Trả lời câu hỏi thăm dò ý kiến của VnExpress.net: "Bạn làm thế nào khi bị phạt lỗi vi phạm giao thông", 3.139 độc giả (chiếm 80.5%) cho biết sẽ đút lót tiền cho cảnh sát giao thông (CSGT) để được tha".
Thăm dò ý kiến được thực hiện từ 9h ngày 19/1/2013 đến 9h ngày 21/1/2013
Dù kết quả này chỉ nằm trong khuôn khổ của một cuộc thăm dò nhỏ, chưa đại diện cho ý kiến toàn dân, nhưng nó cũng phản ánh một thực trạng đáng buồn: Nhiều người dân thích đút lót CSGT.
Tại vì sao?
Độc giả CGB góp ý: "Ai chẳng biết hối lộ CSGT là sai. Nhưng bất đắc dĩ phải làm như vậy thôi vì thủ tục đi nộp phạt qua phức tạp. Có khi mất cả ngày.
Quy trình nộp phạt thông thường như sau:
1. Đến trụ sở CSGT để nộp biên bản và đợi khá lâu để lấy giấy phạt.
2. Sau khi có giấy phạt, chạy đến kho bạc (thường nằm cách đó khoảng 5km - 10km) để nộp phạt.
3. Lấy biên lai từ kho bạc quay trở lại trụ sở CSGT nộp biên lai và tiếp tục đợi để lấy bằng lái.
Nếu đi thiệt sớm thì mất 1 buổi còn lỡ đi trễ thì phải đợi sang buổi chiều. Thiết nghĩ thủ tục như vậy thì cho dù tiền hối lộ nhiều hơn tiền phạt thì người ta cũng chấp nhận hối lộ. Nếu thủ tục đơn giản thì chẳng ai dại gì mà hối lộ".
Đồng tình với CGB, hầu hết các ý kiến đều cho rằng thủ tục đóng phạt hiện nay quá rườm rà và phức tạp. Đó là nguyên nhân cơ bản khiến người vi phạm thay vì đi nộp phạt thì "đưa các anh tiền nóng luôn cho nhanh".
Đóng phạt tại chỗ là cơ hội để CSGT tham nhũng. Nhưng bù lại, người vi phạm không phải mất thời gian đi tới đi lui, và tiền đóng tại chỗ có thể ít hơn tiền đóng phạt tại trụ sở. Bạn son.nguyen cho biết: "Đó không phải là hối lộ mà là chia sẻ lợi ích với nhau".
Nhưng từ góc nhìn khác, một số độc giả cho rằng người tham gia giao thông phải nhìn nhận lại ý thức quá kém của mình, bởi "bạn không phạm lỗi gì thì ai dám ghi biên bản phạt bạn. Dân mình đa số loàng xoàng, hờ hững với luật lệ nên mới bị phạt thôi. Chẳng hạn chạy trong hẻm, chạy gần nhà thì không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều. Qua đường không ra tín hiệu trước, không bật đèn xi nhan, vượt thì lấn tuyến, hoặc chạy trên vỉa hè để... 'tránh ùn tắc'. Đó là những lỗi mà đa số người nghĩ mình không mắc lỗi (Shiying_fei).
Độc giả Tuấn cho biết: "Ở Hà Nội bây giờ, luôn có ít nhất 5-10% số người vượt đèn đỏ ở những ngã tư không có công an. Nhưng đến khi bị phạt thì lại... đổ tại do cơ chế, rồi đút tiền. Tóm lại là do ý thức hết, chẳng bao giờ khá được. Tôi đi xe 10 năm nay chả phải đóng phạt lần nào, đơn giản vì tôi đi rất đúng luật.
Nhiều người Việt Nam ta luôn luôn có tinh thần đổ lỗi, chê bai trong mọi trường hợp. Họ không cần suy nghĩ đúng sai, mà luôn đổ tại cho hoàn cảnh, cho cơ chế".
Và bạn đọc Tấn Quốc mong mỏi: "Ngoài vô số nguyên nhân dẫn đến tham nhũng trong việc xử phạt giao thông thì nguyên nhân lớn nhất là không xử lý đúng, công bằng với người vi phạm. Hãy làm đúng luật, thì xã hội sẽ phát triển".
Vũ Vy tổng hợp
Chia sẻ bài viết của bạn về ý thức giao thông tại đây.