1. Tomorrowland (2015)
Tomorrowland lấy cảm hứng từ khu công viên giải trí cùng tên của Disneyland. Có George Clooney vào vai chính, phim kể về số phận một nhà khoa học già và một cô gái trẻ khi nhặt được huy hiệu lạ có khả năng dịch chuyển thời gian. Ưu điểm phim là có nhiều khung hình thế giới tương lai ấn tượng, những kỳ quan lộng lẫy, các tòa nhà cao chọc trời với các đoàn tàu siêu tốc bay lượn trên không trung - nơi mà con người có thể bay bằng ba lô phản lực và di chuyển bằng nhiều phương tiện công nghệ cao.
Tuy nhiên, Tomorrowland thất bại trong phòng vé vì những nhân vật hay câu chuyện trong phim chưa từng được công chúng biết đến. Siêu phẩm của George Clooney ra mắt phòng vé từ hôm 25/5 vừa qua chỉ thu về 32,2 triệu trong tuần đầu công chiếu - con số nhỏ so với ngân sách gần 200 triệu USD.
2. Edge Of Tomorrow (2014)
Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ăn khách All You Need Is Kill của nhà văn Hiroshi Sakurazaka. Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh tương lai gần, khi Trái đất bị xâm lược bởi một binh đoàn người ngoài hành tinh thiện chiến gọi là Mimics. Edge of Tomorrow dường như là một bộ phim toàn vẹn về mọi mặt: kịch bản hấp dẫn, kỹ xảo hình ảnh hoành tráng, dàn diễn viên tên tuổi và giàu kinh nghiệm.
Tuy nhiên, phim bị phàn nàn là gây mỏi mắt cho khán giả với nhiều cảnh hành động quá nhanh và rung lắc. Thêm vào đó, việc đổi nhan đề gốc All You Need Is Kill sang Edge Of Tomorrow khiến khán giả Bắc Mỹ ít biết. Edge of Tomorrow khi ra mắt ở Bắc Mỹ chỉ thu về 100 triệu USD. May mắn phim có ngân sách gần 150 triệu USD lại ăn khách ở các thị trường quốc tế.
3. Transcendence (2014)
Sở hữu một dàn sao tên tuổi như Johnny Depp, Rebecca Hall, Cillian Murphy, Morgan Freeman và Paul Bettany; lại do nhà quay phim chuyên cộng tác với Christopher Nolan là Wally Pfister đạo diễn, Transcendence khiến nhiều người hâm mộ trông đợi. Bộ phim kết hợp hoàn hảo yếu tố khoa học viễn tưởng với cảm xúc.
Tuy nhiên, phim có nhiều lỗi về câu thoại và kịch bản, đôi chỗ tạo cảm giác nước đôi như thể biên kịch chưa rõ nên cho nhân vật là thiện hay ác. Đây là lý do khiến phim không đạt được doanh thu như mong muốn. Transcendence chỉ thu về 103 triệu USD lúc ra rạp toàn cầu, nhỉnh hơn ngân sách 100 triệu USD một chút.
4. Hugo (2011)
Tác phẩm của nhà làm phim gạo cội Martin Scorsese là một câu chuyện 3D ý nghĩa, được giới phê bình ca ngợi rộng rãi khi ra mắt vào mùa giải Oscar năm 2011.
Tuy nhiên, khi ra rạp, tác phẩm chật vật thu về 74 triệu USD doanh thu, bị hai đối thủ cạnh tranh là The Muppets và Twilight: Breaking Dawn Part 1 vượt mặt. Bộ phim ngân sách 174 triệu USD được xem là trường ca ca ngợi công đức của những người đã phát minh ra máy chiếu phim. Tác phẩm cũng được so sánh với phim kinh điển Cinema Paradiso.
5. Prince Of Persia: The Sands Of Time (2010)
Dựa trên loạt trò chơi nổi tiếng, Prince of Persia: The Sands of Time có nguồn kinh phí khổng lồ cùng sự tham gia của tài tử Jake Gyllenhaal trong vai chính. Từng được kỳ vọng trở thành một Cướp biển vùng Caribbean tiếp theo, nhưng Prince of Persia: The Sands of Time không được lòng giới phê bình.
Bộ phim cũng chưa thể làm nên một cuộc cách mạng trong dòng phim chuyển thể từ các trò chơi, vốn vẫn là điểm yếu đối với các nhà làm phim Hollywood lâu nay. Đó cũng là lý do khiến phim thất bại về mặt doanh thu. Tác phẩm tốn chi phí 150 triệu USD chỉ mang về 90 triệu USD sau khi chiếu rạp Bắc Mỹ.
6. Peter Pan (2003)
Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của JM Barrie kể về cậu nhóc biết bay bị công chúng phớt lờ bởi ra mắt trước The Lord of the Rings: The Return of the King đúng một tuần hồi năm 2003. Phim có ngân sách 130 triệu USD chỉ thu về 122 triệu USD doanh thu. Điểm đáng xem của tác phẩm này là phong cách hình ảnh xuất sắc và diễn xuất tuyệt vời của dàn sao chính.
