Tôi nhớ mãi buổi thi "Bảy sắc cầu vồng" hôm ấy. Tôi tham dự cuộc thi với trường bạn. Câu hỏi là: "Nguyên nhân gây chết người nhiều nhất thế giới là gì?" với 4 lựa chọn, A: Bệnh AIDS, B: Bệnh lao, C: Bệnh ung thư, D: Tai nạn giao thông. Tôi nói ngay với các bạn trong đội là tai nạn giao thông. Mặc dù do dự, các bạn tôi cũng chịu đưa đáp án D khi tôi quả quyết. Và tôi đã đúng.
Nhà tôi ngày xưa nằm ngay trên đường quốc lộ 1A. Ngày ngày xe tải, xe đò, xe buýt, xe hơi, xe lôi, xe ba gác, xe gắn máy, xe đạp, trâu bò, chó mèo và cả người đi bộ qua đường đều đi trên con đường đó. Sống gần quốc lộ, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu tai nạn giao thông với đủ mọi loại phương tiện, mọi cấp độ thương vong, mọi nguyên nhân hay là chẳng có nguyên nhân nào cả.
Vụ tai nạn thảm khốc nhất mà tôi chứng kiến xảy ra rất đơn giản. Vào 12h trưa, khi mọi người đang nghỉ ngơi thì tôi lúc đó khoảng 11 tuổi trèo lên cây trứng cá xanh mát trước nhà trông ra đường, bỗng thấy hai chiếc xe gắn máy chạy ngược chiều, mỗi xe chở hai người, đường xá thì vắng nhưng không rõ vì lý do gì cả hai đều phóng bạt mạng và tông thẳng vào nhau. Bốn người bay bốn hướng và đáp xuống đất không mũ bảo hiểm. Hàng xóm đổ ra và đưa cả bốn nạn nhân vào viện. Nghe nói là cả bốn đều không qua khỏi.
(Xem thêm: Video môtô phượt phóng qua đoàn hộ tống đua xe gây rúng động )
Một buổi sáng 30 Tết năm nọ, mẹ tôi đi chợ một lát thì về với bốn trái bưởi. Cả nhà kêu sao nhiều thế, mình mua bưởi rồi mà. Mẹ tôi nói rằng ra chợ thì gặp bà bạn hàng quen với mấy trái bưởi, bà ta vừa mếu máo năn nỉ mẹ tôi mua, vừa kể rằng bà ta mới thoát chết sáng sớm hôm đó.
Chả là bạn hàng họp chợ mua sỉ từ các thương lái lúc mới 4h sáng. Một nhóm các bạn hàng đang xúm quanh một mớ hàng trái cây thì chiếc taxi lạc lái tông vào, nhiều người chết, mấy người bị thương. Anh tài xế kia đã thức suốt đêm lái xe từ Cà Mau lên Sài Gòn, nhưng tới khúc chợ gần nhà tôi thì gây tai nạn. Bà bạn hàng kia mấy phút trước còn ngồi trong đám đấy, sau thấy đắt nên bỏ đi. Đi được vài bước thì xe tông vào. Không còn hồn vía để mua bán, bà ta đành cố bán cho xong những thứ đã mua. Bốn trái bưởi là món hàng cuối cùng, bà ta bán rẻ cho mẹ tôi để về nhà cho sớm.
Tai nạn giao thông gần như là một điều đáng buồn len lỏi vào cuộc sống của những người dân quê sống ngay cạnh quốc lộ. Tính lại, mười năm trong xóm tôi có mười đám tang, chỉ có một ông lão hơn bảy mươi ra đi vì bệnh tật. còn chín người kia toàn là người tráng niên, từ hai mươi đến năm mươi, ra đi vì tai nạn giao thông. Người cuối cùng ra đi trước khi tôi rời xóm nhỏ là ba tôi.
Hôm đấy ba tôi lái xe gắn máy đi trên lề đường thì một chiếc xe hàng đi chiều ngược lại lạc lái tông vào. Toà xử rằng tài xế vi phạm luật giao thông, lái quá nhanh và vượt khỏi làn đường. Tài xế bị xử 9 tháng tù và bồi thường khoảng mười mấy triệu. Anh tài xế ấy nhà nghèo nên gia đình tôi chẳng thấy tiền bồi thường. May có chủ xe mang tới mấy triệu để lo đám tang, còn tiền viện phí của ba tôi thì bạn bè và người thân góp lại giúp cho.
Anh ấy có đến thăm nhà tôi mấy lần và xin lỗi. Mười lăm năm nay, tôi chẳng thể nhớ nổi mặt mũi anh ta thế nào. Tôi chỉ nhớ khuôn mặt nửa dập nát, nửa còn nguyên và phảng phất nét phúc hậu của ba tôi. Ngày đó ba tôi mới hơn bốn mươi, có tiếng là một thầy giáo nghiêm túc và cẩn thận.
Tai nạn giao thông là vậy đó, nó vô nghĩa và cướp đi biết bao nhiêu nụ cười.
Ngày nay luật đội mũ bảo hiểm đã được ban hành, đường sá cũng được phân làn, chỉ có người tham gia giao thông là vẫn vậy. Người người vẫn phóng nhanh, vượt ẩu, không xi nhan, vượt ngã tư đèn đỏ, vẫn chẳng đội mũ bảo hiểm, và vẫn uống rượu rồi lái xe. Và nước ta vẫn có 9.000 người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm. Vậy mà mỗi khi có một vụ tai nạn lớn, vẫn có người lôi "lý do tâm linh" ra để giải thích.
Tai nạn giao thông có nhiều lý do, nhưng lý do gì tránh được thì ta nên tránh. Tuân thủ luật lệ giao thông nghiêm túc chính là bước đầu. Quan trọng nhất là mọi người nên biết rằng tai nạn không chừa ai ra cả. Các bạn xem người khác bị tai nạn thì nên nhớ rằng điều đó cũng có thể xảy ra với mình.
Luật giao thông cũng nên nghiêm minh hơn trong việc thực hiện các chế tài. Các chế tài hiệu quả thực sự có tác dụng rất cao. Tôi nghe cánh lái xe đường dài phàn nàn về luật "bấm lỗ" mất bằng lái mà cảm thấy nực cười. Họ bảo rằng vì miếng cơm manh áo mà phải chạy nhanh vượt ẩu. Còn mạng sống của chính họ, của hành khách và của người khác thì không quan trọng bằng miếng cơm manh áo của họ. Nhưng chính vì sợ mất bằng lái mà cánh tài xế cũng bớt vi phạm đi.
Năm mới đã tới, thống kế tai nạn mấy ngày Tết lại về. Mong các bạn lái xe cẩn thận và tuân thủ luật lệ, để năm sau ta vẫn còn được cùng nhau nâng cao ý thức lái xe an toàn.
>> Xem thêm: Những tai nạn giao thông oái oăm nhất
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.