Tròn mười ngày, từ 28/4 đến 7/5, toàn quốc ghi nhận tổng số 146 trường hợp mắc Covid-19 tại 16 tỉnh, thành. So với những lần trước, tốc độ bùng phát dịch lần thứ tư được Bộ Y tế (trong báo cáo tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về chống dịch do Thủ tướng chủ trì chiều 7/5) đánh giá khiến tình hình "khó khăn hơn, phức tạp hơn" vì 3 lý do.
Đầu tiên là sự xuất hiện các biến chủng mới của virus, đặc biệt là biến chủng B6117 được phát hiện tại Ấn Độ với tốc độ lây nhanh hơn, mạnh hơn. Thứ hai, dịch bệnh xuất hiện cùng lúc tại nhiều địa phương; và thứ ba là sự xuất hiện các ca bệnh tại cơ sở y tế.
Trong các đợt dịch trước đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và một số bệnh viện ở Đà Nẵng từng bị phong tỏa. Song khác trước, dịch bệnh lần này tấn công diện rộng vào nhiều bệnh viện lớn, trong đó có những những thành trì tuyến đầu của ngành y.
Tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh với hơn 800 người bị phong tỏa chiều 5/5. Gần hai ngày sau, đến lượt Bệnh viện K với trên 5.000 người phải cách ly. Thái Bình, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc ở phía Bắc; Nghệ An, Đà Nẵng ở miền Trung, mỗi tỉnh đều có một bệnh viện lớn bị phong tỏa do phát hiện ca Covid-19. Tổng số cơ sở y tế bị phong tỏa đến nay là 7.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nhận định đợt dịch này "chúng ta đang bị tấn công từ cả hai phía là ổ dịch cộng đồng và trong các bệnh viện". "Các bệnh viện vừa bị phong tỏa ở Hà Nội là những cơ sở tuyến cuối, điều trị hàng nghìn bệnh nhân không chỉ cho Hà Nội mà của cả miền Bắc", ông Nhung lo ngại.
Trước tình hình trên, phương châm được Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định là "khoanh vùng, cách ly, dập dịch nhanh chóng sớm ổn định tình hình". Ngày 23/4, ông gửi điện yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh "chịu trách nhiệm chính về việc phòng, chống dịch trên địa bàn".
Với tinh thần "cá thể hóa trách nhiệm", một trong những điểm mới của đợt chống dịch lần này là bên cạnh biểu dương, khen thưởng những nơi làm tốt, lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ các địa chỉ còn "lơ là".
Theo đó, Yên Bái liên quan đến việc để xảy ra chuỗi lây nhiễm thứ nhất; Đà Nẵng, Hà Nam để xảy ra các chuỗi lây nhiễm còn lại đều bị phê bình. Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa được yêu cầu rút kinh nghiệm, chấn chỉnh vì để xảy ra việc nhiều người dân không tuân thủ 5K, nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách nơi công cộng. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng "nhận trách nhiệm cá nhân" hôm 3/5, sau hai lần thành phố bị nhắc nhở.
Theo ông Quảng, không chỉ nhắc nhở trong cuộc họp mà sau đó, Thủ tướng còn gọi điện, nhắn tin cho ông Quảng, yêu cầu phải phê bình, làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang đều phải "rút kinh nghiệm" vì chậm đảm bảo trang thiết bị, năng lực xét nghiệm của địa phương.
Đợt chống dịch lần này cũng ghi nhận các tỉnh thành xử lý các vi phạm "mạnh tay" hơn. Hà Nam đã cảnh cáo hàng loạt cán bộ từ huyện đến xã; rút khỏi danh sách ứng cử đại biểu HĐND huyện hoặc không giới thiệu ứng cử chủ tịch xã với cá nhân vi phạm. Công an tỉnh này cũng khởi tố vụ án với tội danh Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo điều 240 Bộ luật Hình sự tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân.
Tỉnh Yên Bái cảnh cáo ông Nguyễn Trường Giang, giám đốc Trung tâm Y tế TP Yên Bái, vì vi phạm trong việc quản lý khu cách ly tập trung chuyên gia nước ngoài trên địa bàn quản lý.
Khu cách ly tập trung chuyên gia nước ngoài liên quan sự việc là khách sạn Như Nguyệt 2 (TP Yên Bái), nơi 5 chuyên gia người Trung Quốc cách ly từ ngày 9 đến 23/4. Khi về nước, một người trong nhóm được xét nghiệm, cho kết quả dương tính với nCoV ngày 29/4. Đây cũng là nơi cách ly các chuyên gia Ấn Độ. Trong đó 4 chuyên gia Ấn Độ dương tính với nCoV và lây nhiễm cho một nhân viên khách sạn. Như vậy, tại khu cách ly tập trung chuyên gia nước ngoài này đã để xảy lây nhiễm Covid-19.
