giết hại phật tử, ám sát nhân viên công quyền xảy ra thường ngày suốt cả năm qua, làm hơn 550 người chết.
Những biện pháp cứng rắn của chính phủ dẫn đến làn sóng trả thù từ người Hồi giáo chiếm số đông ở 3 tỉnh miền nam đòi ly khai. Các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia cũng mạnh mẽ lên tiếng phản đối, dù trong ASEAN có quy tắc không can thiệp vấn đề nội bộ. Bangkok lại áp dụng cả "bàn tay nhung", thông qua hơn 100 triệu con chim giấy thả xuống vùng bất ổn. Trong khi bạo lực vẫn tiếp diễn, kết quả cuối cùng của chiến dịch "bom hoà bình" phải chờ đến cuộc tổng tuyển cử tháng 2 tới mới rõ.
Thế giới ngỡ ngàng khi đảng Quốc đại của bà Sonia Gandhi đánh bại đảng cầm quyền BJP của thủ tướng Atal Behari Vajpayee, người đã cho bầu cử sớm 6 tháng để tận dụng những thành tích về tăng trưởng kinh tế và đàm phán hoà bình với Pakistan. Nhưng khẩu hiệu “Ấn Độ toả sáng” của BJP đã trở thành thứ "gậy ông đập lưng ông" tại một đất nước có 1/3 số dân thu nhập dưới 1 USD mỗi ngày. Gandhi thắng nhờ chủ trương quan tâm đến dân nghèo.
![]() |
Bà Sonia Gandhi. |
Đối lập với những lời chê bai từ các đối thủ là sự ủng hộ cuồng nhiệt của người dân dành cho Gandhi, thậm chí có người còn dọa tự tử nếu người phụ nữ họ yêu mến không làm thủ tướng. Đứng trước những sức ép mãnh liệt, bà lại gây bất ngờ lần nữa khi từ chối chức vụ và trao nó cho Manmohan Singh, nhà kiến tạo chương trình cải cách kinh tế.
Quyết định của Sonia Gandhi ủng hộ ông Singh trở thành thủ tướng người Sikh đầu tiên trong lịch sử không chỉ giúp thúc đẩy công cuộc cải cách kinh tế Ấn Độ, mà còn hàn gắn những rạn nứt giữa Quốc đại và cộng đồng Sikh, phát sinh từ sau vụ thủ tướng Indira Gandhi bị chính các vệ sĩ ám sát năm 1984.
Làn sóng chặt đầu con tin và vụ bê bối nhà tù ở Iraq
Ngày 11/5, hình ảnh con tin người Mỹ Nick Berg bị cắt cổ xuất hiện gây sốc và kinh hoàng cho người xem. Cuốn băng video quay cảnh viên kỹ sư mặc bộ quần áo màu da cam quỳ dưới lưỡi dao của những kẻ khủng bố man rợ trở thành loại vũ khí truyền thông có sức mạnh khủng khiếp. Bắt con tin, doạ chặt đầu họ để đòi chính phủ các nước đồng minh của Mỹ rút quân khỏi Iraq trở thành một chiến thuật mới của khủng bố. Nó làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về việc các hãng truyền hình có nên phát những hình ảnh đó hay không.
![]() |
|
Việc hơn 30 con tin nước ngoài bị chặt đầu được nguỵ biện là nhằm trả thù cho nỗi nhục nhã của các tù nhân bị lạm dụng ở nhà tù Abu Ghraib. Khi những bức ảnh đầu tiên về vụ việc này được công bố, công luận đã bị sốc, bởi không thể tưởng tượng được rằng những tù nhân của một nước Mỹ dân chủ lại có thể chịu cảnh chà đạp và sỉ nhục đến mức đó: tù nhân không quần áo bị quấn xích vào cổ kéo lê trên mặt đất, họ bị buộc phải thủ dâm trước sự cười cợt của nữ quản giáo... Tổng thống Mỹ phải chính thức xin lỗi vì vụ bê bối, chiếc ghế bộ trưởng quốc phòng của Rumsfeld chao đảo, nhưng những vết thương danh dự trong lòng cộng đồng Hồi giáo Ảrập vẫn còn rất sâu, làm đậm thêm mối thù ghét với lực lượng chiếm đóng ở Iraq.
Ngày 1/5, Liên minh châu Âu kết nạp con số kỷ lục các thành viên mới, gồm 10 nước Hungary, Slovenia, Slovakia, Latvia, Estonia, Litva, Ba Lan, Czech, Síp và Malta. Với hơn 70 triệu người dân các nước thành viên mới, EU mở rộng đồng nghĩa với mở cánh cửa vào câu lạc bộ của những người giàu. Nhưng mở rộng đến mức nào vẫn là dấu hỏi đối với họ, bởi rất nhiều trong số hơn 300 triệu người phía tây đang lo ngại làn sóng nhân công rẻ phía đông xâm nhập và chiếm mất công ăn việc làm.
Với các chính phủ châu Âu, sự kiện này khiến họ trở thành thành viên của một liên minh rộng lớn hơn, có sức nặng hơn trong tương quan với Nga, Mỹ và các đối tác khác. Mặt khác, một liên minh châu Âu lớn hơn cũng đồng nghĩa với hố sâu ngăn cách giàu nghèo, với quá trình ra quyết định phức tạp và khó thống nhất hơn. Chẳng hạn, mỗi văn bản của liên minh giờ phải được dịch ra tới 21 thứ tiếng.
Tàu điện Madrid bị đánh bom - vụ 11/9 của Tây Ban Nha
10 quả bom phát nổ gần như đồng thời trên 4 đoàn tàu sáng sớm 11/3 ở Madrid làm 191 người thiệt mạng. Một ngày sau khi nhóm Al-Qaeda nhận trách nhiệm về vụ tấn công, đảng cầm quyền ủng hộ cuộc chiến Iraq thất cử, mặc dù trước đó họ luôn dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận. Tiếp đó, tân Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero tuyên bố rút lực lượng Tây Ban Nha khỏi Iraq.
![]() |
Nạn nhân vụ đánh bom tàu điện ở Madrid. |
Sự kiện Madrid góp phần làm suy yếu khối liên minh của Mỹ ở Iraq. Áp lực của dân chúng buộc chính phủ nhiều nước tiếp bước Tây Ban Nha, đưa quân khỏi đây ngay trong năm nay: Cộng hoà Dominica, Honduras, Philippines, Thái Lan, New Zealand và Hungary.
Trước mối nguy hiểm của cực đoan Hồi giáo và Al-Qaeda ở châu Âu, các nước EU thắt chặt các biện pháp chống khủng bố, thái độ bài Hồi giáo tăng lên ở châu Âu. Theo một cuộc thăm dò mới đây, có đến 52% trong số người được hỏi ở Tây Âu không tán thành đạo Hồi.
Nhìn lại năm qua, có tới hơn 70% độc giả của VnExpress cảm thấy xúc động nhất trước việc những trẻ em ngây thơ và người dân vô tội bị sát hại, bị biến thành nạn nhân trong cuộc xung đột lợi ích của các thế lực đối nghịch. Trong bối cảnh các cuộc chiến tranh, xung đột, thiên tai hoành hành năm nay, việc giải thưởng cao quý nhất về hòa bình được trao cho một phụ nữ châu Phi trồng rừng mang một ý nghĩa sâu sắc về nhân đạo và phát triển. Nụ cười sáng bừng nét mặt và nhành oliu trên tay Maathai, người phụ nữ muốn dành cây xanh và những điều tốt đẹp cho thế hệ sau, có lẽ thắp lên nhiều hy vọng nhất cho mọi người.
VnExpress