Theo Taste of Cinema, phim võ thuật Hong Kong nổi lên từ đầu những năm 1960. Khi đó anh em nhà Thiệu Thị là những người đầu tiên sản xuất các câu chuyện màn bạc phô diễn nhiều pha võ công (kung fu) đánh quyền cước, côn hoặc các võ khí khác.
Thập niên 1970, ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long lấn sân màn bạc và nổi danh thế giới với nhiều tác phẩm. Từ những năm 1980, điện ảnh Hong Kong liên tiếp sản sinh ra nhiều tác phẩm gắn liền với các tên tuổi ngôi sao ăn khách gồm Thành Long, Chân Tử Đan. Giờ đây, cùng phim xã hội đen, phim võ thuật trở thành "đặc sản" của điện ảnh Hong Kong, thu hút cả khán giả phương Đông và phương Tây.
Diệp Vấn (2008)
Ra mắt năm 2008, Diệp Vấn trở thành hiện tượng phim võ châu Á. Phim 11 triệu USD ngân sách thu về 21 triệu USD. Tác phẩm được giới phê bình ca ngợi. Những cảnh võ biến hóa của Chân Tử Đan khiến người xem bị quyến rũ bởi môn võ Vịnh Xuân. Thành công của phim kéo theo hàng trăm lò võ Vịnh Xuân được mở ra ở Trung Quốc và châu Á. Sau tập một ăn khách, tập hai ra mắt năm 2010 và tập ba trình làng đầu năm nay. Cả hai tập sau đều gây sốt dù không xuất sắc bằng tập đầu.
Là tác phẩm bán tiểu sử, bộ ba phim xoay quanh danh sư áo vải của phái Vịnh Xuân quyền. Câu chuyện dựa theo cuộc đời thăng trầm theo thời cuộc của Diệp Vấn trước và sau Thế chiến II. Nhiều chi tiết cốt truyện của phim được hư cấu nhằm đạt hiệu quả kịch tính, mãn nhãn người xem.
Hắc quyền (2006)
Có nhan đề khác là Hợp đồng giết thuê, bộ phim võ thuật của điện ảnh Hong Kong do La Thủ Diệu viết kịch bản, dàn dựng và sản xuất. Trong phim, Ngô Kinh vào vai chàng trai trẻ tính tình chính trực và giỏi võ tên Cao Cương. Sau khi trở thành nhà vô địch môn wushu, anh bị lôi kéo thi đấu võ thuật bất hợp pháp rồi lún sâu vào tội ác thế giới ngầm.
Khi đóng vai Cao Cương, Ngô Kinh phải luyện tập tán thủ cho vai diễn và anh thừa nhận từng bị thương khi quay phim. Nhờ những pha giao đấu ác liệt được xây dựng chân thực và công phu, vai diễn giúp Ngô Kinh khẳng định vị thế từ sau thành công của Sát Phá Lang. Ngoài Ngô Kinh, phim quy tụ Trịnh Trung Cơ, An Chí Kiệt và Hồng Thiên Minh.
Hoắc Nguyên Giáp (2006)
Trong tác phẩm của đạo diễn Vu Nhân Thái, Lý Liên Kiệt hóa thân thành võ sư nổi tiếng có thật của Trung Hoa kiêm người lập ra Tinh Võ Môn. Hoắc Nguyên Giáp từng đánh bại những võ sĩ ngoại quốc và Nhật Bản trên võ đài, lấy lại uy danh cho người Trung Quốc trong thời kỳ xã hội phong kiến dần lụi tàn. Lý Liên Kiệt từng khẳng định sau khi đóng phim: “Hoắc Nguyên Giáp là cái kết của cuộc đời tôi với tư cách là một ngôi sao võ thuật”.
Phim được giới chuyên môn và khán giả nồng nhiệt đón nhận sau khi ra mắt. 73% các nhà phê bình trên trang Rotten Tomatoes đồng thuận: "Đây là tác phẩm sử thi rực rỡ và mê hoặc có Lý Liên Kiệt đóng chính”.
