Thứ tư, 27/11/2024
Thứ ba, 2/6/2020, 08:51 (GMT+7)

10 sản phẩm quan trọng nhất lịch sử Android

Galaxy S II, Kindle Fire hay One M7, Galaxy Fold màn hình gập... giúp Android vươn lên và giữ vị trí nền tảng di động phổ biến nhất thế giới.

Samsung Galaxy S II I9000 (ra mắt tháng 2/2011)

Không phải là smartphone Android đầu tiên, SII lại là sản phẩm giúp đẩy nhanh sự phổ biến của hệ điều hành Android, thay thế cho Windows Mobile, Symbian, BlackBerry OS và vượt qua iOS.

Sau khi tung ra Galaxy S đời đầu với hàng loạt phiên bản, Samsung ra mắt SII I9000 với màn hình AMOLED, vi xử lý Exynos 4210 do hãng tự phát triển. Khi đó, máy có cấu hình mạnh dù chỉ được trang bị RAM 1 GB và bộ nhớ 16 GB. Cổng microUSB còn cho phép xuất hình ảnh tới màn hình lớn qua cáp chuyển HDMI. 

Chỉ sau 5 tháng ra mắt, 10 triệu chiếc Galaxy SII đã được tiêu thụ trên toàn cầu.

HTC ThunderBolt (ra mắt tháng 1/2011)

Smartphone Android thường đi trước công nghệ so với iPhone. Từ năm 2011, HTC đã có ThunderBolt hỗ trợ kết nối mạng LTE 4G. Trong khi phải tới iPhone 5 ra mắt muộn hơn một năm rưỡi, Apple mới trang bị công nghệ kết nối mạng này. 

Tuy nhiên, thời lượng pin sử dụng không tốt đã phần nào làm ảnh hưởng đến ThunderBolt và khiến smartphone của HTC không thực sự thành công như các model khác.

Máy được trang bị màn hình LCD 4,3 inch độ phân giải 800 x 430 pixel, chưa đặt chuẩn HD. RAM 786 MB đi kèm bộ nhớ trong 8 GB và pin 1.400 mAh.

Motorola Xoom (ra mắt 2011) 

Xoom là sản phẩm đầu tiên Google và Android sử dụng để cạnh tranh với iPad. Mẫu máy tính bảng này có nhiều tính năng mà tablet của Apple thiếu, như trình duyệt web có giao diện máy tính hay cổng HDMI tiêu chuẩn. Tuy nhiên, mức giá đắt gần gấp đôi iPad tiêu chuẩn, 800 USD so với 499 USD, khiến sản phẩm mất dần lợi thế so với đối thủ. 

Sự xuất hiện của Xoom đã khiến cho Google và nhiều hãng điện tử khác đầu tư vào phát triển máy tính bảng nền tảng Android. Tablet của Motorola có cấu hình tốt, với vi xử lý lõi kép Tegra 2 tốc độ 1GHz giúp phát video Full HD 1080p mượt, bộ nhớ RAM DD2 1GB.

Máy cũng trang bị đầy đủ các kết nối như Wi-Fi chuẩn n, Bluetooth 2.1 + EDR, camera phía trước 2 megapixel và phía sau độ phân giải 5 megapixel, hỗ trợ quay video HD 720p.

Kindle Fire (ra mắt tháng 11/2011)

Tablet của Amazon là máy tính bảng Android nổi bật trong hơn 10 năm qua, dù thực tế sản phẩm chạy một phiên bản Android được tuỳ biến riêng và không sử dụng nhiều dịch vụ của Google, thậm chí thiếu cả kho ứng dụng Play Store. Giá bán 199 USD, rẻ hơn một nửa so với iPad, là lý do đem lại thành công cho sản phẩm này.

Cấu hình của Kindle Fire cũng chỉ ở mức trung bình, với chip TI Omap 2 nhân, RAM 512 MB cùng với bộ nhớ 8 GB, không có khe cắm thẻ nhớ. Thiết kế gọn nhẹ, pin lâu với 8 tiếng sử dụng đã giúp cho Kindle là lựa chọn để đọc sách, xem video trực tuyến thay thế tốt cho iPad.

Samsung Galaxy Note (ra mắt tháng 10/2011)

Ra mắt cuối năm 2011, Galaxy Note bị hoài nghi bởi thiết kế cồng kềnh, thiếu tính di động và không phù hợp với xu hướng smartphone khi đó. Nhưng sau 10 năm, sản phẩm là một trong những dòng điện thoại Android thành công và ấn tượng nhất. Xu hướng phablet, thiết bị màn hình lớn lai máy tính bảng và điện thoại... được nhiều nhà sản xuất điện thoại khác phải theo đuổi, trong đó có Apple với dòng iPhone Plus. 

