Mấy hôm nay trời rét đậm, chị Nguyễn Thị Huyên (thôn Minh Thịnh, xã Minh Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn tranh thủ đi be bờ, tát nước chuẩn bị cấy. Gột sạch bùn ở chân tay, chị đảo qua căn nhà hai gian. Trong chiếc lồng sắt cao hơn 2 m, anh Trình Văn Lởi, chồng chị Huyên, đang nằm ngủ.
"Lúc ngủ anh ấy hiền lắm, nhưng thoát ra khỏi lồng sắt là đuổi đánh vợ con khiến ai cũng khiếp sợ. Cực chẳng đã mới phải cho anh ấy vào lồng sắt khóa lại", chị Huyên xoa đôi bàn tay như để lấy lại hơi ấm.

Chị Huyên vẫn còn sợ khi nhớ lại những lần chồng lên cơn tâm thần đuổi đánh vợ. Ảnh: Hoàng Phương.
Anh Trình Văn Lung, anh trai anh Lởi, cho biết trong nhà không ai bị tâm thần, cũng không ai biết vì sao anh Lởi mắc bệnh. Năm 1991, anh Lởi xuất ngũ về quê. Quê nghèo, anh quay trở lại miền Nam làm ăn rồi yêu một cô gái nhưng hai người không đến được với nhau. Anh Lởi về quê và có biểu hiện không bình thường, hay nói nhảm. Gia đình cưới vợ cho anh với ý nghĩ giúp anh nguôi ngoai mối tình cũ.
Chị Huyên là người xã Hưng Lộc kế bên, tròn 20 tuổi, cảm mến anh bộ đội phục viên hiền lành ít nói nên gật đầu làm vợ anh. Giáp ngày cưới, chị Huyên giật mình khi nghe anh bảo: "Em đi đâu chơi thì đừng uống thuốc kẻo bị người ta đầu độc". Nghi anh bị tâm thần, nhưng thiệp hồng đã phát nên chị đành nhắm mắt đưa chân. Chị đâu ngờ, câu nói ấy bắt đầu cho quãng đời đau khổ gần 20 năm làm vợ sau này.
Cưới nhau được ít ngày, anh Lởi vơ hết chăn chiếu, gối cưới mang đi đốt. Người thím dâu giữ lại cho chị chiếc chăn để đắp. Người vợ cùng với họ hàng phải trói tay chân anh lại và đưa đi viện khám. Bác sĩ kết luận anh bị tâm thần hoang tưởng.
Hai đứa con lần lượt ra đời, bệnh tình của anh Lởi ngày càng trầm trọng. Trong đầu anh luôn có suy nghĩ bị người khác đầu độc. Đến bữa ăn, anh xông vào đổ cơm canh không cho vợ con ăn uống. Hàng xóm quá quen với cảnh mấy mẹ con, bà cháu dắt díu nhau bê nồi cơm, xách theo bát đũa sang ngồi nhà hàng xóm ăn nhờ. Vừa ăn, chị vừa thấp thỏm ngóng ra cửa, sợ chồng tìm được lại bị đánh.

Người đàn ông tâm thần sống trong lồng sắt suốt 10 năm qua. Ảnh: Hoàng Phương.
"Nhiều đêm chồng ngủ say, tôi hoảng hồn khi thấy ở đầu giường có con dao nhọn, khi thì cây gậy dài. Anh ấy luôn suy nghĩ có ai đó chuẩn bị giết mình nên phải phòng thân. Tôi hoang mang nghĩ đến ngày anh ấy lên cơn tâm thần, đánh chết vợ con hoặc không chết mà thành ngớ ngẩn cả nhà", chị Huyên ôm mặt bật khóc.
Để tránh cho vợ con anh bị đòn oan từ người chồng điên, họ hàng bàn nhau rèn chiếc xích nặng và khóa hai chân anh vào cột nhà. Chị Huyên làm một chiếc lồng sắt nhỏ để cho anh vào đó. Ở trong lồng nhỏ, anh Lởi đi đứng lom khom, chân tay teo tóp dần. Chị Huyên lại thuê người đóng lồng sắt cao hơn 2 m đủ cho anh đứng thẳng và đi lại trong đó. Chị đặt lồng ngay cạnh giường nằm. Hàng ngày, mấy mẹ con thay nhau cơm nước, vệ sinh cho anh.
Bà Nguyễn Thị Nhợi, mẹ anh Lởi, đã 82 tuổi, vẫn ngày ngày cùng con dâu chăm sóc con trai tâm thần. Nhiều hôm đưa cơm vào lồng, bà bị anh Lởi kéo tay rồi đánh. Bị đánh đau nhưng người mẹ chỉ biết khóc thầm thương con. Bà bảo: "Thương thằng Lởi một thì thương cái Huyên gấp mười". Vì thế, bà không về ở với những người con khác mà ở lại chăm con trai.
Năm 2010, chị Huyên vay mượn và nhờ anh em, làng xóm giúp đỡ, xây thêm căn nhà hai gian và đưa chiếc lồng sắt xuống đó. Ở trên nhà, chị lấy chỗ cho các con ngồi học bài, tránh sự gầm ghè của người cha. "Có người vợ nào không đau xót khi nhìn thấy chồng ở trong lồng sắt. Nhưng mỗi lần anh ấy thoát được ra ngoài là tim tôi như muốn bay ra khỏi lồng ngực", chị Huyên kể.

