Số liệu được Cơ quan Giám sát Dịch bệnh, Bộ Y tế Nigeria, tổng hợp kể từ ngày 4/1 đến ngày 16/2. Sampson Orogwu, giám sát viên từ Bộ Y tế, cho biết nước này ghi nhận 25 người nhiễm bệnh, trong đó có hai nhân viên y tế. 6 bệnh nhân là nam giới, 9 người là phụ nữ. Trong những người thiệt mạng có một phụ nữ mang thai và hai trẻ em.
Các khu vực bị dịch bệnh ảnh hưởng gồm Onicha, Ikwo, Ezza North, Ebonyi, Izzi, Ohaukwu và Abakaliki. Ông Orogwu kêu gọi người dân báo cáo các ca nghi nhiễm cho Bộ Y tế hoặc cơ quan y tế địa phương.
Ogbonna Nwambeke, nhà dịch tễ học hàng đầu bang Ebonyi, cho biết chính quyền đang phối hợp với các cơ quan để kiểm tra và ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
"Chúng tôi kêu gọi khẩn cấp dịch vụ hậu cần nhằm tăng cường giám sát, sự tham gia của cộng đồng để phòng tránh các rủi ro của bệnh. Người dân cũng được khuyến nghị không đốt rừng, tránh ăn thịt chuột, không chạm vào các bề mặt mà người bệnh chạm vào", Ogbonna nói.
Ông cũng khuyến cáo mọi người duy trì vệ sinh cá nhân và môi trường, đậy nắp thực phẩm và đồ dùng cá nhân đúng cách.
Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria, trong năm 2023 đã có ít nhất 219 trường hợp tử vong được ghi nhận trong số 1.227 ca sốt xuất huyết Lassa.
Sốt Lassa là bệnh sốt xuất huyết cấp tính do virus Lassa, thành viên của họ Arenavirus gây ra. Con người có thể nhiễm virus qua thực phẩm hoặc đồ gia dụng bị nhiễm nước tiểu hoặc phân của loài gặm nhấm.
Trong các trường hợp nặng, bệnh nhân có thể sưng mặt, dịch ở phổi, chảy máu ở miệng, mũi, âm đạo hoặc đường tiêu hóa và huyết áp giảm mạnh. Một số bệnh nhân có thể bị ù tai, chảy máu cam, phát ban, ho và chóng mặt.
Bệnh nhân thường phục hồi sau 4-7 ngày, nhưng trong các trường hợp nghiêm trọng, có thể gây sốc, mê sảng, rales phổi, phình nước màng phổi, cơn co giật toàn thân. Di chứng có thể bao gồm rụng tóc, viêm mí mắt và tạm thời mất thị lực.
Thục Linh (Theo People Gazettengr)