"Các tướng lĩnh quân đội phải chịu trách nhiệm", Yawd Serk, thủ lĩnh nhóm Hội đồng Khôi phục bang Shan, phát biểu hôm nay tại cuộc gặp trực tuyến giữa 10 nhóm phiến quân nhằm thảo luận về tình hình Myanmar, đồng thời lên án quân đội bắn đạn thật vào người biểu tình.
Trong bối cảnh giao tranh giữa quân đội Myanmar và các nhóm phiến quân gia tăng, Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự, hôm 1/4 tuyên bố quân đội đơn phương ngừng bắn với các nhóm phiến quân tới 30/4, nhằm tiếp tục đàm phán hòa bình và để người dân tổ chức lễ té nước Thingyan trong yên bình.
Tuy nhiên, thông báo của quân đội không bao gồm việc ngừng các hoạt động kiểm soát đám đông biểu tình. Trong khi đó, Yawd Serk cho rằng ngừng bắn phải đồng nghĩa lực lượng an ninh nên chấm dứt "tất cả hành vi bạo lực", gồm trấn áp người biểu tình.
10 nhóm phiến quân lên tiếng ủng hộ biểu tình từng ký thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc, do chính quyền dân cử của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi làm trung gian, nhằm nỗ lực chấm dứt xung đột vũ trang kéo dài nhiều thập kỷ với các nhóm dân quân thuộc các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay khiến các dân tộc trở nên ngờ vực. Yawd Serk cho biết 10 bên ký thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc sẽ "xem xét lại" thỏa thuận.
Cuộc họp của các nhóm diễn ra một tuần sau khi Liên minh Quốc gia Karen (KNU) chiếm căn cứ quân sự ở phía đông bang Karen và giết 10 binh sĩ. Chính quyền quân sự trả đũa bằng các cuộc không kích. KNU phản đối quân đội và cho biết họ đang che giấu hàng trăm nhà hoạt động chống đảo chính.
Quân đội Myanmar hôm 1/2 bắt bà Suu Kyi và các quan chức trong chính quyền dân sự, với lý do cáo buộc gian lận bầu cử tháng 11/2020 không được giải quyết. Sự việc làm dấy lên phong trào biểu tình phản đối đảo chính, với tình trạng bạo lực ngày càng leo thang, tới nay đã khiến hơn 500 người thiệt mạng, theo một nhóm quan sát địa phương.
Các dân tộc thiểu số Myanmar, với đảng và tổ chức vũ trang riêng, được giới chuyên gia đánh giá là "nhân tố bí ẩn" có thể định đoạt số phận của cuộc đảo chính, bởi cả chính quyền quân sự và đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi được cho là đều cần sự ủng hộ của họ.
Ánh Ngọc (Theo AFP)