Thứ hai, 27/1/2025
Thứ ba, 18/7/2023, 12:06 (GMT+7)

10 ngày khám phá mùa xuân Georgia của cô gái Việt

Huyền Chi vẫn muốn trở lại sau khi dành 10 ngày khám phá Georgia, nơi châu Á gặp châu Âu, quá khứ hòa lẫn hiện tại.

Cách đây ba năm, Bùi Huyền Chi, sống tại Pháp đã mua vé máy bay và thuê xe van ở Georgia, dự định cắm trại hai tuần tại đây nhưng kế hoạch bị hoãn do dịch Covid - 19. Đến 9/5 vừa qua, Chi mới đặt chân đến Georgia, đánh dấu chuyến du lịch ngoài châu Âu đầu tiên sau ba năm.

Cộng hòa Georgia là một quốc gia Tây Á, nằm gần ranh giới giữa châu Á và châu Âu, giáp Nga ở phía bắc và Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Azerbaijan ở phía nam. Georgia từng nằm dưới sự cai trị của các nước châu Âu và châu Á khác nhau trong nhiều thế kỷ. Do vậy, quốc gia này mang bản sắc của nhiều nền văn hóa.

Chi dành những ngày đầu tiên ở Tbilisi, thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Georgia nằm bên bờ sông Kura. Tbilisi lãng mạn trong mưa với những góc tường, ban công phủ hoa hồng, cánh hoa đỏ tươi thấm đẫm nước vẫn tỏa hương thơm ngát. Những làn mây mỏng lúc tụ lại che khuất tầm nhìn, lúc tản ra, len vào những vách núi, bao quanh những tu viện, nhà thờ cổ như Holy Trinity (ảnh) khiến khung cảnh huyền ảo như một bức tranh thủy mặc.

Nhà thờ Holy Trinity của Tbilisi, thường được gọi là Sameba, nằm ở thủ đô Tbilisi với sức chứa 15.000 người, là nhà thờ Chính thống giáo lớn nhất thế giới. Kiến trúc của nhà thờ là sự kết hợp các đặc điểm của phong cách Georgia và Byzantine.

"Tuy bề ngoài Georgia có nhiều điểm tương đồng với châu Âu nhưng mang hơi thở mộc mạc và chân phương hơn. Những ruộng nho không dài bất tận, một vài góc phố tựa Sa Pa (Việt Nam), đường quốc lộ có những đoạn xóc và gập ghềnh như đường núi", Chi cho biết.

Bên cạnh nhà thờ Holy Trinity, Tbilisi còn có nhà thờ Sioni. Nhà thờ được lấy màu xanh làm màu chủ đạo, biểu tượng của Thiên đường trong đạo Orthodox với những bức tranh vô giá.

Sau khi tham quan Thủ đô Tbilisi, Chi đến cố đô Mtskheta, cách Tbilisi khoảng 20 km. Mtskheta được Vua Ilia II của Georgia phong danh hiệu "Thành phố Thánh" và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1994. Trang web du lịch Cntraveler xếp Mtskheta trong top 15 di sản UNESCO đẹp nhất thế giới.

Tu viện Shio-Mgvime (Cave of Shio) gần thị trấn Mtskheta là một quần thể tu viện thời trung cổ, nằm trong một hẻm núi đá vôi hẹp ở bờ phía bắc của sông Kura, cách Thủ đô Tbilisi khoảng 30 km. Hiện tu viện là địa điểm thu hút nhiều người hành hương và khách du lịch.

Từ Mtskheta di chuyển khoảng 180 km, Chi đến Akhaltsikhe ở vùng Samtskhe-Javakheti, phía nam Georgia. Điểm thu hút chính của Akhaltsikhe là Lâu đài Rabati, một quần thể pháo đài được xây dựng từ thế kỷ IX, thời điểm Akhaltsikhe được gọi là Lomsia. Kiến trúc nổi bật nhất ở đây là nhà thờ Hồi giáo Ahmediyye với mái vòm bằng vàng. Bảo tàng Lịch sử Samtskhe-Javakheti là nơi trưng bày các phát hiện khảo cổ tại đây và các tác phẩm chạm khắc trên đá, vũ khí, trang phục của vùng phía nam Georgia.

Rabati là địa điểm đặc biệt ở Samtskhe-Javakheti, nơi người dân của các quốc gia Georgia, Armenia, Ukraine, Ba Lan, Do Thái, Hy Lạp và Nga cùng chung sống. Do vậy đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và cảm nhận những nền văn hóa khác nhau.

Cũng ở vùng Samtskhe-Javakheti, pháo đài Khertvisi là một lâu đài thời trung cổ nằm trên một sườn núi đá cao và hẹp ở làng Khertvisi, thành phố Aspindza. Đây là một trong những pháo đài lâu đời nhất ở Georgia, được sử dụng trong suốt thời kỳ phong kiến của quốc gia này.

Từ 24/10/2007, Khertvisi cùng với tu viện Vardzia được đưa vào danh sách thử nghiệm Di sản Thế giới của UNESCO. Pháo đài bao gồm tòa thành, bên trong có một tháp canh năm mặt, một quảng trường, nhà thờ St. George và phần còn lại của một đường hầm dẫn từ lâu đài xuống dòng sông bên dưới.

Sau Mtskheta, Chi đến Di sản Thế giới thứ hai được UNESCO công nhận của Georgia là làng Ushguli nằm ở dãy núi thượng Svaneti. Ushguli nằm trong thung lũng Enguri, gần chân núi Shkhara (đỉnh cao thứ ba trong dãy Đại Kavkaz) là một trong những khu định cư có người ở liên tục cao nhất ở châu Âu (hơn 2000 m so với mực nước biển).

Mùa xuân ở Georgia mưa nhiều và nặng hạt khiến đường đến vùng núi trở nên lầy lội và bị sạt lở. Càng tiến sâu vào thung lũng Enguri, đường càng trở nên hẹp và dốc. Bóng tối miền núi ập xuống khá nhanh, xe cứ tiến và lùi trong những vũng bùn.

"Có lúc mình hồi hộp đến nín thở, cảm giác đau đầu. Quãng đường bản đồ báo mất một tiếng rưỡi mà trời tối vẫn chưa đến nơi", Chi nói. Vì là mùa thấp điểm du lịch, các cửa hàng, dịch vụ tại làng Ushguli đều đóng cửa sớm.

Đối lập với "sóng gió" ngày hôm trước, Ushguli của ngày hôm sau là một buổi sáng trong veo giữa bốn bề núi tuyết. Ushguli được phủ tuyết khoảng 8 tháng trong năm. Ánh nắng vàng tươi chạm đến đỉnh núi rồi lan dần xuống đáy thung lũng dưới thời tiết -3 độ C. Những ngôi nhà và các tòa tháp cổ hiện dần trong nắng.

"Mọi thứ đều tĩnh tại và an yên, không khí thư thái và dễ chịu như ở nhà. Lúc ấy mình mới hiểu vì sao nơi này lại được đánh giá là ngôi làng đẹp nhất Georgia", Chi cho biết.

Vốn đã đến nhiều vùng núi đẹp trên thế giới như Himalaya, Karakoram, Atlas, Alpes, nhưng Chi vẫn không thể không trầm trồ trước cảnh vật của vùng núi này. Cũng là núi cao, tuyết trắng nhưng giản dị và gần gũi như cảm nhận của cô về con người và đất nước Georgia.

Trên những khúc cua của con đường từ Uhsguli trở lại Mestia, Chi cảm thấy cảnh sắc mùa xuân hai bên đường còn đẹp hơn những điểm đến nổi tiếng trên sách, báo.

Những đỉnh núi phủ tuyết trắng, những sắc hoa đỏ, trắng, vàng đan xen trên nền cỏ cây xanh tốt của mùa xuân. Khói thi thoảng bốc lên từ những mái nhà đơn sơ. Những ngọn tháp phòng thủ đặc trưng của vùng Svaneti dưới nắng. Bò, ngựa thong dong gặm cỏ bên vệ đường.

"Không có điểm gì quá nổi bật, nhưng những khung cảnh ấy chậm rãi và nhẹ nhàng len lỏi vào trí nhớ của mình như mưa phùn mùa xuân", Chi nói.

Sau Mestisa, điểm đến tiếp theo của Chi là Kutaisi, thành phố lớn thứ hai Georgia, nằm dọc theo bờ sông Rioni.

UNESCO đã công nhận Nhà thờ chính tòa Bagrati và Tu viện Gelati ở Kutaisi là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1994. Đây là hai công trình kiến trúc mang nhiều giá trị lịch sử cũng như giá trị mỹ thuật, đại diện tiêu biểu cho phong cách kiến trúc thời Trung cổ của Georgia.

Nhà thờ nằm trên một ngọn đồi có tầm nhìn bao quát cả thành phố. Tiếng chim hót líu lo cùng tiếng người và xe cộ qua lại phía dưới giống như những nhịp đập cuộc sống hàng ngày của thành phố này. Trong các ngõ nhỏ xung quanh nhà thờ, nhà nào cũng có một cây cam đang nở hoa dưới bầu trời ửng hồng lúc hoàng hôn.

Chuyến hành trình của Chi ở Georgia kết thúc bằng hiking lên Gergeti Triniti, Nhà thờ Chúa ba ngôi được xây dựng vào thế kỷ XIV trên đỉnh cao thứ năm của châu Âu (hơn 2100 m so với mực nước biển), dưới ngọn núi Kazbek sừng sững. Nhà thờ nổi bật bởi mái vòm hình nón và tháp chuông, nằm cách biên giới với Nga khoảng hơn 10 km.

Quãng đường từ chân núi lên đỉnh dài khoảng 7 km, tổng thời gian leo lên và xuống mất gần bốn tiếng. Đường được trải bê tông và không quá dốc, không cần các dụng cụ leo núi chuyên dụng, phù hợp với cả những người mới bắt đầu.

Thời tiết tại Georgia khá giống các vùng núi châu Âu. Mùa xuân (tháng 3 - 6) và mùa thu (tháng 9 - 10) là mùa thấp điểm du lịch, giá dịch vụ rẻ nhưng mưa nhiều. Mùa hè (tháng 6 - 8) khung cảnh xanh tươi, nắng chan hòa là mùa cao điểm du lịch.

Tổng chi phí có chuyến đi của Chi khoảng $1500 (35 triệu đồng), bao gồm vé máy bay từ châu Âu ($300); thuê xe có tài xế ($1.300); khách sạn ($600); ăn uống và các chi tiêu khác ($300).

Chi dùng hộ chiếu Pháp nên không cần thêm giấy tờ. Đối với hộ chiếu Việt Nam, du khách cần xin thêm e-visa online, chi phí 20 USD (khoảng 470.000 đồng) với điều kiện hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng.

Đối với Chi, Georgia không rực rỡ, sôi động mà dịu dàng, trầm lắng, từ từ chinh phục lữ khách bằng vẻ đẹp nguyên thủy. Chi khuyên du khách nên dành nhiều thời gian hơn để khám phá đất nước này vì cô cảm thấy hối hận khi chỉ ở đây 10 ngày. "Sự gần gũi, giản dị của đất nước này khiến mình muốn trở lại thêm một vài lần nữa, nhất là vào mùa thu để ngắm lá vàng", Chi nói.

Quỳnh Mai
Ảnh: Bùi Huyền Chi
Nguồn: World Atlas, CNN

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net