Hoàng Phi Hồng: Long thành tiêm bá (1995)
Tập phim thứ năm trong chuỗi câu chuyện về người hùng Hoàng Phi Hồng do Triệu Văn Trác thủ vai chính. Đạo diễn Từ Khắc vẫn dàn dựng kiêm biên kịch. Sau khi vắng mặt ở phần bốn, nữ diễn viên Quan Chi Lâm trở lại loạt phim.
Những cảnh giao đấu chiếm một nửa thời lượng phim. Triệu Văn Trác, nhập vai từ phần bốn, tiếp tục thể hiện tốt hình ảnh nhân vật Hoàng Phi Hồng thời trẻ. Võ nghệ của tài tử họ Triệu góp phần tạo nên màu sắc riêng cho những phần sau của loạt phim về Hoàng Phi Hồng, không bị lẫn hoặc đem ra so sánh với Lý Liên Kiệt - người đóng những tập đầu.
Long thành tiêm bá nhận được nhiều đánh giá tích cực từ khán giả nhưng lại có doanh thu thấp nhất trong cả series tại thị trường Hong Kong (gần 5 triệu HKD).
Phá gia chi tử (1981)
Bộ phim võ thuật do Hồng Kim Bảo chấp bút, dàn dựng và thủ vai chính bên cạnh ngôi sao võ thuật Nguyên Bưu. Phim kể về quyền vương Lương Tán (Nguyên Bưu) từ lúc là một thiếu gia ngỗ nghịch đến khi trở thành võ sư vô địch của Vịnh Xuân quyền. Bộ phim phô diễn nhiều kỹ thuật võ công đỉnh cao và được đánh giá là một trong những phim thành công nhất về Vịnh Xuân quyền.
Sau khi ra mắt, phim thu về hơn 9 triệu HKD và giành hai đề cử tại Liên hoan phim Hong Kong. Tác phẩm chiến thắng hạng mục "Quay phim hành động xuất sắc". Năm 2012, Time Out xếp bộ phim ở vị trí 54 trong danh sách "100 phim Hong Kong hay nhất".
Thiếu Lâm tam thập lục phòng (1978)
Phim của đạo diễn Lưu Gia Lương kể về quá trình khổ luyện ở Thiếu Lâm tự của thiền sư Tam Đức (Lưu Gia Huy thủ vai). Sau khi trở thành cao thủ, ông mở thêm căn phòng thứ 36 trong chùa Thiếu Lâm để đón nhận các đệ tử từ khắp nơi tới tập luyện. Vai chính trong phim đánh dấu bước ngoặt sự nghiệp của Lưu Gia Lương, đưa ông lên vị thế của một ngôi sao hàng đầu của thể loại phim võ thuật cuối những năm 1970.
Đây cũng là phim võ thuật tiêu biểu của hãng Thiệu Thị với kịch bản độc đáo, chứa nhiều pha võ chân thực và sáng tạo. Tác phẩm gây ảnh hưởng lớn tới các phim võ thuật Hong Kong ra đời sau đó. Theo Viện lưu trữ phim Harvard, phim góp phần làm sống lại loại hình võ thuật huyền thoại của Thiếu Lâm và khiến người xem bắt đầu hứng thú với phong cách võ thuật này. Năm 2014, Time Out xếp Thiếu Lâm tam thập lục phòng vào vị trí 29 trong danh sách những phim võ thuật hay nhất.
Xà hình điêu thủ (1978)
Phim của đạo diễn Viên Hòa Bình là một trong những tác phẩm khởi đầu sự nghiệp thành công của Thành Long với các kỹ năng đấu võ chân thật và thuần khiết. Theo tiết lộ của Thành Long, ông từng bị bạn diễn Hoàng Chính Lợi đá vào mặt và rụng mất một chiếc răng. Trong một cảnh khác, cánh tay của tài tử bị thương vì một đường kiếm bất ngờ, khiến “vua hài kung fu” la hét trong đau đớn khi máy quay vẫn chĩa về phía ông.
