![]() |
Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của thế giới trong năm, theo đánh giá của VnExpress.
Sử dụng máy bay dân sự của chính nước Mỹ thay bom, vụ 11/9 đạt đến đỉnh cao cả về mức độ tàn ác lẫn sự tinh vi. Cùng một lúc, những kẻ khủng bố đã đạt được 3 mục đích: gây thiệt hại lớn về người và của, đánh vào các biểu tượng của sức mạnh tài chính và quân sự Mỹ, tạo một cú sốc lớn khi tận dụng các phương tiện truyền thông.
Vụ 11/9 có 3 hệ quả chính. Một là cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan nhằm trừng phạt Osama bin Laden và Taliban. Hai là Washington thiết lập được những quan hệ mới, trong đó đáng chú ý nhất là với Pakistan, một đồng minh bất đắc dĩ, và Nga. Ba là khủng hoảng thư chứa bào tử bệnh than, sản phẩm của những kẻ lợi dụng nỗi ám ảnh về khủng bố.
Đây là cuộc chiến đầu tiên của Mỹ trong thế kỷ 21, bắt đầu đêm 7/10. Mỹ đã khôn khéo kết hợp được sức mạnh quân sự, sức ép chính trị, đồng thời khai thác tối đa các lực lượng chống Taliban và sự bất mãn của dân chúng. Taliban bị cô lập hoàn toàn và cuối cùng sụp đổ.
Chiến thắng nhanh chóng tại Afghanistan đã củng cố tiếng nói và quyền lực của Mỹ trên trường quốc tế. Giờ đây, họ có ý định mở rộng danh sách mục tiêu tiếp theo sang một loạt nước, đó có thể là Iraq, Yemen, Somalia, Sudan...
3. Máy bay quân sự Mỹ và Trung Quốc đụng nhau trên biển Đông
![]() |
Đã xảy ra một cuộc tranh cãi lớn, nhưng sau đó tất cả nhường chỗ cho những vấn đề tế nhị trong ngoại giao. Một chữ "sorry" của Ngoại trưởng Powell được phía Trung Quốc hiểu là "xin lỗi", còn Mỹ suy luận là "lấy làm tiếc". Đây là kinh nghiệm ngoại giao đầu tiên cho ông Bush sau hơn hai tháng nhậm chức. Trong cuộc chiến ở Afghanistan, Tổng thống Mỹ đã biết kết hợp các bài phát biểu cứng rắn với những lời lẽ mềm mỏng khi vận động thế giới ủng hộ Washington.
Sự kiện này (1/4) không ảnh hưởng lớn đến quan hệ Trung - Mỹ, vì cả hai đều nhận thức được tầm quan trọng của đối phương. Tuy nhiên, nó cho thấy thái độ thận trọng và không tin tưởng nhau giữa hai cường quốc: Trung Quốc phản đối quyết liệt việc Mỹ do thám gần lãnh thổ nước họ, còn Washington sợ Bắc Kinh khai thác bí mật quân sự trên chiếc EP-3.
4. Taliban phá hai pho tượng Phật ở Bamiyan
Hai pho tượng này là di sản văn hóa thế giới, biểu trưng cho nền văn hóa tiền Hồi giáo của Afghanistan, trong đó bức Phật đứng là tượng Phật cao nhất thế giới. Sự kiện nói trên gây ra một làn sóng phẫn nộ trong dư luận quốc tế. Nhân danh đạo Hồi phá hủy tượng của tôn giáo khác (tháng 3), Taliban đã tự cô lập mình ngay trong cộng đồng Hồi giáo, càng khiến cho Liên Hợp Quốc không công nhận họ và thắt chặt thêm lệnh cấm vận.
5. Cựu tổng thống Nam Tư bị bắt và xét xử ở La Haye
![]() |
Việc bắt ông Milosevic (1/4) đã mở đường cho Tòa án Quốc tế La Haye bắt một loạt nhân vật chính trị mà họ cho là có dính dáng đến tội ác chiến tranh ở vùng Balkans. Hiện 25 người bị truy tố vẫn chưa bị bắt, trong đó được quan tâm nhiều hơn cả là hai cựu lãnh đạo cộng hòa Serbia thuộc Bosnia: Radovan Karadzic và Ratko Mladic. Một số người nghi ngờ tính vô tư của La Haye. Họ yêu cầu tòa án này phải điều tra cả những sai lầm trong chiến dịch NATO ném bom Nam Tư và hành động đàn áp người Serb thiểu số ở Kosovo.
Tiếp sau sự kiện Milosevic, mâu thuẫn giữa Tổng thống Nam Tư Vojislav Kostunica theo tư tưởng dân tộc, và Thủ tướng Serbia Zoran Djidjic chủ trương ủng hộ phương Tây, càng thêm sâu sắc. Tuy nhiên, sau những khủng hoảng chính trị ban đầu (Thủ tướng Nam Tư Zoran Zizic từ chức, đảng của Kostunica rút khỏi chính quyền Serbia), tình hình Nam Tư hiện giờ khá ổn định.
6. Thủ tướng Israel Ariel Sharon không công nhận Chủ tịch Arafat
Sự kiện ngày 13/12 thể hiện một thay đổi đột ngột trong chính sách của Israel với Nhà nước Palestine. Gạt sang một bên người không thể thay thế được trong tiến trình hòa bình Trung Đông, Thủ tướng Sharon mong muốn: Một là tìm những người có vai trò thấp hơn ông Arafat để thương thuyết, nhằm dễ kiểm soát họ hơn. Hai là hy vọng sau sự sụp đổ của Yasser Arafat, những người thân cận với Chủ tịch Nhà nước Palestine sẽ lao vào tranh giành quyền lực với các nhóm Hamas và Jihad Hồi giáo. Phong trào intifada và các cuộc tấn công vào Israel sẽ dần chấm dứt.
