Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ năm, 30/6/2022, 09:37 (GMT+7)

10 nơi đắt đỏ nhất cho lao động nước ngoài

Thống trị top 10 nơi đắt đỏ cho lao động nước ngoài năm nay có đến 4 thành phố của Thụy Sỹ, châu Á có 5 đại diện.

1. Hong Kong (Trung Quốc)

Nhà ở Hong Kong nhìn từ trên cao. Ảnh: Reuters

Hong Kong dẫn đầu là thành phố đắt đỏ nhất để sinh sống và làm việc của lao động nước ngoài trong năm nay, theo bảng xếp hạng của Mercer. Theo khảo sát này, trong giai đoạn từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022, giá xăng tại Hong Kong tăng ít, chỉ khoảng 4%, trong khi giá bia tăng khoảng 10%.

2. Zurich (Thụy Sỹ)

Những người mua sắm đi dọc phố Bahnhofstrasse ở Zurich, ngày 1/3/2021. Ảnh: Reuters

Zurich là thành phố lớn nhất của Thụy Sỹ và là thủ phủ của bang Zurich. Vào tháng 5, lạm phát ở nước này tăng 2,9% so với cùng kỳ 2021, mức cao nhất trong gần 14 năm.

Trong rổ giá tiêu dùng, nhà ở và năng lượng tăng 4,3%, giao thông vận tải tăng 10,3%. Nhiều mặt hàng thực phẩm, đồ uống có cồn, quần áo và giày dép cũng tăng giá.

3. Geneva (Thụy Sỹ)

Một góc thành phố nhìn ra hồ Geneva. Ảnh: Pixabay

Cùng với Zurich, Thụy Sỹ còn có 3 thành phố khách nằm trong bảng xếp hạng, chiếm giữ các vị trí liên tục từ hạng 2 đến 5. Ở vị trí thứ 3 là Geneva, thành phố đông dân thứ hai của đất nước này. Vào năm 2021, thành phố này chỉ nằm ở vị trí thứ 8 trong top 10 đắt đỏ nhất.

4. Basel (Thụy Sỹ)

Một góc dọc bờ sông Rhine ở Basel. Ảnh: New York Times

Thành phố này không có mặt trong top 10 nơi có chi phí đắt đỏ nhất với lao động nước ngoài vào năm 2021. Basel được biết đến nhiều với Art Basel - hội chợ nghệ thuật lớn nhất thế giới. Nơi đây còn có 40 bảo tàng và nhiều công ty dược phẩm, đồng thời là nơi sinh của huyền thoại quần vợt Roger Federer.

5. Bern (Thụy Sỹ)

Một người phụ nữ góp phần thắp hơn 11.000 ngọn nến tưởng nhớ nạn nhân Covid-19 trước trụ sở của Quốc hội liên bang Thụy Sỹ ở Bern ngày 7/12/2021. Ảnh: Reuters

So với năm ngoái, thành phố này thăng 5 hạng trong danh sách những nơi đắt đỏ nhất với lao động nước ngoài. Bern là nơi khai sinh của thương hiệu chocolate Toblerone vào năm 1908 tại nhà máy của gia đình Tobler. Thanh chocolate hình tam giác để gợi lên hình ảnh đỉnh núi Alpine của Thụy Sỹ.

6. Tel Aviv (Israel)

Người dân tắm biển Tel Aviv ngày 17/9/2019. Ảnh: Times of Israel

Tel Aviv không có trong top 10 của Mercer vào năm ngoái. Tương tự các nền kinh tế khác, Israel cũng đang chứng kiến giá cả hàng hóa tăng cao. Theo Times of Israel, từ 30/6, giá xăng tại nước này sẽ tăng 36 agorot (10 cent), lên mức 8,08 nis mỗi lít (khoảng 54.500 đồng). Đây là mức giá cao kỷ lục kể từ tháng 9/2012.