Mặc dù thể loại phim võ thuật kết hợp yếu tố hài hước, nhào lộn mạo hiểm đã được thực hiện trước đó với đạo diễn Lưu Gia Huy trong phim Spiritual Boxer (1975), Xà hình điêu thủ đánh dấu xu hướng mới trong dòng phim võ thuật Hong Kong.
Long tranh hổ đấu (1973)
Đây là một phim võ thuật mang dấu ấn của huyền thoại Lý Tiểu Long, do đạo diễn Robert Clouse dàn dựng. Phim còn có sự góp mặt của tài tử dòng phim kinh dị của Hollywood - John Saxon, ngôi sao võ thuật da màu Jim Kelly và nhóm võ thuật Thất Tiểu Phúc lừng danh gồm Hồng Kim Bảo, Thành Long, Nguyên Hoa và Nguyên Bưu. Trong phim, Hồng Kim Bảo có cảnh chiến đấu với “con rồng nhỏ” ở những cảnh mở đầu phim, còn Thành Long xuất hiện trong vai tay sai lao vào tấn công Lý Tiểu Long khi bị phát hiện thân phận.
Đây là bộ phim cuối cùng trong gia tài điện ảnh của Lý Tiểu Long (các cảnh quay đã hoàn thành về sau được sử dụng trong bộ phim Tử vong du hý) trước khi ông qua đời ở tuổi 32 vào ngày 20/7/1973.
Bộ phim cũng đánh dấu lần đầu tiên một tác phẩm võ thuật Hong Kong do Hollywood sản xuất với phần lớn bối cảnh được dàn dựng tại Hong Kong. Phim đạt doanh thu cao nhất năm tại thị trường này (3,3 triệu HKD) khi ra mắt.
Long tranh hổ đấu được mệnh danh là bộ phim võ thuật vĩ đại của mọi thời đại. Năm 2004, phim được coi là “biểu tượng văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ” của Mỹ, được lưu giữ trong Viện phim quốc gia Mỹ và vào danh sách 500 bộ phim vĩ đại nhất mọi thời đại của tạp chí Empire hồi năm 2008.
Tinh võ môn (1972)
Tác phẩm nổi tiếng của đạo diễn La Duy cũng gắn liền tên tuổi huyền thoại Lý Tiểu Long. Câu chuyện kể về cuộc đời Trần Chân - võ sư lừng danh Trung Hoa.
Đây là lần thứ hai bộ đôi đạo diễn La Duy và Lý Tiểu Long cùng hợp tác, sau Đường Sơn đại huynh (1971). Tác phẩm thu về 4,4 triệu HKD, phá kỷ lục do Đường Sơn đại huynh lập một năm trước đó ở phòng vé Hong Kong. Tinh võ môn là bộ phim duy nhất nhân vật của Lý Tiểu Long chết cũng như là lần duy nhất anh hôn một cô gái trên màn ảnh.
Đại túy hiệp (1966)
Phim của cố đạo diễn Hồ Kim Thuyên lấy bối cảnh thời nhà Minh. Đả nữ nổi tiếng - Trịnh Bội Bội - và tài tử Nguyên Hoa thủ hai vai chính. Đây cũng là bộ phim đánh dấu thành công của nữ diễn viên Trịnh Bội Bội cùng nhiều tên tuổi khác sau khi phim được công chiếu ở Hong Kong.
Những cảnh võ thuật trong phim được đạo diễn Hồ thừa nhận đã cách điệu một cách trái ngược hoàn toàn với thực chiến. Tuy vậy, ông vẫn khẳng định bộ phim “chủ yếu làm nổi bật các ý tưởng về vũ đạo”. Năm 1967, phim được đề cử hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất" tại Oscar lần thứ 39.
Hiếu Vũ