Sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng Nghị định này đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành vào cuối tháng 11/2003. Đây là khung pháp lý cao nhất hiện nay về chứng khoán và thị trường chứng khoán, được xem là một bước tiến lớn nhằm tạo ra hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng và phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường.
2. Công bố chiến lược phát triển thị trường đến năm 2010
Theo chiến lược này, được Chính phủ phê duyệt trong năm qua, tổng giá trị thị trường đến năm 2005 phải đạt mức 2-3% GDP và 10-15% GDP vào năm 2010. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc phát triển các định chế tài chính trung gian, các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp…, việc phát triển thị trường trái phiếu và tăng lượng cổ phiếu niêm yết sẽ được tập trung.
Ngoài ra, chiến lược đặt mục tiêu sẽ xây dựng Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM trở thành Sở Giao dịch chứng khoán vào năm 2010, bên cạnh xây dựng thị trường giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội.
3. Tổ chức tuần lễ chứng khoán
Đây được xem là sự kiện có quy mô tổ chức lớn nhất và dài ngày nhất kể từ khi thị trường chứng khoán mở cửa và đi vào vận hành, đồng thời cũng là nỗ lực kích cầu của cơ quan quản lý. Trong suốt thời gian diễn ra sự kiện này (từ 12 đến 17/5/2003), nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức như tổ chức hội thảo, mở tài khoản có thưởng, miễn giảm phí giao dịch, tặng quà khuyến mãi, tổ chức cho các nhà đầu tư tham quan, tìm hiểu hoạt động của các công ty niêm yết…
4. Áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới
Kể từ ngày 20/5/2003, Trung tâm giao dịch chứng khoán đã thực hiện giảm lô giao dịch từ 100 cổ phiếu xuống 10 cổ phiếu, áp dụng lệnh ATO (lệnh tại mức giá khớp lệnh), tăng số lần khớp lệnh lên 2 lần/phiên và giảm tỷ lệ ký quỹ xuống 70%. Các giải pháp kỹ thuật này bước đầu đã góp phần đa dạng hóa các cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường.
5. Chỉ số VN-Index giảm xuống mức thấp nhất
VN-Index từ 182,29 điểm trong phiên giao dịch đầu năm rớt xuống còn 130,9 điểm ở phiên ngày 24/10 và đây cũng là điểm thấp nhất trong năm. Thị trường sau đó trải qua một đợt bứt phá ngoạn mục với bước nhảy vọt lên đến vài chục điểm của VN-Index. Mặc dù chưa vượt qua “ngưỡng tâm lý” 200 điểm, nhưng sự hồi phục trở lại của chỉ số VN-Index hứa hẹn một giai đoạn tăng trưởng sắp tới của thị trường.
6. Vụ tai tiếng nhất trong năm
Đó là trường hợp “lãi biến thành lỗ” của Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica). Theo báo cáo quyết toán lần I (do Kế toán trưởng cũ của Bibica lập, đã được Tổng giám đốc Công ty ký thông qua và cung cấp cho kiểm toán), lợi nhuận năm 2002 của Bibica là 8,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau năm lần bảy lượt điều chỉnh (vì Ban kiểm soát Công ty không đồng ý với các số liệu báo cáo tại Bibica), mức “lãi” này lại biến thành con số lỗ trên 10 tỷ đồng, tức chênh lệch “âm” gần hai chục tỷ đồng. Sự việc này không những làm các nhà đầu tư thất vọng mà còn khiến Thanh tra của Ủy ban Chứng khoán nhà nước phải vào cuộc. Kết quả, Bibica bị phạt 20 triệu đồng vì “vi phạm các quy định về công bố thông tin có hệ thống”.
7. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh
Việc mua bán cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài đã sôi động hơn hẳn năm trước, nhất là sau khi có Quyết định 146 của Chính phủ cho phép nâng tỷ lệ nắm giữ của người nước ngoài tại một tổ chức niêm yết từ 20% lên 30%. Đến nay, tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn đều có sự tham gia sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, với tỷ lệ nắm giữ cao nhất là 30% và thấp nhất 0,31%.
8. Trái phiếu “lên ngôi”
Số liệu thống kê cho thấy giao dịch trái phiếu trong năm 2003 đạt gần 2.300 tỷ đồng trong số 2.700 tỷ đồng tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Trong khi cả năm 2003 chỉ có 2 loại cổ phiếu được cấp phép niêm yết (PMS và Cobovina) thì có tới vài chục loại trái phiếu “lên sàn”, nâng tổng số loại trái phiếu trên thị trường lên 101, gồm 99 loại trái phiếu chính phủ với giá trị niêm yết gần 11.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 90% giá trị niêm yết toàn thị trường) và hai loại trái phiếu công ty với giá trị niêm yết là 157,6 tỷ đồng (chiếm 1% tổng giá trị niêm yết).
9. Ra đời Công ty liên doanh quản lý Quỹ đầu tiên
Đó là Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán VFM. Đây là liên doanh giữa Công ty Dragon Capital (chiếm 30% vốn) và Ngân hàng Sacombank (chiếm 70% vốn). Theo kế hoạch, trong đợt đầu, VFM sẽ huy động tối thiểu từ 100 đến 150 tỷ đồng để thành lập quỹ VietFund 1 (VF1) và sau đó, khi điều kiện cho phép, sẽ huy động tiếp để thành lập các quỹ VF2, VF3, VF4… Tiền mà các quỹ huy động được sẽ được đầu tư vào thị trường chứng khoán (tối đa 60%).
10. Thành lập Hiệp hội kinh doanh chứng khoán
VASB đã chính thức được thành lập trong tháng 12. Việc ra đời hiệp hội này được xem là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, giúp tạo thêm cầu nối cho các công ty chứng khoán cũng như các doanh nghiệp có được tiếng nói chung, tạo thêm sức mạnh cho hoạt động kinh doanh chứng khoán và niềm tin cho công chúng đầu tư.
(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)