Chanchu là cơn bão đầu tiên vào biển Đông trong năm 2006, có cường độ mạnh, sức tàn phá chỉ sau Linda - xảy ra tháng 11/1997 phá hủy một phầnbờ biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khiến khoảng 3.000 người chết và mất tích.
Diễn biến đột ngột
Đổ bộ Philippines trưa 13/5, bão Chanchu vượt qua quần đảo này vào biển Đông. Hai ngày sau, bão theo hướng Tây và Tây Tây Bắc với sức gió tăng từ cấp 10 lên 12, giật trên cấp 12. Đến 10h ngày 15/5, bão chuyển hướng Bắc và sau đó là Bắc Đông Bắc. 1h ngày 18/5, bão đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Xác định cơn bão mạnh có hoàn lưu rộng, khi bão vào biển Đông, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương đã tổ chức theo dõi, đưa ra các bản tin dự báo với thời hạn 24 giờ theo quy định. Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương và Ủy ban quốc gia tìm kiếm, cứu nạn chuẩn bị ứng phó như thường thấy, trong tâm thế bão hướng vào đất liền Việt Nam.
Hơn 29.000 phương tiện trên biển, trong đó khoảng 1.000 tàu đánh bắt xa bờ được kêu gọi về nơi trú ẩn. Nhiều tàu thuyền đã chạy vào neo đậu trong lòng chảo đảo Đông Sa để tránh cơn bão có thể di chuyển vào bờ.
Nhưng bão không đổ bộ đất liền mà quét trúng vùng trú ẩn của ngư dân đánh bắt xa bờ ở Bắc biển Đông. Số người chết và mất tích được thông báo tăng dần sau mỗi ngày, mỗi giờ trong sự bàng hoàng của gia đình các ngư dân.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, 266 người chết và mất tích ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, chỉ 20 thi thể được vớt, số còn lại mãi mãi nằm dưới lòng biển.
Quảng Nam có nhiều ngư dân thiệt mạng nhất với gần 160 người, trong đó nặng nề nhất là xã Bình Minh, huyện Thăng Bình với 86 người. 20 gia đình có 2-3 người bị nạn. Những người chết và mất tích đều là lao động chính trong những gia đình nghèo.
Có hay không sai sót khi dự báo
Khi tâm bão ở Philippines, Đài Khí tượng Hong Kong đã dự báo đường đi của Chanchu không đổ bộ vào Việt Nam. Trong khi đó, dù dự báo muộn hơn, sáng 14/5 Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương lại cho rằng bão theo hướng Tây Tây Bắc và hướng vào Việt Nam.
Những ngày tiếp theo, Đài khí tượng Hong Kong và các đài khu vực xác định đường đi của bão là thẳng lên phía Bắc, vào vùng biển giữa đảo Hải Nam và Đài Loan, thì 3h30 ngày 15/5 Việt Nam dự báo: "Tâm bão cách bờ biển Quảng Ngãi - Phú Yên 690 km về phía Đông, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc". Sáu tiếng sau, bản tin Trung tâm mới thông báo bão "đột ngột chuyển hướng".
Bão tan, ông Lê Công Thành, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nói "Chúng tôi đã dự báo tương đối chính xác" và cho rằng không nên dựa vào bản đồ dự báo của Đài Hong Kong và so sánh với bản đồ dự báo của Việt Nam, rồi đi đến kết luận sai.
Theo ông Thành, dự báo của đài Việt Nam chỉ trước 24 giờ, bản tin nào cũng nói rõ bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc. 9h30 ngày 15/5, Trung tâm dự báo trong 12 giờ tới bão di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc, nhiều khả năng di chuyển phía Bắc. "Bão di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc nghĩa là đi lên hướng Bắc", ông lý giải.
"Tôi hoàn toàn thanh thản với linh hồn những ngư dân đã thiệt mạng. Nếu chúng tôi sai và thiếu sót thì hơn ai hết chúng tôi là người đau xót đầu tiên", ông Thành nói.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương và gia đình mất người thân không đồng tình với cơ quan khí tượng. Bởi theo họ, nếu nhận được dự báo kịp thời, chính xác hơn, hàng trăm ngư dân đã không vào đảo Đông Sa tránh bão, hoặc đã kịp di chuyển khỏi rốn bão đó.