7. New York (Mỹ)

Đường chân trời phía bắc khu Manhattan, New York chụp từ đài quan sát tầng 86 của Tòa nhà Empire State ngày 24/6/2020. Ảnh: Reuters

Mỹ không có thành phố nào vào top 10 đắt đỏ nhất của Mercer năm ngoái. Nhưng trong tháng 5, lạm phát Mỹ lên cao nhất kể từ năm 1981, chủ yếu do giá xăng tăng gần 50% so với năm ngoái.

Theo cập nhật từ dịch vụ tính giá xăng của Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA), đến ngày 29/6, giá xăng trung bình tại New York là 4,94 USD mỗi gallon (3,78 lít), tương đương khoảng 30.400 đồng mỗi lít.

8. Singapore (Singapore)

Một góc của Singapore. Ảnh: Reuters

So với năm 2021, Singapore tuột một hạng trong danh sách những thành phố đắt đỏ nhất dành cho người nước ngoài. Đại diện duy nhất của Đông Nam Á này ghi nhận lạm phát toàn phần tháng 5 đạt 5,6%, tăng từ 5,4% trong tháng 4.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Singapore vì thế cán mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 và vượt qua mức dự báo trung bình là 5,5% trong cuộc thăm dò của Bloomberg.

"Lạm phát mạnh hơn trên nhiều loại thực phẩm, dịch vụ, bán lẻ và hàng hóa khác, cũng như điện và khí đốt", Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) cùng với Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho biết trong một tuyên bố chung ngày 23/6.

9. Tokyo (Nhật Bản)

Một khu vực thuộc quận Shinjuku ở Tokyo ngày 24/6/2020. Ảnh: Reuters

Tokyo tuột 5 bậc trong bảng xếp hạng các thành phố đắt đỏ nhất của Mercer so với năm ngoái. Không giống các nền kinh tế khác, Nhật Bản đứng ngoài bão lạm phát toàn cầu. Lạm phát tiêu dùng cốt lõi của nước này đạt 2,1% trong hai tháng 4 và 5, nhưng việc tăng gần như hoàn toàn do giá năng lượng cao hơn.

Vì vậy, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hôm 29/6 cho biết sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại. Thống đốc Haruhiko Kuroda dự báo lạm phát có thể duy trì ở mức 2% trong khoảng một năm, nhưng nó có khả năng giảm xuống khoảng 1% trong năm tài chính tiếp theo bắt đầu vào tháng 4/2023.

10. Bắc Kinh (Trung Quốc)

Người dân Bắc Kinh đeo khẩu trang khi ra đường ngày 25/10/2021. Ảnh: Reuters

Bắc Kinh là đại diện duy nhất còn lại của Trung Quốc đại lục sau khi Thượng Hải (hạng 6 năm 2021) rời khỏi top 10 năm nay. Theo khảo sát của Mercer trong giai đoạn từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022, giá xăng ở Bắc Kinh tăng hơn 20%; giá dầu ăn tăng khoảng 28%; trong khi giá bia giảm khoảng 5%.

Bảng xếp hạng thường niên được Mercer thực hiện khi so sánh giá của 200 hàng hóa và sản phẩm tại 227 thành phố trên thế giới.

"Một phần là do thị trường bất động sản, với chỗ ở tốt hiện đã trở nên đắt đỏ hơn, đẩy chi phí của các gói dịch vụ dành cho người nước ngoài lên cao", Vince Cordova, Đại diện Mercer, cho biết.

Các lý do khác còn do chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng, cộng với chính trị bất ổn. "Những người sắp chuyển đến sẽ cần phải chi tiêu nhiều hơn để sống tốt", vị này nói.

Năm 2022, Việt Nam có 2 thành phố nằm trong danh sách là Hà Nội (hạng 150) và TP HCM (hạng 163). Năm 2021, thứ hạng của cả hai lần lượt là 139 và 143.

Phiên An