1. Agatha Christie
Đến nay, vẫn chưa ai soán được ngôi “Nữ hoàng trinh thám” của Agatha Christie, dù bà đã ra đi gần 40 năm trước. Agatha là một cây bút trinh thám thông minh, sáng tạo và tinh tế. Bản lĩnh tâm lý bậc thầy và cách viết tinh gọn, giọng văn chậm rãi của bà không cố gắng đẩy mọi thứ lên cao trào, nhưng chất rùng rợn và gay cấn vẫn hiện rõ trong từng lớp câu chuyện, cách giăng bẫy tinh vi, sắc sảo. Câu chuyện bà viết luôn đi đến tận cùng của công lý, việc đền tội, trả giá sòng phẳng. Đó là lý do mà độc giả luôn tìm thấy ở trong sách của bà sự hài lòng và niềm tin vào lẽ phải.
Tác phẩm nổi bật: Án mạng trên sông Nile, Mười người da đen nhỏ, Vụ án trên sân golf, Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông…
2. Mary Higgins Clark
Tuy không lừng lẫy như Agatha Christie, Mary Higgins Clark cũng đã chạm tay được vào danh hiệu “Nữ hoàng trinh thám Mỹ” với số lượng sách rất lớn được phát hành trên toàn thế giới.
Mary là người mẹ của năm đứa con, nên tác phẩm của bà hướng đến những câu chuyện trinh thám trong gia đình, với các nhân vật chính và nạn nhân là những người cha, mẹ, những đứa con, cô bảo mẫu... Bút lực của bà rất mạnh mẽ với cách miêu tả tâm lý cặn kẽ, chi tiết xoáy mạnh vào cuộc sống đời thường nên tạo được sự đồng cảm lớn từ độc giả.
Tác phẩm nổi bật: Trang nhật ký đẫm máu, Tiếng hét trong đêm khuya, Giờ này anh ở đâu…
3. Patricia Highsmith
Tên tuổi của Patricia Highsmith nổi tiếng trên văn đàn thế giới với những tác phẩm hướng đến các chủ đề nhạy cảm trong xã hội như giới tính, sự phù phiếm của giới thượng lưu. Những vụ án trong sách của Patricia khá rùng rợn và phảng phất chất “hiện sinh” do ảnh hưởng từ những nhà văn mà bà yêu thích như: Kafka, Camus hay Andre Gide. Rất nhiều tác phẩm của bà đã được chuyển thể thành phim.
Tác phẩm nổi bật: The Price of Salt, The Talented Mr Ripley…
4. Gillian Flynn
Sau khi tác phẩm Gone Girl được chuyển thể thành phim điện ảnh, tên tuổi của Gillian Flynn vụt sáng trên văn đàn như một ngôi sao mới của thể loại trinh thám. Trước đó, tài năng của Gillian cũng được nhiều người đánh giá cao qua loạt tác phẩm như Sharp Object, Dark Places… Gillian khai thác rất sâu tâm lý của phụ nữ, đi vào những bí mật riêng tư và phần đen tối trong bản chất con người. Không sử dụng nhiều bạo lực nhưng những quyển sách của Gillian vẫn tạo được chất hãi hùng và tính hủy diệt trong cuộc chiến tâm lý mà cô tạo nên.
Tác phẩm nổi bật: Cô gái mất tích, Vết cắt hành xác…
5. Natsuo Kirino
Natsuo Kirino là một cây viết trinh thám Nhật Bản với nét đặc trưng riêng đến từ xứ sở hoa anh đào. Bút pháp của cô mạnh mẽ và đầy tỉ mỉ, không khoan nhượng, không tảng lờ mà nhìn thẳng vào sự nghiệt ngã một cách lạnh lùng. Lần lượt từng ngóc ngách của tâm hồn bị lôi ra ánh sáng. Chất kinh dị trong sách của Natsuo cần một thời gian để thẩm thấu nhưng một khi đã cảm nhận được, nó sẽ gây cho độc giả một sự bàng hoàng lớn.