Galaxy Note thế hệ đầu tiên có màn hình 5,8 inch với màn hình AMOLED đạt tiêu chuẩn HD, 800 x 1.280 pixel. Điểm nổi bật nữa ở sản phẩm là bút cảm ứng S Pen, cho phép viết, vẽ ghi chú như bút thật trên màn hình cảm ứng.

Galaxy Nexus (ra mắt tháng 11/2011) 

Google nuôi ý định sở hữu một dòng smartphone của riêng mình từ lâu, dù tới cuối 2019, Google Pixel mới ra mắt. Bước đi đầu tiên của hãng công nghệ sở hữu Android là bắt tay với chính đối tác của mình, đưa ra smartphone Nexus chạy hệ điều hành Android nguyên bản.

Galaxy Nexus là sản phẩm thứ hai Samsung sản xuất theo đặt hàng từ Google. Máy có hiệu năng cao, chạy mượt hơn nhiều đối thủ cùng cấu hình. Galaxy Nexus dùng chip TI OMAP 4460, RAM 1 GB và bộ nhớ 32 GB. Màn hình AMOLED HD720p rộng 4,65 inch. Camera phía sau có độ phân giải 5 MP.

HTC One M7 (ra mắt tháng 2/2013)

Vỏ kim loại nguyên khối từng là một trong những thiết kế cao cấp, nổi bật trên smartphone nhiều năm và One M7 là sản phẩm đi đầu. Nó cũng giúp HTC thành hãng smartphone hàng đầu thế giới năm 2013, không chỉ ở mảng Android. 

One M7 với màn hình 4,7 inch Full HD cùng với hệ thống loa kép BoomSound từng là biểu tượng của smartphone HTC cao cấp. Tại Việt Nam, One M7 có giá chính hãng 14,5 triệu đồng. Sản phẩm sau đó dần biến mất khỏi thị trường khi các thế hệ One M8, M9 ra đời.

One cũng từng sốt trở lại vào năm 2015 khi có nhiều lô hàng cũ từ châu Âu được bán với giá khoảng hơn 3 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm này gần như không xuất hiện trên thị trường nữa. Thương hiệu HTC cũng không còn tại Việt Nam

Motorola Moto G (ra mắt năm 2013)

Trải nghiệm với các smartphone Android giá rẻ trước kia thường không đem lại thoải mái. Nhưng khi Moto G xuất hiện cuối 2013, sản phẩm đem lại cho người dùng một cách nhìn khác. Với mức giá 179 USD và chạy giao diện gần như nguyên bản của Google, Moto G chạy nhanh và mượt, giúp nó thành một trong những smartphone bán chạy nhất ở Mỹ. Tới giữa 2014, Moto G còn được nâng cấp lên phiên bản hỗ trợ 4G LTE. 

Smartphone của Motorola đã cho thấy thay vì chạy đua về cấu hình, nhà sản xuất chỉ cần đơn giản hoá phần mềm và giảm các ứng dụng rác cài đặt sẵn là đủ để tạo ra một mẫu smartphone tốt với giá hợp lý.

OnePlus One (ra mắt năm 2014)

Có thể không phổ biến ở Việt Nam nhưng với cộng đồng công nghệ quốc tế, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu, OnePlus lại thành công và ghi dấu ấn với chiến lược smartphone Android cấu hình "khủng", giá hợp lý. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng được nhiều người chơi công nghệ lựa chọn khi có thể cài đặt được nhiều phiên bản Android đã được cộng động tự chỉnh sửa lại. Sau khi Google từ bỏ dòng sản phẩm Nexus năm 2016, OnePlus nổi lên là lựa chọn thay thế của nhiều tín đồ thích vọc Android và nó là cảm hứng giúp cho thương hiệu Trung Quốc vẫn tồn tại và được chuộng trong 2020.

Samsung Galaxy Fold (ra mắt tháng 4/2019)

Sự xuất hiện của Galaxy Fold đã thổi một làn gió mới vào thiết kế của smartphone nói chung và cũng giúp cho Android tiếp tục tiến xa hơn về công nghệ nếu so với đối thủ iPhone. 

Smartphone cao cấp với giá gần 2.000 USD của Samsung có hai màn hình. Trong đó, màn hình sử dụng công nghệ dẻo với kính thước 7,3 inch, lớn như một máy tính bảng. Điểm đặc biết nhất là nó có thể gập lại làm đôi để cất gọn khi cần. 

Hệ điều hành Android trên Galaxy Fold cũng là thế hệ mới, được Google tích hợp thêm những tính năng để có thể tối ưu hoá cho nhu cầu sử dụng đa nhiệm, chuyển đổi linh hoạt giữa các trạng thái màn hình khác nhau. Trên Fold, Android và màn hình có khả năng chạy đồng thời ba ứng dụng cùng lúc. Khi mở máy để sử dụng, ứng dụng đang chạy ở màn hình phụ 4,6 inch sẽ được tự động đưa vào trung tâm màn hình chính bên trong một cách mượt mà.

Mỹ Anh (theo Android Police)