Học trực tuyến dễ hơn học theo phương pháp truyền thống
Đây là quan niệm sai lầm phổ biến về các khóa học trực tuyến.
Sinh viên ghi danh vào các khóa học trực tuyến thường cho rằng họ sẽ dễ dàng có được điểm A. Tuy nhiên, các khóa học này cũng có nhiều yêu cầu, thậm chí có thể nhiều hơn cả các lớp học trực tiếp.
Giảng viên đòi hỏi sinh viên cả về chất lượng và khối lượng bài vở trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Đổi lại, sinh viên không bị mất đi bất kỳ nội dung nào trong môn học, có nhiều cơ hội để tìm hiểu nội dung đó theo những cách thú vị hơn.
Không có giới hạn về thời gian hoàn thành khóa học
Quan niệm này đúng vào giai đoạn đầu khi phương pháp học trực tuyến mới ra đời. Theo đó, nhiều khóa học cho phép sinh viên tự học và không giới hạn thời gian hoàn thành chúng. Tuy nhiên tới nay, điều đó không còn đúng nữa.
Nhiều khóa học trực tuyến có giới hạn hoàn thành, trung bình là 4-16 tuần. Nếu không hoàn thành trong thời gian được chỉ định, bạn sẽ mất quyền tham gia khóa học.
Do đó, khi xác định hình thức học trực tuyến, bạn cần biết khóa học kéo dài bao lâu, phải đầu tư công sức như thế nào cũng như những cam kết và quyết tâm trong suốt quá trình tham gia.
Chất lượng các khóa học trực tuyến thấp hơn
Ngộ nhận này xuất phát từ việc các khóa học trực tuyến không được tổ chức với các tiêu chuẩn giống như khóa học truyền thống.
Thực tế, bất kỳ phương pháp nào cũng có những ưu nhược điểm riêng. Không phải các khóa học trực tuyến nào cũng kém chất lượng và không phải khóa học truyền thống nào cũng đảm bảo.
Hiện, nhiều khóa học trực tuyến do các cơ sở uy tín tổ chức có thiết kế chất lượng, đảm bảo được hình thức tổ chức tốt nội dung (bài đọc, bài giảng, bài kiểm tra...) được phân phối phù hợp với đối tượng tham gia.
Không chuyển tiếp được các khóa học trực tuyến
Nhiều sinh viên lo lắng các khóa học trực tuyến sẽ không chuyển tiếp được, hoặc không được các trường đại học khác chấp nhận nếu họ muốn chuyển trường hoặc đăng ký lên các chương trình cao học.
Do đó, trước khi đăng ký học, bạn cần kiểm tra với cơ sở giáo dục trực tuyến đó để đảm bảo những khóa học có thể chuyển tiếp được.
Hiện nay, nhiều trường đại học đồng ý chuyển tiếp cho các khóa học trực tuyến tương tự các khóa học truyền thống.
Khó kết nối với người hướng dẫn
Phần lớn các giảng viên trực tuyến đều hiểu được tầm quan trọng của việc liên lạc thường xuyên với sinh viên và cung cấp nhiều cách để sinh viên có thể liên lạc với họ thông qua email, diễn đàn Q&A, các phiên chất vấn online hay thông báo định kỳ.
Điều này giúp sinh viên không bị gián đoạn khi cần liên hệ với người hướng dẫn để làm rõ về tài liệu môn học, về các nội dung không có trong bài giảng, hoặc khi bạn muốn xin gia hạn thời gian nộp bài.
Không có tương tác với các sinh viên khác khi học trực tuyến
Đây là quan niệm sai lầm với những người chưa từng tham gia khóa học trực tuyến nào.
Học tập ngang hàng là trọng tâm của các khóa học trực tuyến. Có nhiều cách để bạn tương tác với các sinh viên khác, từ diễn đàn thảo luận đến dự án làm việc nhóm, được lập ra thông qua Skype, Facebook hoặc các kênh hỗ trợ riêng của từng chương trình.