Tác phẩm nổi bật: Xấu, Thế giới thực…
6. Fred Vargas
Điều đặc biệt riêng trong sách của Fred Vargas là sự thơ mộng của những câu chuyện trinh thám. Mỗi vụ án đều phảng phất chút huyền hoặc cổ điển, chất kinh dị tăm tối, lãng mạn cũng như tính cách của nhân vật thám tử rất bản năng và mộng mơ. Bút pháp của bà giàu nhạc điệu, êm ái trong câu chữ và thường trích dẫn cả thơ. Trên một phông nền êm ái, chất kịch tính và ly kỳ càng trở nên mạnh mẽ. Fred Vargas được mệnh danh là “Nữ hoàng trinh thám Pháp”.
Tác phẩm nổi bật: Trong những cánh rừng vĩnh cửu, Bí ẩn nĩa ba răng, Ma Sói…
7. Patricia Cornwell
Là người tạo ra nhân vật người hùng - nữ bác sĩ khám nghiệm pháp y Kay Scarpetta, Patricia Cornwell đã giành được rất nhiều giải thưởng cho bản thân, đồng thời cho cả nhân vật thám tử trong truyện của bà. Bà áp dụng nhiều kiến thức khoa học và nghiên cứu pháp y vào tác phẩm. Tuy vậy, Patricia tin rằng chính con người với thói lạm dụng quyền lực là nguồn gốc của cái ác.
Tác phẩm nổi bật: Bác sĩ pháp y, Xác chết dưới nước…
8. Lisa Scottoline
Lisa Scottonline từng tốt nghiệp ngành tiếng Anh ở Đại học Pennsylvania sau đó học lên Tiến sĩ ngành Luật. Từng là một cựu luật sư bào chữa, Lisa Scottoline có nhiều trải nghiệm về tình tiết các vụ án lẫn tâm lý tội phạm. Bởi vậy, những câu chuyện trinh thám của bà rất thực tế, tính hình sự và logic cao. Bà từng giành giải Edgar Award năm 1995 - giải thưởng danh giá nhất dành cho các tác giả viết truyện trinh thám. Các tác phẩm của Lisa đều được xếp vào hàng "Bestseller" và thường được dịch ra trên 20 thứ tiếng.
Tác phẩm nổi bật: Cô gái của bố, Think Twice, Dirty Blonde…
9. Mo Hayder
Mo Hayder là một tác giả người Anh nhưng rất thích trải nghiệm cuộc sống ở châu Á. Bà nghỉ học từ năm 15 tuổi, làm rất nhiều việc khác nhau như bồi bàn, tiếp viên, làm trong hộp đêm ở Tokyo hay dạy tiếng Anh ở Việt Nam. Dù nghỉ học ở trường từ rất sớm, Mo Hayder không ngừng tiếp nhận kiến thức qua nhiều cách khác nhau. Bà đã được công nhận là Thạc sĩ nghệ thuật học trong lĩnh vực điện ảnh ở Mỹ lẫn thạc sĩ văn học ở Anh. Với vốn sống phong phú, tiểu thuyết trinh thám của Mo Hayder vừa ly kỳ rùng rợn, vừa có tính tâm lý xã hội. Bên trong mỗi câu chuyện đầy bạo lực của bà, người đọc luôn tìm thấy một chất lãng mạn của tình yêu, tình người và những mối quan hệ xã hội.
Tác phẩm nổi bật: Ác quỷ Nam Kinh, The Treatment…
10. J.K. Rowling (Robert Galbraith)
Sau thành công vang dội của Harry Potter, J.K.Rowling muốn thoát khỏi cái bóng của chính mình. Bà bắt đầu viết truyện trinh thám dưới một bút danh khác là Robert Galbraith. Quyển trinh thám đầu tiên ra mắt - The Cuckoo’s Calling – khiến dư luận xôn xao về một cây bút triển vọng. Sau khi biết đích xác tác giả của nó là ai, quyển sách nhảy ngay vào hàng "Bestseller" trên thế giới. Tuy không thể bằng Harry Potter, tác phẩm cũng có được sức mạnh và vị thế riêng từ khả năng tạo dựng tình huống rất thông minh của Rowling.
Tác phẩm nổi bật: Con chim khát tổ, Con tằm…
Kha Cát