Thứ tư, 9/3/2022, 09:00 (GMT+7)

Những ngày cuối năm 2016, bà M. Takako (71 tuổi, Nhật Bản) được gia đình đưa sang Việt Nam điều trị với hy vọng "còn nước còn tát". Bị viêm cầu thận khi 14 tuổi, bà Takako từng trải qua hai lần ghép thận vào năm 1987 và 2004 tại quê nhà. Từ năm 2014, bà chạy thận trở lại. "Bác sĩ tại Nhật cho biết tôi là người cao tuổi, đã ghép thận hai lần, mạch máu xơ vữa ít nhiều, miệng nối cho quả thận ghép lại đòi hỏi kỹ thuật cao, nên việc ghép thận lần ba với tôi gần như là bất khả thi", bà Takako chia sẻ về tình trạng của mình trước khi ghép.)

Khi cánh cửa sự sống dần khép lại, bà Takako biết đến bệnh viện Vinmec. Lúc đó, dù chỉ mới hoạt động được 5 năm nhưng Vinmec đã được giới y khoa nhắc đến nhờ nhiều thành công trong điều trị, trong đó có ghép tạng. Sau nhiều đắn đo, gia đình quyết định đưa bà Takako sang Việt Nam, chọn Vinmec làm nơi điều trị.

May mắn mỉm cười với nữ bệnh nhân người Nhật Bản khi ca ghép thận thành công. Chỉ sau hai tuần, sức khỏe bà Takako đã ổn định. "Ở Nhật, người cao tuổi nhất được ghép thận là 72 tuổi. Tôi đã 71 tuổi, vừa ghép thận lần ba, gần như là người cao tuổi nhất", bà Takako chia sẻ.

Thành công của ca ghép thận này đã ghi dấu mốc mới cho bệnh viện Vinmec, đồng thời tạo cơ hội điều trị cho người bệnh trong nước và người nước ngoài có nhu cầu ghép tạng.

Mặt khác, Vinmec cũng góp phần thay đổi góc nhìn của mọi người về bệnh viện ở Việt Nam khi đem đến dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cùng trải nghiệm chăm sóc sức khỏe quốc tế.

Là một trong những sản phụ đầu tiên sinh con tại Vinmec, bà Nguyễn Phương Liên (44 tuổi, Hà Nội), cho biết đã sinh con đầu lòng ở Pháp và rất ấn tượng với chất lượng y tế ở quốc gia này. Khi trở về Việt Nam sinh bé thứ hai, bà Liên cũng mong muốn em bé của mình có trải nghiệm tương tự dịch vụ ở Pháp nên chọn Vinmec.

"Điều kiện chăm sóc ở đây không khác gì các bệnh viện châu Âu, điểm cộng nữa là các bác sĩ và điều dưỡng có sự cảm thông, gần gũi và thấu hiểu vì cùng là người Việt", bà Phương Liên đánh giá.

Sau một thập kỷ, Vinmec đã trở thành một trong những hệ thống đa khoa tư nhân lớn nhất Việt Nam với 7 bệnh viện và hai phòng khám đa khoa quốc tế tại nhiều tỉnh, thành. Trong đó, có hai bệnh viện đạt tiêu chuẩn JCI (Mỹ), là tiêu chuẩn an toàn vì mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Đi đôi với mở rộng quy mô, Vinmec cho biết còn đạt được nhiều thành tựu trong điều trị, đưa vào ứng dụng hàng loạt phương pháp điều trị tiên tiến trên thế giới. Tiêu biểu như, năm 2018, Vinmec áp dụng thành công phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống dưới hướng dẫn siêu âm (ESP) nhằm thay thế morphin giảm đau trong mổ tim hở, giúp người bệnh sớm phục hồi sức khỏe, xuất viện sớm và không bị đau sau mổ.

Sau ca ghép thận lần ba cho bệnh nhân trên 70 tuổi người Nhật Bản, Vinmec còn là một trong những bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật ghép gan cho trẻ dưới 10 kg, ghép tim bán phần (LVAD). Bệnh viện cũng ứng dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư, dùng Robot phẫu thuật điều trị các bệnh lý ung thư, tiêu hóa... với tỷ lệ thành công đến 95%.

TS.BS Phùng Nam Lâm, Phó tổng giám đốc chuyên môn Hệ thống Y tế Vinmec, lý giải, thành công này đến từ việc đầu tư tập trung ngay từ đầu vào lĩnh vực chuyên sâu, đòi hỏi kỹ thuật cao như ghép tạng, ung thư, tim mạch, tiêu hóa, chấn thương chỉnh hình...

Năm 2016, Vinmec thành lập viện nghiên cứu chuyên biệt về tế bào gốc và công nghệ gen. Sau 5 năm, viện đã công bố hơn 50 công trình nghiên cứu trên các tạp chí y khoa uy tín trên thế giới như STEM CELLS Translational Medicine hay The Journals of Gerontology. Trong đó, có những công trình thu hút sự chú ý của giới y khoa như công bố bản đồ gen người Việt Nam, phát hiện các đột biến gen của trẻ tự kỷ, phân tích di truyền các bệnh lý ung thư...

