Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 25/4/2021, 05:00 (GMT+7)

10 sai lầm về tiền bạc của người trẻ

Nghiên cứu của Đại học Illinois, Mỹ, cho biết gần một phần ba thanh niên thiếu hiểu biết về tài chính, không có kỹ năng quản lý tiền tốt và thu nhập ổn định.

Chạy đua theo những người giàu có hơn.

Khi đi chơi với những người bạn giàu có hơn mình, chúng ta có thể sẽ cảm thấy buộc phải theo kịp họ. Do đó, chúng ta mua quần áo hàng hiệu, xe hơi sang trọng và chi trả cho những chuyến du lịch đắt đỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi người cần phải biết giới hạn của mình. Tuyệt đối không nên mắc nợ chỉ để bắt chước theo lối sống của một người giàu có nào đó. Thành công và tiền bạc đến ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời mỗi người, do đó, sử dụng đồng tiền của mình thông minh nhất là điều mà chúng ta cần phải học.

Không phân bổ chi tiêu.

Quản lý tài chính rất quan trọng đối với mỗi người. Trên thực tế, quy tắc phân bổ ngân sách 50/30/20 là một quy tắc đơn giản và dễ làm theo, để ổn định tài chính cá nhân. Bạn nên chi tiêu 50% thu nhập của bạn cho tiền thuê nhà, thực phẩm, phương tiện đi lại và các hóa đơn, 20% dành cho tiết kiệm và trả nợ, 30% còn lại dành cho những sở thích, mong muốn cá nhân.

Đặt đồ ăn thay vì tự nấu nướng.

Đôi khi vì lý do lười nấu nướng, bạn có thói quen gọi đồ ăn sẵn. Việc này được tái diễn liên tục đồng nghĩa với việc bạn bội chi vào thực phẩm, thậm chí không có đủ tài chính để chi trả. Nên đến siêu thị, mua thực phẩm cần thiết và tự nấu ăn.

Sử dụng thẻ tín dụng thiếu tính toán.

Thẻ tín dụng có thể hữu hiệu trong trường hợp bạn kiểm soát tốt chi tiêu. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn không đủ khả năng thanh toán hàng tháng mà lại có vô số thứ đã mua bằng thẻ tín dùng, tốt nhất là nên dừng lại.

Không có kế hoạch tiết kiệm cho tuổi nghỉ hưu.

Khi còn trẻ, bạn không muốn nghĩ nhiều về việc nghỉ hưu, nhưng đó là một sai lầm. Nên để một khoản tiền cho việc tiết kiệm hưu trí, vì theo thời gian, nó sẽ sinh lãi, giúp bạn có tiền chi tiêu, kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn.

Không mua bảo hiểm.

Bạn có thể cảm thấy mình giống như một "siêu nhân" ở độ tuổi 20 vì sức khỏe tốt, nhưng đừng quên rằng bạn hoàn toàn có thể bị chấn thương, bệnh tật, mất việc... ở những thời điểm không nghĩ tới. Do đó, đừng thờ ơ với việc đóng bảo hiểm. Bảo hiểm y tế có thể giúp bạn tiết kiệm một khoản lớn, trong trường hợp có điều gì đó tồi tệ xảy ra.

Ngại mạo hiểm.

Bạn có thể không thích công việc hiện tại của mình, tuy nhiên đồng lương ổn định, môi trường làm việc an toàn hiện tại... có thể khiến bạn trở nên lười vận động, ngại thay đổi.

Đừng ngại bắt đầu lại từ đầu, nếu điều đó có nghĩa là nó sẽ giúp tương lai của bạn tốt hơn. Hơn thế nữa, tuổi 20 là thời điểm tốt nhất để bạn học một kỹ năng mới, do đó việc thay đổi từ ngay bây giờ sẽ tốt hơn là chuyển đổi nghề nghiệp sau này.

Nuôi thú cưng từ quá sớm.

Nuôi chó, mèo có vẻ là bước tiếp theo trong cuộc sống tự lập của bạn, sau khi bạn đã có chỗ ở của riêng mình. Tuy nhiên đó có thể không phải là ý tưởng tốt. Chúng đáng yêu và lanh lợi, là những người bạn tốt, tuy nhiên nuôi thú cưng khá tốn kém. Các khoản như vaccine, đồ chơi, thực phẩm... cộng lại có thể ngốn của bạn một khoản không nhỏ. Tốt nhất là nên cân nhắc xem mình có đủ khả năng hay không vì đó là một trách nhiệm không nhỏ.

Lấy mua sắm làm thú vui.

Rất nhiều người trong số chúng ta mua thứ gì đó mà bản thân không cần tới, chỉ đơn giản vì chúng ta cảm thấy buồn. Sự thật là những lần mua sắm bừa bãi này có thể khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng chúng không phải là giải pháp. Tất cả những gì bạn làm là lãng phí tiền, trong khi bạn có thể sử dụng khoản tiền đó cho những thứ hữu ích hơn. Đối xử tốt với bản thân là điều quan trọng, nhưng nó phải được thực hiện một cách có trách nhiệm.

Dọn ra ở riêng quá sớm.

Ở tuổi đôi mươi, bạn rất hào hứng rời khỏi nhà của cha mẹ để sống tự lập. Đương nhiên học cách sống độc lập là điều tốt, nhưng nên thông minh trong việc lựa chọn thời điểm ra ngoài. Chuyển ra ngoài có nghĩa là bạn phải bắt đầu tự trả tiền thuê nhà và các hóa đơn, bạn phải học nấu ăn, chưa kể ngôi nhà đầu tiên của bạn có thể không đẹp, khiến bạn phải đổ vào đó một khoản tiền sửa chữa, decor. Những điều này cần được cân nhắc, trước khi bạn thực hiện kế hoạch dọn ra ngoài.

Bạn có thể trì hoãn thời gian dọn ra ngoài cho đến khi đã có công việc ổn định, thu nhập khá. Khi đó, việc dọn ra ở riêng sẽ khiến bạn thấy thoải mái hơn rất nhiều.

Thùy Linh (Theo Brightside)