Vĩnh Phúc dù được khen phản ứng nhanh, có biện pháp chống dịch hiệu quả, nhưng cũng có 6 cán bộ bị đình chỉ công tác liên quan đến các ổ dịch trên địa bàn.
Trong những làn sóng Covid-19 trước, Chính phủ ban hành chỉ thị (chỉ thị 15, 16, 19...) và các địa phương thực hiện. Lần này cấp tỉnh không chờ "cầm tay, chỉ việc" mà đã có sẵn kịch bản để thực hiện.
TP Yên Bái là nơi đầu tiên giãn cách xã hội từ ngày 3/5, bảy ngày sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên và chưa xuất hiện thêm ca mắc mới. Thái Bình giãn cách từ 12h ngày 6/5 ngay sau khi phát hiện 5 ca dương tính liên quan đến ổ dịch Nhiệt đới Trung ương.
Vĩnh Phúc quyết định cách ly xã hội toàn TP Vĩnh Yên 15 ngày, từ 0h ngày 7/5. Người dân chỉ được ra ngoài khi có việc cần thiết. Bắc Ninh đang đề xuất giãn cách xã hội toàn tỉnh, sau khi ghi nhận 12 ca nhiễm cộng đồng, trong đó 3 ca chưa công bố.
Nêu định hướng trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, tại cuộc họp Chính phủ hôm 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, "chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện". Ông nhấn mạnh tinh thần: "Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất".
Một chuyên gia dịch tễ quân đội (từng tham gia chống dịch đợt đầu tiên ở Vĩnh Phúc, tháng 2/2020) cũng cho rằng, về lâu dài, Việt Nam cần chủ động tấn công dịch, trước hết là bịt "lỗ hổng" ở đường biên, trên đất liền, trên biển, hàng không.
Tiếp đến, khu cách ly tập trung cần bịt "lỗ hổng", tránh lây nhiễm chéo. Bộ Y tế đã nâng thời gian cách ly từ 14 lên 21 ngày, nhưng cần tăng tần suất xét nghiệm. Chính quyền có thể giám sát từ xa bằng cách đồng bộ hệ thống camera ở các khách sạn, hoặc lắp camera ở các khu cách ly dân sự. "Ngành y tế, chính quyền các tỉnh có thường xuyên giám sát các khu cách ly này hay không, nhất là kiểm tra mà không báo trước. Hay Bộ đi kiểm tra vài lần, rồi địa phương để đó?" ông nói và đề xuất, doanh nghiệp mời chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh mà không chấp hành nghiêm quy định thì cần có "biện pháp mạnh".
Theo ông, Việt Nam dù chống dịch tốt, nhưng chu kỳ vài chục ngày đến ba tháng lại có làn sóng dịch tiếp theo. Vì thế, vaccine vẫn là "chìa khóa" trong cuộc chiến chống dịch. Khi chờ vaccine, không còn cách nào khác là xử lý cứng rắn với những vi phạm trong phòng dịch lẫn tuyên truyền cho người dân thực hiện 5K.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, bày tỏ lo ngại khi các nhà khoa học chưa có lời giải đáp cho các trường hợp hết cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm đủ 3 lần âm tính, nhưng sau đó vẫn dương tính. Dù hiện nay Bộ Y tế đã kéo dài thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày, nhưng ông Nhung khuyến cáo vẫn cần làm rõ nguyên nhân của các chuỗi lây nhiễm, để có biện pháp chống dịch hiệu quả thời gian tới.
Theo ông, Việt Nam vẫn có thể sớm kiểm soát được đợt bùng phát dịch bệnh lần này, nếu kiên trì phương châm chống dịch từ trước đây là thần tốc truy vết, phát hiện sớm, cách ly ngay, khoanh vùng gọn, điều trị tích cực.
"Lần này nhiều địa phương chủ động hơn trong phòng chống dịch, bởi Chính phủ chủ trương phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, hầu hết tỉnh, thành đã tích lũy được kinh nghiệm cần thiết. Đơn cử, khi phát hiện ca nhiễm, thay vì phong tỏa cả xã hay khu phố, các địa phương chỉ phong tỏa điểm F0 xuất hiện", ông Nhung nói và cho rằng việc khoanh vùng cần làm gọn nhất để không ảnh hưởng tới đời sống xã hội.
6 ổ dịch cộng đồng (tính đến trưa 7/5), gồm: Hà Nam, 21 trường hợp mắc bệnh; Vĩnh Phúc - Yên Bái; 35 trường hợp; liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2), ghi nhận 69 trường hợp; Bệnh viện K Tân Triều, ghi nhận 10 trường hợp; Đà Nẵng, ghi nhận 9 trường hợp; Hải Dương, ghi nhận 2 trường hợp.