Thứ tư, 25/12/2024
Thứ tư, 1/1/2020, 02:08 (GMT+7)

10 nghi thức đón năm mới kỳ lạ

Dù đón năm mới bằng cách ném bàn ghế, bát đĩa, đốt hình nộm, người dân khắp thế giới đều hy vọng gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Lễ hội lửa ở Scotland
Lễ hội lửa Hogmanay diễn ra ở Stonehaven, Scotland. Ngay trước nửa đêm, một đoàn diễu hành vung những quả cầu lửa trên đầu rồi ném chúng xuống biển. Truyền thống này có từ hơn 100 năm trước, được cho là dựa trên một nghi lễ tiền Kitô giáo nhằm thanh tẩy bản thân và xua đuổi tà ma. Ảnh: Scotland Shop.

Ăn 12 quả nho ở Tây Ban Nha
Vào nửa đêm, mỗi người Tây Ban Nha thường ăn liên tục 12 quả nho, mỗi giây một quả sau nửa đêm để hy vọng may mắn trong năm mới. Mỗi quả nho được người dân tin rằng đại diện cho một tháng trong năm và phải ăn ngay vào thời khắc giao thừa nếu không muốn gặp xui xẻo. Ảnh: phatymakstudio/Shutterstock.

Ném bỏ bát đĩa ở Đan Mạch
Những chiếc bát, đĩa bị vỡ có ý nghĩa mang lại may mắn với người Đan Mạch. Trước thời khắc năm mới, người dân địa phương ném đồ sứ (đã hỏng hoặc không sử dụng) vào cửa nhà bạn bè của họ với mục đích cầu chúc họ gặp may mắn năm mới. Đống bát, đĩa vỡ càng lớn trước cửa thể hiện sự yêu mến chủ nhà nhận được. Họ cũng rất vui lòng dọn dẹp đống mảnh vỡ khi thức dậy. Ảnh: Shutterstock.

Mặc đồ lót đỏ ở Italy
Màu đỏ tượng trưng cho tình yêu và khả năng sinh sản ở Italy. Vì vậy, thanh niên nước này thường mặc đồ lót đỏ vào đêm giao thừa với hy vọng gặp được nửa còn lại. Ảnh: Eric Gaillard/Reuters.

Trao nụ hôn ở Mỹ và Canada
Trong nhiều nền văn hoá phương Tây, nhất là khu vực Bắc Mỹ, một nụ hôn vào đêm giao thừa có ý nghĩa đặc biệt với họ trong năm tới. Điều này bắt nguồn từ niềm tin thời Trung cổ cho rằng người đầu tiên bạn nhìn thấy vào giao thừa sẽ tác động đến bạn năm tiếp theo. Ảnh: POPSUGAR.

Treo hành tây ở Hy Lạp
Những củ hành tây treo trên cửa nhà vào đêm giao thừa biểu thị sự tái sinh và tái phát triển với người Hy Lạp. Truyền thống này bắt nguồn từ những cây hành biển (squill) mọc ở đảo Crete, có hình dánh giống một củ hành tây lớn. Loài cây này tiếp tục sinh trưởng ngay cả khi bị bật rễ, khiến người Hy Lạp yêu thích và hy vọng nó có thể giúp họ. Các phụ huynh sẽ đánh thức con cái dậy vào sáng hôm sau bằng cách đập hành tây vào đầu. Ảnh: Naeblys/Shutterstock.

Ăn nhiều bữa ở Estonia
Người dân tại quốc gia này ăn tới 7, 9 hoặc 12 lần vào đêm giao thừa để hy vọng có nguồn thức ăn dồi dào trong năm mới. Đây là ba con số may mắn với người Estonia. Họ cho rằng nếu một người được ăn tiệc nhiều lần dịp năm mới thì sẽ đạt được thịnh vượng, sức mạnh tương đương 7, 9 hoặc 12 người. Ngày nay, những bữa tiệc tại đây cũng được chuẩn bị với 7 món khác nhau. Ảnh: Maksimillian / Shutterstock.

Đốt hình nộm tại Colombia và Ecuador
Tại hai quốc gia này, người dân sẽ đốt những hình nộm, bù nhìn. Việc làm này như một cách để người dân địa phương bỏ lại những điều tồi tệ làm ảnh hưởng xấu đến họ trước khi năm mới đến. Ảnh: Wanderlust.

Ném đồ đạc cũ ở Nam Phi
Thành phố Johannesburg duy trì phong tục kỳ lạ vào năm mới bằng việc ném đồ đạc ra ngoài cửa sổ, kể cả bàn, ghế, tủ lạnh. Những món đồ bay ra từ các toà nhà cao tầng đã bị lên án là hành động nguy hiểm, khiến truyền thống bớt phổ biến hơn trước đây. Người dân thường dự trữ nhiều vật dụng cũ trong nhà rồi chờ tới đêm giao thừa để vứt, mang ý nghĩa bỏ đi cái cũ và có một khởi đầu mới. Ảnh: aswphotos134/Shutterstock.

Người Đức ăn bánh rán
Ở Đức, mọi người đều ăn “krapfen” – một loại bánh rán vào đêm giao thừa. Những chiếc bánh thường chứa đầy mứt trái cây, chocolate hoặc đôi khi là mù tạt để trêu đùa người khác. Theo truyền thống, bánh rán chỉ được ăn trong những dịp đặc biệt như giao thừa bởi đồ ngọt trước đây là món ăn hiếm, đắt tiền ít người mua được. Ảnh: Marco Verch/Flickr.

Kiều Dương (Theo Insider)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net