Thứ năm, 19/12/2024
Chủ nhật, 8/10/2017, 13:51 (GMT+7)

10 sinh vật biển sống quanh năm trong bóng tối đại dương

Nhiều loài động vật có khả năng sống sót và phát triển tốt ở môi trường tối tăm, khắc nghiệt dưới đáy đại dương.

Cá Angler là loài động vật sống ở những vùng nước sâu, thiếu ánh sáng tại khu vực Đại Tây Dương và Nam Đại Dương, theo Mother Nature Network. Động vật ăn thịt này thường có màu nâu hoặc xám với một cái đầu lớn, miệng lớn, răng sắc nhọn trông như quái vật. Kích thước cơ thể của cá Angler từ 0,3 - 0,9 m. Ảnh: Wikimedia

Ốc anh vũ cũng giống như bạch tuộc và mực ống đều là động vật thân mềm. Chúng sống tại vùng nước nhiệt đới kéo dài từ phía đông biển Andaman tới Fiji và từ phía Nam Nhật Bản đến rạn san hô Great Barrier. Vào ban ngày, ốc anh vũ sống ở độ sâu khoảng 600 m, nhưng tới đêm chúng di chuyển tới vùng nước nông để ăn cua và cá con. Ảnh: Calacademy.

Có nhiều loài mực sống trong lòng biển sâu như mực ống khổng lồ, mực ma cà rồng và mực bigfin. Theo National Geographic, mực ma cà rồng có thể sống thoải mái ở độ sâu 3.000 m trong lòng đại dương. Mực ma cà rồng kiếm mồi bằng cách hút những thứ trôi nổi trong tầng nước sâu như trứng, ấu trùng, xác của những động vật biển nhỏ khác. Ảnh: Pinterest.

Cá răng nanh là loài cá có vẻ ngoài hung dữ, với chiều dài cơ thể khoảng 17 cm. Chúng sống ở độ sâu gần 5.000 m tại các vùng biển nhiệt đới và ôn đới trên toàn thế giới. Cá răng nanh không nằm rình mồi mà tích cực tìm kiếm thức ăn, bẫy con mồi bằng chiếc miệng rộng và bộ răng dài. Ảnh: Wikipedia.

Cá mập Cookiecutter sử hữu hàm răng trông khá đáng sợ. Cơ thể của chúng dài và có hình trụ giống như một điếu xì gà. Một con cá trưởng thành nặng khoảng 4,5 kg và dài 0,6 mét. Chúng thích sống ở vùng nước ấm gần xích đạo tại độ sâu hơn 300 m. Ảnh: Oceana.

Cá nhám mang xếp thường được gọi là "hóa thạch sống" do chúng có ngoại hình thay đổi rất ít trong 80 triệu năm qua. Chúng ta hiếm khi bắt gặp loài cá này do chúng sống ở độ sâu 1.200 m. Cá nhám mang xếp có thân hình giống như lươn, sở hữu 25 dãy răng với tổng cộng 300 chiếc răng. Cá thể trưởng thành có thể dài từ 1,5 đến 1,8 m. Ảnh: Flickr.

Cua nhện Nhật Bản có chiều dài chân lớn nhất trong số động vật giáp xác. Độ mở rộng chân của một cá thể trưởng thành lên tới 4 m. Chúng sống ở vùng duyên hải phía nam đảo Honshu, từ vịnh Tokyo đến Kagoshima và một số vùng xa hơn. Những con cua khổng lồ nặng từ 15 đến 20 kg thường sống ở độ sâu khoảng 150 m đến 300 m dưới đáy biển. Ảnh: Jeff Rotman.

Giun ống khổng lồ sống ở các miệng phun thủy nhiệt dưới đáy Thái Bình Dương. Ngay cả trong môi trường tối tăm và khắc nghiệt, những con giun ống có thể cao tới 2,4 m. Giun ống khổng lồ là động vật không xương sống phát triển nhanh nhất, chúng cao lên 33 cm mỗi năm. Ảnh: Wikipedia.

Cá mái chèo thường được nhắc đến như rắn hoặc rồng biển. Chúng là loài cá có xương dài nhất thế giới, với tổng chiều dài khoảng 8 m. Loài động vật này sống ở độ sâu 1.000 mét dưới biển. Hầu hết kiến thức chúng ta biết về chúng đến từ các mẫu vật trôi dạt vào bờ. Ảnh: Wikimedia.

Tôm hùm ngồi xổm (squat lobster) là động vật ăn xác thối có khả năng sống ở độ sâu 1.400 m dưới đáy biển. Chúng thường bị mù, cơ thể mềm, có nhiều lông xung quanh và không mang lớp vỏ trên lưng. Ảnh: Flickr.

Lê Hùng