GS.TS.BS. Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec, cho biết, việc nghiên cứu y khoa gắn liền với bệnh viện là một xu thế tất yếu của thế giới. Những nghiên cứu này góp phần giải quyết các bệnh lý nghiêm trọng, đưa ra giải pháp phòng chống bệnh tật, cơ sở của y học cá thể hóa và y học chính xác.

Nhờ đó, Vinmec đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc chữa xơ phổi ở trẻ sinh non trên thế giới và ca ghép tế bào gốc điều trị di chứng thần kinh do viêm não tự miễn. Vinmec cũng đã nghiệm thu đề tài nghiên cứu về ghép tế bào gốc chữa bại não và đề tài ghép tế bào đơn nhân tủy xương cho tự kỷ, với trên 90% bệnh nhân sau ghép có cải thiện các kỹ năng sống thiết yếu.

Chia sẻ về tiến triển thần kỳ của con gái sau khi được điều trị viêm não tự miễn bằng liệu pháp tế bào gốc, chị Ma Thu Hường (Ý Yên, Nam Định) xúc động: "Các bác sĩ Vinmec đã sinh ra con tôi lần thứ hai".

Trong lĩnh vực Tim mạch, Vinmec cũng từng bước làm chủ nhiều kỹ thuật phức tạp. Tháng 12/2017, Vinmec được công nhận là Trung tâm độc lập đầu tiên tại Việt Nam về can thiệp thay van động mạch chủ qua da (TAVI).

Bà Lê Thuý Anh, Tổng giám đốc Hệ thống Y tế Vinmec, nhấn mạnh: "Sở hữu Trung tâm can thiệp tim mạch TAVI độc lập, tiên phong ứng dụng kỹ thuật y học tiên tiến; thực hiện thành công hàng loạt ca phẫu thuật phức tạp và công bố nghiên cứu y học có giá trị quốc tế trong lĩnh vực tế bào gốc, công nghệ gen... là những bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của Vinmec".

Trong hai năm đại dịch, bên cạnh hỗ trợ công tác chống dịch trong cộng đồng, Vinmec vẫn có những thành tựu mới trong lĩnh vực điều trị. Cụ thể, Vinmec làm chủ các kỹ thuật phức tạp về phẫu thuật nội soi điều trị bệnh ung thư ống tiêu hóa, tán sỏi đường mật qua da bằng laser, thay xương khớp cá thể hóa bằng công nghệ in 3D, hoàn thiện mô hình điều trị đa mô thức cho các bệnh lý ung thư... Theo đại diện Vinmec, đơn vị còn cập nhật các kỹ thuật công nghệ mới để đón đầu xu thế điều trị "cá thể hóa", y học chính xác và ít xâm lấn, nhằm nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Năm 2018, Vinmec ghi dấu mốc khi chuyển mình phát triển theo định hướng trở thành hệ thống y tế hàn lâm đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh thành lập các viện nghiên cứu công nghệ chữa trị mới, Vinmec còn hợp tác với các đại học, viện nghiên cứu lớn trong và ngoài nước, nhằm kết nối tài năng, thúc đẩy nghiên cứu đột phá, đưa y học Việt Nam tiệm cận nền y học quốc tế.

Trong nước, Vinmec bắt tay với Trường Đại học VinUni xây dựng mô hình đào tạo nhân lực y khoa chuẩn quốc tế dưới sự tư vấn của các giáo sư, bác sĩ và đội ngũ giảng viên Đại học Pennsylvania (Mỹ). Theo đó, Vinmec trở thành bệnh viện thực hành cho đào tạo y khoa tại Việt Nam được công nhận đạt chuẩn chất lượng quốc tế JCI.

Vị thế quốc tế của Vinmec cũng được bảo chứng qua quan hệ hợp tác với Bệnh viện Johns Hopkin, Hệ thống y tế UCLA (Mỹ), Trung tâm Y tế và Khoa học sức khỏe Monash (Australia), Bệnh viện Ottawa, Trung tâm Khoa học sức khỏe Hamilton (Canada)... Vinmec còn hợp tác với Đại học Pensylvania (Mỹ), Đại học Paris DesCartes và Reenes (Pháp), ICON (Australia và Singapore) để xây dựng các Trung tâm về ung thư, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, hoạt động theo tiêu chuẩn y khoa toàn cầu tại Việt Nam.

Theo bà Lê Thúy Anh, cốt lõi của y tế không chỉ là điều trị, mà còn là nhân lực chuyên môn cao và thành tựu nghiên cứu đột phá, được ứng dụng để nâng cao chất lượng sống. Do đó, Vinmec lựa chọn mô hình phát triển của những hệ thống y tế hàng đầu thế giới, với ba trụ cột nghiên cứu - điều trị lâm sàng - đào tạo để tương hỗ, tạo ra giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện, bền vững.

"Với mô hình này, chúng tôi kỳ vọng người Việt sẽ làm chủ những công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, chủ động trong ứng dụng lâm sàng và tự chủ nguồn nhân lực chuyên môn cao trong y tế", bà Lê Thúy Anh nói. Cũng theo bà Lê Thúy Anh, Vinmec luôn nỗ lực để liên tục phát triển. Đồng thời, thành tựu của 10 năm đầu tiên sẽ là nền móng, đòn bẩy để Vinmec hướng đến xây dựng hệ thống y tế hàn lâm trong giai đoạn tiếp theo.

Nội dung: Hà Thanh - Thiết kế: Duck Tran