Dự đoán năm 2030, Trung Quốc sẽ có số trẻ béo phì cao nhất thế giới là 62 triệu, so với 39 triệu trẻ hiện nay. Mỹ ở vị trí tiếp theo với 17 triệu trẻ béo phì năm 2030 trong khi hiện tại đã có 14 triệu. Ấn Độ sẽ sớm vượt qua Mỹ, tăng mạnh từ 11 triệu lên 27 triệu trẻ béo phì vào năm 2030 nếu không đưa ra các biện pháp giải quyết.
Hiện tại, trẻ em ở các quần đảo Thái Bình Dương có tỷ lệ béo phì cao nhất. Năm 2017, đảo Cook có đến 40,7% trẻ em từ 5 đến 9 bị béo phì, so với 40,6% ở Nauru và 40% ở Palau. Các quần đảo này có nguy cơ béo phì cao nhất trong thập kỷ tới.
Các nước châu Phi như Burkina Faso, Ethiopia và Niger có tỷ lệ trẻ béo phì thấp nhất.
Tiến sĩ Tim Lobstein, Giám đốc Chính sách tại WOF và một trong những tác giả của nghiên cứu, bày tỏ kinh ngạc trước sự gia tăng bất thường về số lượng trẻ em béo phì được dự đoán. Theo ông, béo phì ở trẻ em có liên quan đến béo phì tuổi trưởng thành, điều này sẽ tạo ra gánh nặng lớn lên hệ thống y tế, bởi nhiều bệnh mạn tính liên quan béo phì như bệnh tiểu đường, huyết áp, ung thư, tim, gan...
Tiến sĩ cũng cho biết tỷ lệ béo phì đang ổn định ở mức cao tại châu Âu và Bắc Mỹ. Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Mỹ Latinh cũng đang tăng nhanh số trẻ béo phì, do hệ quả của việc thay đổi lối sống cùng sự phổ biến đồ ăn vặt. "Con người ngày càng có xu hướng ít vận động hơn và ăn nhiều đường, dầu, tinh bột và chất béo", tiến sĩ Tim Lobstein giải thích.
Tại kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) năm 2013 của WHO, các nước thống nhất đặt mục tiêu số trẻ em béo phì không tăng thêm trong giai đoạn từ 2010 đến 2025. Tuy nhiên, theo báo cáo trên, cứ 10 nước tham gia thì chỉ có một nước đạt mục tiêu cao hơn 50%. Cơ hội để 80% trong tổng 191 nước được thống kê trong báo cáo, đạt mục tiêu ít hơn 10%.
Ông cũng nhấn mạnh chính phủ các nước cần có những biện pháp can thiệp sâu hơn để ngăn chặn sự tăng nhanh của bệnh béo phì, như hạn chế các chiến dịch quảng cáo tiếp thị đồ ăn đến trẻ và thúc đẩy trẻ hoạt động thể chất.
Phương Dung (Theo Telegraph)