Ông ăn uống kém, thể trạng suy dinh dưỡng, cân nặng chỉ 43 kg, khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tháng trước do vận động rất khó khăn, di chuyển được vài bước đã khó chịu, đau ngực, thở dốc, nhiều đêm khó thở đến mất ngủ, phải nằm đầu cao, đôi lúc phải ngồi để thở. Năm 2017, trải qua ca mổ ruột thừa, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy tim rất nặng, mức độ 3, cần mổ gấp nhưng ông vẫn không đổi ý. Gần đây, tình trạng bất ổn tăng dần, cách vài ngày phải nhập viện một lần nên ông mới chịu nhập viện mổ.
Bác sĩ Lương Công Hiếu (Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực) cho biết đây là một trường hợp suy tim cấp nặng trên nền suy tim lâu năm, có bệnh van tim. Các bác sĩ hội chẩn, nhận định tình trạng suy tim của người bệnh ở giai đoạn cuối, đã ảnh hưởng đến chức năng gan dẫn đến xơ gan cũng như phụ thuộc vận mạch, không thể xuất viện.
May mắn, đánh giá tổn thương van tim cho thấy vẫn còn cơ hội mổ điều trị các tổn thương này, giúp chức năng tim không xấu thêm, bệnh nhân có thể hồi phục nên bác sĩ quyết định lên kế hoạch phẫu thuật. Bệnh nhân phải trải qua một tuần điều trị nội khoa giúp ổn định tình trạng suy tim cấp cũng như cải thiện chức năng gan. Tiếp đó, trong ca mổ kéo dài khoảng 6 giờ, bác sĩ đã thay van hai lá, sửa van ba lá, đặt bóng dội ngược động mạch chủ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Mai (Phó giám đốc chuyên môn bệnh viện) cho biết tiên lượng quá trình hồi sức sau mổ sẽ nặng nề với các diễn tiến suy tim, suy thận, suy gan, viêm phổi, suy hô hấp... nên bệnh viện đã chuẩn bị kỹ các phương án ngay từ đầu. Trải qua 14 ngày điều trị nhiều cam go, thử thách trong khu hồi sức, huyết động bệnh nhân dần ổn định, chức năng tim được cải thiện, các cơ quan khác như gan, phổi, thận dần tốt hơn. Bệnh nhân được chuyển lên khu điều trị thường, tăng cường dinh dưỡng, vận động kết hợp vật lý trị liệu trong một tuần và vừa hồi phục xuất viện.
Theo bác sĩ Hiếu, van tim là hệ thống cấu trúc đảm bảo cho máu được lưu chuyển giữa các buồng tim theo một chu trình ổn định. Bệnh van tim xảy ra khi một hoặc nhiều van tim không thực hiện tốt chức năng đóng mở cho máu lưu thông theo một chiều. Có hai dạng thường gặp trong bệnh van tim là hẹp và hở van tim, có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như bẩm sinh, thoái hóa, bệnh cơ tim, nhồi máu cơ tim, bệnh thấp tim...
Đối với các bệnh van tim, việc phẫu thuật sửa van từ giai đoạn sớm sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh, thời gian nằm viện ngắn, hình thái và chức năng tim được bảo tồn. Ở giai đoạn muộn, người bệnh có các triệu chứng ngày càng nặng hơn, nhập viện nhiều lần với mật độ ngày càng tăng, chức năng các cơ quan bị ảnh hưởng xấu kéo dài, làm giảm chất lượng cuộc sống. Phẫu thuật ở giai đoạn muộn có nguy cơ và tỷ lệ biến chứng cao, chưa kể thời gian nằm viện kéo dài, tạo gánh nặng chi phí. Trường hợp xấu nhất, việc trì hoãn phẫu thuật dễ dẫn đến tình trạng suy tim giai đoạn cuối và thậm chí là tử vong.
"Trường hợp này nếu không phẫu thuật sẽ tử vong. Bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối thường tiên lượng tử vong khoảng 50% trong một năm", bác sĩ Hiếu phân tích. Tuy nhiên, suy tim giai đoạn 4 không có nghĩa là bệnh nhân không có cơ hội để hồi phục. Có những nguyên nhân có thể làm cho tình trạng suy tim nặng hơn như bệnh lý van tim, bệnh mạch vành, thuyên tắc phổi... Nếu nguyên nhân được giải quyết thì tình trạng suy tim của bệnh nhân sẽ được cải thiện, từ giai đoạn 4 có thể thành giai đoạn 2-3.
Bác sĩ khuyến cáo khi bệnh nhân có triệu chứng thì tim đã bị ảnh hưởng về chức năng và hình thái. Do đó, nên khám sức khỏe tim mạch định kỳ nhằm giúp phát hiện sớm các bệnh lý cũng như tuân thủ các tư vấn, theo dõi, điều trị của bác sĩ từ giai đoạn sớm của bệnh.
Một số dấu hiệu thường gặp của bệnh tim mạch là khó thở khi làm việc nặng hoặc gắng sức, khó thở kéo dài thường xuyên khiến người bệnh phải nằm đầu thấp hoặc phải ngồi dậy. Người bệnh thường xuất hiện cơn khó thở về đêm, hay bị hồi hộp, trống ngực gây rối loạn nhịp tim, nặng hơn có thể dẫn đến rung nhĩ, rung cuồng nhĩ...