Kỳ họp Quốc hội giữa năm 2006, nhiều đại biểu đã đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia điều tra về bão Chanchu. "Ủy ban sẽ điều tra toàn bộ quy trình phòng chống bão, tìm ra nguyên nhân dẫn đến thảm họa. Từ bài học xương máu này mới có cơ sở xác đáng để chuẩn bị cho ngư dân ra khơi an toàn", bà Nguyễn Thị Vân Lan, đại biểu của Đà Nẵng, nơi có hơn 80 người thiệt mạng trong bão nói.
Những lỗ hổng bị phơi bày
Sau Chanchu, các ngành chức năng đã ngồi lại xem xét toàn diện từ công tác dự báo, quản lý tàu thuyền ra khơi đến cứu hộ, cứu nạn. Tại buổi làm việc với Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam trung tuần tháng 5/2006, ông Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, thừa nhận: "Từ trước đến nay, công tác phòng chống bão chỉ tập trung trong bờ. Còn ngoài khơi xa thì lực lượng phòng chống không với tới được".
Ông Ngọ thừa nhận công nghệ lúc đó chỉ có thể dự báo tương đối chính xác sớm nhất là 24 giờ. Với Chanchu - cơn bão rất mạnh và đổi hướng thì dự báo thời hạn 24 giờ chưa đáp ứng được việc phòng tránh của tàu thuyền đánh bắt xa bờ, chưa tạo điều kiện để ngư dân điều chỉnh việc trú ẩn và phòng tránh có hiệu quả. Việc dự báo chỉ quan tâm đến vùng biển gần bờ - nơi có nhiều tàu thuyền đánh cá.
Bão Chanchu cũng cho thấy việc quản lý tàu thuyền ra khơi rất lỏng lẻo. Bộ Thủy sản có Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là cơ quan phụ trách về đăng kiểm, quản lý nguồn lợi, tàu thuyền. Trong cơn bão, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương cùng Bộ đội Biên phòng phải có trách nhiệm thông báo cho tàu thuyền về hướng đi của bão và chỉ dẫn cụ thể hướng tránh bão.
Tuy nhiên, chính ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó ban chỉ huy phòng chống bão lụt - tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng và ông Lê Tiến Hưng, Phó tham mưu trưởng bộ đội biên phòng Đà Nẵng khi ấy trả lời báo chí đã khẳng định, không biết có tàu cá của dân ở vùng bão. Vì sự lỏng lẻo này nên một tuần sau khi bão đi qua, cơ quan chức năng không có con số chính xác thiệt hại về người và tàu.
Dự báo bão kém, quản lý tàu thuyền cũng kém, số phận của ngư dân chỉ trông chờ vào may rủi và khả năng cứu hộ. Trong bão Chanchu, phải mất 3-4 ngày tàu cứu hộ của Việt Nam mới đến được vị trí tàu bị nạn. 3 tàu hải quân của Việt Nam không tìm kiếm được một nạn nhân nào mà ngư dân phải tự cứu nhau hoặc do phía Trung Quốc tìm rồi bàn giao.
Thảm họa Chanchu đã buộc các ngành chức năng phải chấn chỉnh. Ngành khí tượng đã đưa cảnh báo bão thời hạn 48 giờ vào bản tin và tăng số lần phát tin dự báo với bão đang di chuyển. Bộ Thủy sản (sau này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã rà soát công tác đánh bắt xa bờ, chú trọng khâu tổ chức và quản lý tàu thuyền hoạt động trên biển; người đi biển phải được trang bị các phương tiện bảo hiểm, máy móc thông tin.
Các tàu cứu hộ cũng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo ứng cứu nhanh nhất tàu cá xa bờ gặp nạn.
Một mùa mưa bão nữa cận kề, người dân và nhất là ngư dân từng trải qua thảm họa luôn mong Chanchu sẽ không bao giờ lặp lại.
Phạm Hương