7. The Shawshank Redemption (1994)
Hiện nằm trong hàng loạt danh sách “Những phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh”, The Shawshank Redemption từng thất bại thảm hại. Bộ phim có ngân sách 25 triệu USD sau khi ra mắt chỉ đạt con số doanh thu khiêm tốn 28 triệu USD.
Nhìn lại thời điểm The Shawshank Redemption mới ra mắt, người ta thấy đề tài nhà tù của phim vốn kén người xem, đa phần thời lượng phim đều là thoại. Các đấng mày râu không mấy hào hứng trước viễn cảnh xem cuộc đời của những phạm nhân nam, trong khi phái nữ không thấy gần gũi với bộ phim chỉ có đúng hai nhân vật nữ có lời thoại; cả hai đều xuất hiện rất chớp nhoáng.
Nhiều năm sau, bộ phim được đón nhận trở lại, gây xúc động khi lột tả cuộc sống trong tù, số phận của các tù nhân và nghị lực, niềm hy vọng cũng như tình bạn của một con người phải chịu đựng 20 năm giam cầm vì oan sai.
8. Once Upon A Time In America (1984)
Bộ phim hành động sử thi xoay quanh chủ đề tình bạn, tình yêu, đam mê, lòng tham, sự thù hận, sự mất mát, những mối quan hệ tan vỡ đi cùng sự thăng trầm của một băng đảng tội phạm người Do Thái ở Mỹ. Tác phẩm có tài tử Robert De Niro và James Woods vào hai vai chính. Bộ phim sử thi của Italy được chiếu ra mắt ở Liên hoan phim Cannes năm 1984 với bản dựng hoàn chỉnh dài 229 phút cùng hàng loạt cảnh “nóng” và bạo lực. Sau khi phim kết thúc trình chiếu ở Cannes, khán giả đứng dậy vỗ tay trong 15 phút.
Tuy nhiên, khi ra mắt ở Mỹ, bản phim bị cắt xuống còn 139 phút khiến phim thất thu thảm hại. Tác phẩm có ngân sách 30 triệu USD chỉ thu về năm triệu USD phòng vé thế giới. Đây là một trong những tuyệt phẩm bị thất sủng đáng tiếc nhất trong lịch sử điện ảnh. Hiện Once Upon a Time in America được xem là một trong những câu chuyện điện ảnh vĩ đại về chủ đề giá trị đạo đức của người Mỹ. Tác phẩm được so sánh ngang ngửa The Godfather. Phim là phần mở đầu của bộ ba Once Upon a Time. Hai phần sau mang tên Once Upon a Time in the West và Once Upon a Time... the Revolution.
9. Blade Runner (1982)
Blade Runner là đứa con tinh thần tâm huyết của đạo diễn Ridley Scott, ra đời năm 1982. Chuyển thể từ tiểu thuyết Do Androids Dream of Electric Sheep? của Philip K. Dick., phim kể về anh chàng cảnh sát Rick Deckard (Harrison Ford) có nhiệm vụ săn tìm và tiêu diệt những người máy nổi loạn. Đang muốn giã từ công việc thì bỗng Deckard buộc phải trở lại vì sự nổi loạn của bốn tên người máy. Những tên này đã chiếm đoạt một con tàu và trên đường quay trở về Trái đất.
Sau khi ra mắt, bộ phim có sao chính là Harrison Ford phân cực giới phê bình, thất bại thảm hại ở phòng vé. Phim có ngân sách 28 triệu USD chỉ thu về 6,5 triệu USD tuần công chiếu. Năm 2004, tác phẩm được hội đồng khoa học của The Guardian bình chọn là "Phim viễn tưởng hay nhất mọi thời đại". Năm 2008, phim tiếp tục được các nhà phê bình lẫn người đọc tạp chí New Scientist trao danh hiệu đó. Năm 2009, phim lại đứng đầu danh sách phim viễn tưởng hay nhất mọi thời đại của tạp chí Totalscifi Film.
10. Cleopatra (1963)
Bộ phim kinh điển có Elizabeth Taylor hóa thân thành nữ hoàng Ai Cập là một trong những dự án phim tốn kém nhất lịch sử điện ảnh. Phim cũng được đầu tư kỳ công về mặt trang phục. Riêng nhân vật nữ hoàng có tới 65 bộ váy áo. Sau thời gian ra mắt, tác phẩm có ngân sách 44 triệu USD chỉ thu về 26 triệu USD.
Tác phẩm hiện được giới phê bình liệt kê vào danh sách những phim sử thi hoành tráng và hay nhất mọi thời đại. Ngoài diễn xuất đáng nể của Elizabeth Taylor, phim còn có sự diễn xuất tự nhiên của tài tử Richard Burton.
Lê Quang Đức