Thứ bảy, 14/12/2024
Thứ sáu, 1/4/2016, 19:45 (GMT+7)

10 nền kinh tế giàu nhất thế giới

Đứng đầu danh sách, do Global Finance Magazine (GFM) công bố, vẫn là những quốc gia và vùng lãnh thổ nhỏ - Qatar, Luxembourg và Singapore.

Dựa trên số liệu của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GFM tính toán GDP bình quân đầu người của các quốc gia và vùng lãnh thổ theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP), từ đó đưa ra thứ hạng cho từng nền kinh tế. Dưới đây là danh sách 10 quốc gia và vùng lãnh thổ giàu có nhất thế giới:

1. Qatar

GDP bình quân: 146.011 USD

Để chuẩn bị cho World Cup 2022, Qatar đang đẩy mạnh cải thiện cơ sở hạ tầng. Điều này giúp Qatar càng tăng trưởng nhanh, dù nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu khí.

2. Luxembourg

GDP bình quân: 94.167 USD

Nhờ lĩnh vực dịch vụ tài chính tăng trưởng mạnh, Luxembourg vẫn được đánh giá là nền kinh tế ổn định, giàu có, với mức nợ công thấp và hệ thống pháp lý chặt chẽ.

3. Singapore

GDP bình quân: 84.821 USD

Là quốc gia có nền tảng kinh tế vững và thặng dư tài khoản vãng lai lớn, Singapore vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức vừa phải, bất chấp những rủi ro từ việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng không đồng đều và nợ hộ gia đình trong nước tăng cao.

4. Brunei

GDP bình quân: 80.335 USD

Với tài nguyên dầu mỏ lớn, Brunei đã trở thành quốc gia giàu có thứ 4 thế giới trong năm 2015. Tuy nhiên, đà lao dốc của giá dầu đã khiến các nền tảng kinh tế của Brunei phần nào bị lung lay. Do đó, chính phủ quyết định đa dạng hóa hơn nữa nền kinh tế, như thành lập sàn chứng khoán mới năm 2017 để thúc đẩy thị trường vốn.

5. Kuwait

GDP bình quân: 71.600 USD

Giá dầu lao dốc cũng đang là rủi ro lớn với kinh tế Kuwait vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, với kế hoạch phát triển 5 năm, gồm tăng chi tiêu vốn và cải cách tài chính, Chính phủ Kuwait vẫn đảm bảo được tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực phi dầu mỏ.

6. Na Uy

GDP bình quân: 67.619 USD

Trong 2 thập kỷ qua, mức sống của người dân Na Uy ngày một cải thiện nhờ lĩnh vực dầu mỏ. Tuy nhiên cũng như Kuwait, đà lao dốc của giá dầu trong thời gian gần đây đang đặt ra thách thức rất lớn cho quốc gia này.

7. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)

GDP bình quân: 67.201 USD

Là nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, UAE đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế, từ đó cải thiện khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

8. Hong Kong (Trung Quốc)

GDP bình quân: 57.676 USD

Hong Kong có lợi thế đặc biệt khi là cửa ngõ tiến vào nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc. Thành phố này còn có hệ thống luật pháp, quy định chặt chẽ và ngành tài chính hàng đầu thế giới.

9. Mỹ

GDP bình quân: 57.045 USD

Mỹ hiện vẫn là nền kinh tế lớn và đa dạng nhất thế giới. Nhờ hợp lý hóa chi tiêu công, siết chặt các quy định kiểm soát và tăng cạnh tranh trên thị trường, kinh tế Mỹ đã nhanh chóng hồi phục sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

10. Thụy Sĩ

GDP bình quân: 56.815 USD

Với tài chính công vững mạnh và thị trường sôi động, dù nằm ở trung tâm Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ vẫn độc lập về mặt tài chính và tiền tệ, đảm bảo mức sống cao cho người dân. Năm 2015, GDP bình quân của Thụy Sĩ ước tính đạt gần 57.000 USD dù kinh tế phải trải qua một đợt điều chỉnh mạnh sau quyết định bỏ trần tỷ giá giữa đồng franc với euro.

Kim Dung (theo BI)