Căn nhà hai gian, nơi có chiếc lồng sắt anh Lởi ở. Ảnh: Hoàng Phương.
Có lần, anh Lởi bẻ được các thanh sắt và thoát ra ngoài. Anh đi tìm con trai đầu rồi đè cổ cháu ra, bắt uống những viên thuốc mà anh gọi là thuốc giải độc. Thấy vợ xông vào can, anh tức giận đuổi đánh khiến chị phải chạy sang cầu cứu hàng xóm. Sau lần đó, chị phải nhờ người rào hai lượt thép bao quanh chiếc lồng.
Đôi khi tỉnh táo, anh ngẩn ngơ hỏi vợ "Cô là ai mà bưng cơm cho tôi?" khiến chị đau lòng. Những ngày điều trị ở viện tâm thần, anh không để người khác cho ăn uống mà nhất quyết phải là vợ cho ăn thì mới chịu. Nhìn thấy vợ đến thăm, anh cầu xin: "Em đừng về, em về là họ bỏ thuốc độc cho anh chết đấy" rồi bật khóc như một đứa trẻ khiến chị khóc theo. Vậy là chị lại đưa chồng về nhà. Chị Huyên cho hay, anh sống được ngày nào thì để ở nhà cho vợ con chăm ngày đó.
Anh Lởi nhận trợ cấp người tàn tật với mức 280.000 đồng mỗi tháng. Chị Huyên nhớ rõ, chị cùng người anh chồng phải đẩy chiếc lồng sắt xuống ủy ban xã để họ chứng thực anh Lởi bị tâm thần. Dọc đường, ai cũng nhìn chiếc lồng khiến chị vừa đi vừa gạt nước mắt.
Nhiều đêm nằm khóc ướt gối, chị Huyên thương phận mình hẩm hiu nhưng không dám kêu ai. Căn bệnh dạ dày, viêm phổi cùng những năm tháng chăm chồng tâm thần vắt kiệt sức lực của người phụ nữ xuân sắc một thời. Có lúc nghĩ quẩn, chị muốn bỏ đi xa nhưng không đành vì thương hai con còn bé dại.
Không có nghề phụ, chị Huyên chăm hơn 2 sào ruộng và vay mượn cho các con đi học. Với người mẹ quen lam lũ, hai anh em Trình Văn Thành (16 tuổi) và Trình Thị Xuân (13 tuổi) là niềm an ủi lớn nhất. Cả hai đều học giỏi, nhưng mặc cảm cha tâm thần nên rất ít nói và ngại giao tiếp với người ngoài. Có lần, thầy cô giáo hỏi bố làm gì mà không đi họp phụ huynh, cô bé Xuân không trả lời chỉ khóc nức nở. Chị Huyên biết, chỉ động viên con gái: "Con cứ bảo bố bị bệnh nặng không làm được việc. Bố không trộm cắp, không làm điều phạm pháp thì con đừng ngại với ai hết".
Cách đây ít ngày, có kẻ biết hoàn cảnh gia đình chị, giả làm nhân viên hội chữ thập đỏ muốn ủng hộ chị 85 triệu đồng. Chúng gọi điện yêu cầu chị chuyển trước 10 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng để lo chi phí chuyển tiền từ thiện. May có người thân phát hiện, chị Huyên mới không bị mắc lừa. "Mấy hôm nay, tôi buồn lo không ngủ được. Số kiếp mình nghèo mà nhiều kẻ còn đang tâm lừa đảo", chị Huyên cay đắng nói.
Ông Vũ Thanh Thứu, Trưởng thôn Minh Thịnh, cho biết gia đình chị Huyên thuộc diện nghèo nhất thôn. Ngoài sổ hộ nghèo và tiền trợ cấp người tàn tật, chị không được hỗ trợ thêm khoản gì. "Trước đây, anh Lởi bị tâm thần nhẹ đi lang thang, ai cho gì ăn nấy. Từ khi bệnh nặng, gia đình phải đóng lồng sắt cho ở. Chính quyền thôn biết việc này nhưng không can thiệp vì nếu để ở ngoài anh ấy sẽ tìm cách đánh đập vợ con", ông Thứu xác nhận.
Hoàng Phương