Một thời gian ngắn trước và trong cuộc chiến ở Afghanistan, Mỹ đóng vai trò hòa giải khá tích cực. Mỹ sợ cuộc chiến sẽ kéo dài nên phải dành cho được sự ủng hộ của các nước Hồi giáo bằng cách gây sức ép với Israel. Nhưng chiến tranh Afghanistan nay đã vào hồi kết, Washington lại nghiêng về ủng hộ Israel - đồng minh chống khủng bố.
7. Thảm sát trong Hoàng gia Nepal
Chỉ vì không được lấy người mình yêu, trong một đêm, thái tử Nepal Dipendra đã bắn chết cha, mẹ, cô, chú, em, tổng cộng 11 người trong hoàng tộc rồi tự bắn vào đầu (1/6). 3 ngày sau, ông ta cũng chết vì vết thương quá nặng. Đây là bi kịch đẫm máu và tang thương nhất trong lịch sử vương quốc Nepal. Chỉ trong 4 ngày, Nepal đã có 3 vua.
Vị vua mới không có được tiếng tăm và uy tín như người anh quá cố. Cái chết của gần như toàn thể hoàng gia vì vậy góp phần gây bất ổn trong xã hội. Bằng chứng rõ ràng nhất là các cuộc giao tranh hiện nay giữa lực lượng an ninh và phiến quân cánh tả (chủ trương xóa bỏ hoàng gia để xây dựng nước cộng hòa). Kể từ khi vụ thảm sát xảy ra đến nay, xung đột leo thang đã làm hàng trăm người thiệt mạng. Nepal đứng trước nguy cơ nội chiến.
8. Nhân viên FBI Hanssen làm điệp viên cho Nga
Robert Hanssen, cựu nhân viên phản gián FBI, bị chính cơ quan này bắt và cáo buộc làm gián điệp hai mang (18-20/2). Để trả đũa Matxcơva, Washington đã trục xuất 50 nhà ngoại giao Nga, với lý do họ tham gia hoạt động tình báo trên đất Mỹ, và Matxcơva cũng đáp lại y như vậy. Sự kiện khiến người ta nhớ tới những căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh.
Nhưng tình hình đã thay đổi sau sự kiện 11/9. Tình báo Nga còn cung cấp cả thông tin cho CIA về hệ thống hầm và địa đạo của Taliban và Al-Qaeda. Có thể thấy Nga - cụ thể là Tổng thống Putin - đã áp dụng một đường lối ngoại giao mới, mềm dẻo và thực tiễn hơn, với Mỹ. Nhưng điều này không có nghĩa là quan hệ Washington - Matxcơva sẽ êm xuôi vì nó tồn tại chủ yếu dựa trên sự nhường nhịn lẫn nhau (chẳng hạn Mỹ với vấn đề Chechnya, và Nga với vấn đề ABM).
9. Khủng hoảng chính trị ở Indonesia
2001 là năm đầy biến động của chính trường Indonesia. Xung đột sắc tộc, tôn giáo… nổ ra ở nhiều nơi, kinh tế suy thoái. Cuối cùng, sau nhiều tranh cãi, căng thẳng, Quốc hội đã cách chức Tổng thống Abdurrahman Wahid (30/7). Sự kiện này như một liều thuốc đắng chữa trị căn bệnh “quản lý yếu kém để mất lòng dân”, tạo luồng sinh khí mới cho nền kinh tế đang rệu rã.
Những biến cố trên gây chấn động Đông Nam Á, bởi tổng thống bị quốc hội cách chức là chuyện gần như chưa từng có khu vực này, nơi mà cơ quan lập pháp thường không mạnh, và tính ôn hòa của người châu Á đã ăn sâu thành truyền thống.
10. Bùng nổ xung đột sắc tộc ở Macedonia
![]() |
Hai năm sau khi cuộc chiến ở Nam Tư kết thúc, đến lượt Macedonia láng giềng phải đương đầu với chiến tranh. Phiến quân gốc Albania đã nổi dậy chống chính phủ, đòi mở rộng quyền lợi, chống phân biệt sắc tộc (26/2). Đáp lại, chính quyền Skopje lên án người thiểu số nổi loạn chỉ nhằm mục đích thành lập một nước “đại Albania” ở Balkans. Thành phố Tetovo và nhiều làng mạc trở thành bãi chiến trường. Hàng nghìn người phải bỏ nhà cửa sang nước khác tị nạn.
Xung đột vũ trang hiện không còn nữa, nhưng bạo lực vẫn lẻ tẻ xảy ra, mâu thuẫn chính trị vẫn tồn tại ngay trong chính phủ. Chỉ cần một bên không kiềm chế, chiến sự sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào ở Macedonia, và có thể biến thành ngọn lửa xung đột sắc tộc lan khắp khu vực Balkans.
Để mô tả 2001 chỉ bằng một từ, người Nhật chọn chữ “chiến”. Năm mở đầu của thiên niên kỷ, thế giới đã phải chứng kiến cuộc chiến đầu tiên của nước Mỹ trong thế kỷ 21, xung đột, khủng hoảng ở nhiều nơi. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có tín hiệu hòa bình tại Afghanistan, châu Á… để góp phần làm nên diện mạo của thế giới.
Chỉ còn vài ngày nữa, năm 2002 sẽ bắt đầu. Đêm 1/1, theo dự đoán của các nhà khoa học, sao Mộc, hành tinh tượng trưng cho sự mát mẻ và được mùa, sẽ sáng chói trên nền trời. Liệu đó có phải là điềm báo thế giới sang năm sẽ thuận hòa và sung túc hơn?
T.G.