
Bức ảnh chụp khung cảnh tan hoang sáng 27/12/2004, sau khi cơn sóng khổng lồ tràn vào thành phố 4 triệu người trên đảo Sumatra. Ảnh: AP.
Sau khi thảm họa qua đi, thành phố Banda Aceh, thuộc đảo Sumatra, Indonesia, biến thành núi rác dài tận 6 km. Đặt chân tới vùng đất đang hồi sinh sau thảm họa cướp đi sinh mạng của hơn 228.000 người cách đây 10 năm hôm nay, thật dễ để nhận ra khung cảnh hoang tàn đã biến mất. Một vài dấu tích của trận sóng thần năm nào vẫn còn đó, số khác bị đốt bỏ, còn lại thì đã bị cuốn đi.
Thành phố Banda Aceh đang gần như phục hồi hoàn toàn. Những núi rác đã được làm sạch khiến ai đó giờ đây khó có thể hình dung được cảnh tượng dòng sông bị nghẹt ứ vì rác, đường sá bị đống đổ nát chắn ngang, còn hàng cây bật gốc nằm ngổn ngang lúc sóng thần vừa đi qua.
Dọc bờ biển bây giờ là những ngôi nhà mới xinh đẹp mọc lên. Người dân trên đảo cũng trồng nhiều cây đước xanh tốt để chống đỡ với sóng thần có thể xảy đến trong tương lai. Các ngư dân trong làng đã trở lại đi biển, còn người nông dân lại cần mẫn cấy hái trên đồng ruộng.

Binh lính Indonesia tìm thấy thi thể nạn nhân sóng thần ở ngôi làng Simpang Lima, ngoại ô thành phố Banda Aceh, trên đảo Sumatra, hôm 1/1/2005. Ảnh: AP.
Theo AP, dù thảm họa đã lùi vào dĩ vãng một thập kỷ nhưng giới chức ở đây vẫn quan tâm tới nguy cơ về môi trường và sức khỏe do những đống đổ nát bị ô nhiễm dầu, amiăng, hoặc rác thải y tế dưới đáy biển ngoài khơi hay 32 bãi rác không được kiểm soát ở khắp thành phố, gây nên.
"Việc xử lý rác thiếu an toàn sẽ gây ra mối nguy hại cho môi trường về lâu dài", AP dẫn lời Kuntoro Mangkusubroto, người đứng đầu cơ quan Phục hồi và Tái thiết tỉnh Aceh và đảo Nias, nói.
Banda Aceh là thành phố hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của thảm họa sóng thần xảy ra hôm 26/12/2004, phá hủy hàng trăm cộng đồng dân cư ở hơn mười quốc gia quanh khu vực Ấn Độ Dương. Sóng thần đi qua bỏ lại ước tính 10 triệu mét khối phế liệu ở Banda Aceh. Nếu chôn tất cả xuống cánh đồng rộng 1 ha thì số rác ấy sẽ chất thành một tòa tháp rác cao 1.000 m.
Sau cơn giận dữ của tự nhiên, dọn dẹp sạch thành phố đổ vỡ là một nhiệm vụ khó khăn và nặng nề. Trong vòng nhiều tuần sau thảm họa, những con đường được rải đá, còn các nhân viên cứu hộ cố gắng tìm kiếm thi thể nạn nhân bị vùi dưới đống gạch đá và dưới hồ, Abdul Mutalib Ahmad, làm việc tại bãi rác của thành phố, kể. Ahmad đã tận mắt chứng kiến sóng thần ập đến từ nóc một tòa nhà ba tầng.
"Rác có ở khắp mọi nơi. Chúng tôi nghĩ mình sẽ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe cộng đồng trước lượng rác khổng lồ", Ahmad nói.

Trẻ em ở tỉnh Aceh chơi đùa gần con thuyền bị sóng thần năm 2004 đánh lên nóc nhà. Ảnh: AP.
Lúc đầu, nhiều người sống sót đốt những mảnh gỗ và các loại rác khác. Tuy nhiên, giới chức thành phố không khuyến khích họ làm vậy vì việc đó có thể gây ô nhiễm không khí và dẫn tới nhiều vấn đề về đường hô hấp cho người dân. Một vài loại rác bị ô nhiễm dầu hoặc chất hóa học, khiến chúng trở nên dễ bắt lửa và độc hại.
Ahmad cho hay khi những con đường chính đã thông thoáng, xe tải hàng ngày chở hàng tấn rác tới bãi tập kết. Việc này diễn ra liên tục suốt một năm trời. Rác độc hại được chôn ở một khu riêng bên trong khu tập kết rác của thành phố, theo Tomi Soetjipto, người phát ngôn của chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Indonesia. Gần 50 tấn thuốc hết hạn, vài loại trong số này được ủng hộ sau thảm họa sóng thần, nằm trong một nhà kho để chờ được xử lý an toàn.
Ba tháng sau thảm họa, UNDP khởi động chương trình tái chế trị giá 40,5 triệu USD. 400.000 công nhân thời vụ được thuê để bới những mảnh gỗ, viên gạch lẫn dưới đống đổ nát để làm đường, xây nhà, cũng như chế tạo đồ nội thất. Rác tái chế được dùng để xây dựng lại 100 km đường và làm 12.000 đồ nội thất bằng gỗ.
Dự án quản lý rác thải của UNDP đã làm sạch khoảng 1 triệu mét khối rác của thành phố. Lượng rác này đủ lấp đầy 400 bể bơi Olympic. Khoảng 67 triệu kg nguyên liệu có thể tái chế khác như nhựa, kính và bìa cứng được chuyển từ các bãi tập kết rác và đem bán ở những khu chợ địa phương.
Giới chức Indonesia cho biết việc dọn dẹp đống đổ nát của thảm họa sóng thần chỉ có thể thực hiện được khi có sự giúp sức của cộng đồng quốc tế.
"Cuối cùng, núi rác sóng thần đã được dọn sạch. Thế giới đã không bỏ rơi chúng tôi một mình đối mặt với công việc khổng lồ ấy", Mangkusubroto chia sẻ.
Bình Minh (theo AP)