Theo giới chức y tế Ấn Độ, 18 mẫu bệnh phẩm được gửi đi xét nghiệm thì có 12 mẫu dương tính virus Nipah, trong đó có 10 bệnh nhân đã tử vong. Trường hợp tử vong mới nhất là một nữ y tá 31 tuổi, có thể phơi nhiễm với virus chết người này khi chăm sóc các bệnh nhân. Thi thể của nữ y tá được hỏa táng để tránh phát tán virus.
Dịch bệnh bùng phát ở phía nam Ấn Độ. Hàng chục người đang được điều trị tại bệnh viện, hơn 90 người bị cách ly. Chuyên gia y tế Ấn Độ cho biết virus này khó phát hiện, thời gian ủ bệnh từ 4 đến 18 ngày.
Theo AFP, Nipah được coi là virus mới nổi nguy hiểm. Các nhà khoa học phát hiện virus này có thể lây truyền từ dơi sang các loài khác trong đó có con người trong 20 năm qua. Bệnh hiện chưa có phương pháp chữa trị đặc hiệu và có thể lây truyền từ người sang người. Tỷ lệ tử vong cao lên đến 40-75%.
Nhiều chuyên gia lo ngại virus Nipah tiềm ẩn nguy cơ bùng phát một đại dịch chết người. Vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới xếp virus này trong nhóm cần được ưu tiên nghiên cứu khẩn, cùng với các bệnh khác như Ebola và SARS.
Virus này được phát hiện lần đầu tại Malaysia vào năm 1998, khi 265 người bị lây nhiễm một căn bệnh kỳ lạ dẫn đến viêm não, sau khi họ tiếp xúc với lợn hoặc người ốm. Trong đại dịch năm ấy, 105 người đã chết, tỷ lệ tử vong 40%. Từ đó, thi thoảng vẫn phát hiện những vụ dịch nhỏ tại Ấn Độ và Bangladesh, với 280 bệnh nhân, trong đó 211 người tử vong, tức tỷ lệ tử vong trung bình 75%. Virus lây truyền từ loài dơi ăn quả (đặc biệt tại những nước trồng cọ lấy dầu như Malaysia), có thể từ lợn sang người.
Trong lần đầu được phát hiện, virus này lây truyền từ lợn sang người. Nhà chức trách đã phải tiêu hủy hơn một triệu con lợn để ngăn chặn dịch lây lan. Kể từ đó, các nhà khoa học phát hiện một số loài dơi ăn quả được coi là vật chủ tự nhiên của virus này.
Biểu hiện của bệnh cũng rất đa dạng. Một số bệnh nhân bị sốt, đau đầu, sau đó buồn ngủ, lơ mơ. Một số khác lại có biểu hiện giống như bị cúm; có trường hợp tiến triển đến hôn mê trong 1-2 ngày.
Việt Nam nằm trong vùng có thể lưu hành virus này, tuy nhiên hiện chưa có ca bệnh nào.