Thực tế, nhiều khóa học trực tuyến đòi hỏi sự tương tác giữa các sinh viên nhiều lần theo tuần hoặc theo nhóm, có nghĩa là bạn có nhiều cơ hội để tương tác và học hỏi từ các sinh viên khác trong khóa học.
Các khóa học trực tuyến đòi hỏi ít thời gian hơn
Các khóa học trực tuyến thường được thiết kế với những học kỳ ngắn hạn, do đó, nhiều người thường lầm tưởng rằng thời gian học ngắn hơn tức là nội dung ít hơn.
Thực tế, khi đã học trực tuyến, bạn thường có các bài tập, bài đọc và bài giảng phải nghe và hoàn thành trong 8 tuần, trong khi nếu học trên lớp thông thường sẽ mất khoảng 16 tuần. Theo thiết kế như vậy, khi đã tham gia khóa học trực tuyến, sinh viên cần tập trung hơn, dành nhiều thời gian để làm việc hơn so với khóa học truyền thống.
Gian lận phổ biến và dễ dàng hơn trong các lớp học trực tuyến
Các đơn vị mở lớp trực tuyến có nhiều cách để đảm bảo việc chống gian lận. Một số giảng viên sử dụng các dịch vụ chống gian lận và đạo văn, một số khác dùng các bài kiểm tra mở.
Giáo viên hướng dẫn và các nhà thiết kế khóa học vẫn ưu tiên việc học nghiêm túc và không có gian lận trong các khóa học trực tuyến.
Phải am hiểu kỹ thuật mới có thể học trực tuyến
Sinh viên trực tuyến cần một số kỹ năng công nghệ cơ bản như cách kết nối Internet hoặc điều hướng trình duyệt. Nhưng nói chung, các khóa trực tuyến sử dụng những công cụ, thiết kế và thao tác quen thuộc với hầu hết mọi người.
Bên cạnh đó là các tài liệu hướng dẫn và liên kết cần thiết nếu sinh viên cần hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi người hướng dẫn và các sinh viên khác khi gặp rắc rối với bài tập hoặc hoạt động mà khóa học yêu cầu.
Bất cứ ai cũng có thể thành công khi học trực tuyến
Thành công trong một khóa học trực tuyến là sự kết hợp của nhiều yếu tố, nhưng một trong những yếu tố quan trọng nhất là quản lý thời gian và sự nghiêm túc. Do đó, sinh viên tham gia khóa học cần đảm bảo rằng có thể quản lý thời gian của bản thân một cách hợp lý để hoàn thành khóa học.
Một trong những ưu điểm của học tập trực tuyến là bạn có thể học theo thời gian biểu riêng. Nếu bạn là một người dậy sớm, bạn có thể học từ sáng sớm và dành phần còn lại của ngày để làm việc khác. Nếu sẵn sàng thức đêm, bạn có thể học vào đêm muộn.
Ngoài ra, bạn cũng cần những thói quen học tập, kỹ năng viết, khả năng giao tiếp rõ ràng... tương tự các khóa học truyền thống.
Bích Vân (theo Illinois)
Học trực tuyến là phương pháp giáo dục được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng. Các trường danh tiếng tại Mỹ như Pennsylvania, Florida, Boston… có chương trình học trực tuyến chất lượng, được xếp vào top đầu năm 2017.
Tại Việt Nam, Đại học trực tuyến FUNiX là trường đại học đầu tiên đào tạo cử nhân và chứng chỉ ngành Công nghệ Thông tin bằng phương pháp học trực tuyến. FUNiX sử dụng hệ thống học liệu MOOCs và sự hướng dẫn của đội ngũ chuyên gia để hỗ trợ sinh viên. Hoàn thành chương trình học tại FUNiX, sinh viên được nhận Bằng kỹ sư ngành kỹ thuật phần mềm (Software Engineering) do Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận.