Thông tin được bà Nguyễn Thảo Hương, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa ra tại tọa đàm về đào tạo liên thông, tổ chức tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP HCM, sáng 18/12.
Đào tạo liên thông là thừa nhận kết quả học tập đã có từ trước của người học, làm cơ sở miễn, trừ khối lượng, thời gian học tập khi họ theo đuổi bằng cấp khác, theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Bà Hương cho biết cả nước có 134/243 trường đại học (trừ các trường an ninh, quốc phòng) có đào tạo liên thông. Tính đến hết năm học 2021-2022, số sinh viên học liên thông khoảng 108.600, chiếm 0,05% quy mô sinh viên toàn quốc.
Bộ không đưa ra dữ liệu các giai đoạn trước nhưng TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Công nghiệp TP HCM, nhìn nhận số người học liên thông giảm so với năm 2002, khi quy định về hình thức đào tạo này có hiệu lực. Trường Đại học Công nghiệp TP HCM mỗi năm được tuyển 1.800 sinh viên liên thông nhưng chỉ tuyển được 300-400, chưa bằng 1/10 so với mười năm trước.
"Phải thừa nhận là lúc đó vào đại học khá khó nên nhiều người học đi từ trung cấp, cao đẳng rồi liên thông lên đại học", ông Nhân nhận định, cho biết hiện nay, quy mô đào tạo liên thông nhỏ, trừ các ngành sư phạm, sức khỏe.
Thực tế, Bộ cho biết Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học có đông người học liên thông nhất. Theo bà Hương, đây là điều dễ hiểu vì trước kia, hai ngành này chủ yếu được đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng. Trong khi đó, theo Luật Giáo dục có hiệu lực từ năm 2020, yêu cầu với giáo viên mầm non tăng từ trung cấp lên cao đẳng, giáo viên tiểu học phải có bằng đại học. Vì vậy, số giáo viên đi học liên thông để lấy bằng đại học tăng so với trước kia.
Đào tạo liên thông hiện có hai hình thức chủ yếu là chính quy và vừa học vừa làm, có thể từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học hoặc giữa các đại học với nhau. Phương thức tuyển sinh phổ biến nhất là xét tuyển qua hồ sơ (39%).
Nếu xét theo chương trình đào tạo thì số chương trình liên thông từ cao đẳng lên đại học nhiều hơn cả. Bà Hương cho rằng điều này phù hợp với thực tế bởi người học liên thông đa phần đã đi làm, có nhu cầu nâng cao bằng cấp, chuyên môn để đáp ứng công việc.
Đại diện Vụ Giáo dục đại học đánh giá đào tạo liên thông sẽ giúp đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, đa dạng và hiệu quả để đáp ứng những yêu cầu của nền kinh tế và thị trường lao động. Đây cũng là cách để người học được học tập liên tục, phù hợp với hoàn cảnh.
Mặt khác, đào tạo liên thông giúp các cơ sở giáo dục đại học sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có, góp phần thực hiện chính sách phân luồng học sinh sau THCS.
Theo bà Hương, khó khăn lớn nhất với các trường đào tạo liên thông hiện nay là bị hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh. Theo quy định, chỉ tiêu đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học ở mỗi trường không được vượt quá 20% chỉ tiêu đại học chính quy. Điều này khiến nhiều trường muốn giảm chỉ tiêu chính quy để nhận thêm sinh viên liên thông cũng không được.
Mặt khác, việc đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học thiếu các tiêu chuẩn đầu ra ở mỗi trình độ trong một ngành, nghề và các điều kiện đảm bảo chất lượng cho chuẩn đầu ra.
Lệ Nguyễn