Chồng rất yêu em. Thời gian đó hạnh phúc bên chồng, không nghĩ đến anh nữa, em cứ ngỡ mình đã tìm được bến đỗ, nào ngờ chồng thay đổi khi có con.
Chồng làm nghề sửa điện tử nên cuộc sống cũng tạm ổn. Rồi chồng gặp gỡ bạn bè nhậu nhẹt nhiều, trở nên gia trưởng hơn. Em cảm thấy rất buồn, cố gắng vượt qua vì thương con. Tật xấu của chồng ngày một nhân lên, có 3 con vẫn không thay đổi. Em không chỉ chăm con mà còn chăm cả chồng.
Lúc chán nản, em lại nghĩ về mối tình đơn phương, đó là kỷ niệm đẹp nhất của em. Giá như em không trốn chạy lòng mình, thà yêu đơn phương vậy mà vui. Em chỉ muốn lo cho 3 đứa con khôn lớn nhưng cứ nghĩ đến anh dù cả hai đã 10 năm không gặp. Xin cho em lời khuyên để quên anh? (Nguyen)
Trả lời:
Tình cảm được người xưa ví như “túp lều tranh”chứ không phải “mái nhà ngói”. Vì sao? Bởi vì tình cảm là cả quá trình tích lũy cảm xúc. Mỗi thời gian qua đi nếu tình cảm đó là mơ ước thì nó tự động nhân lên thành ước mơ lớn; khi người ta quyết định đoạn tuyệt ước mơ thì lý trí hoặc tình cảm mới lúc đó xuất hiện. Trong trường hợp khác nữa, người ta có thể dấn thân để tìm sự quên đi của tình cảm; trường hợp này còn được gọi là “tự ngụy biện”, “ngụy trang tình cảm”... Nếu sự “ngụy trang” gặp hoàn cảnh thuận lợi thì tình cảm cũ sẽ được thay thế, trái lại, nếu thực tế mới không như ý thì tình cảm cũ lại trỗi dậy khó kiểm soát.
“Bạn để ý anh ta từ cái nhìn ban đầu và rất nhớ anh”, đây là hiện tượng tình cảm sâu sắc mặc dù chưa đi đến cảm xúc hiện thực, nhưng chính tình cảm này luôn thôi thúc nên “lúc nào bạn cũng nghĩ và nhớ anh”. Tình cảm này tăng lên, “còn anh thì chỉ xem em là bạn, em buồn muốn quên anh nên đã nhận lời cầu hôn của một người khác quê”. Sự xuất hiện ý chí của bạn ở đây không phải là ý chí thật mà chỉ vì “muốn quên anh nên đã nhận lời cầu hôn của một người”. Như vậy bạn đã chạy trốn bằng hành động lấy chồng.
Bạn thấy đấy, khi bạn có “chồng bạn rất yêu bạn” nhưng sự đáp lại của bạn có bằng chồng đối với bạn không? Câu hỏi này bạn cần tự đánh giá lại xem vì đây là vấn đề nhạy cảm của cảm xúc. Nếu chồng bạn không nhận được tình yêu thật thì vấn đề tâm lý sẽ bị khủng hoảng, mà nếu tâm lý bị khủng hoảng thì tự nó xuất hiện sự đòi hỏi “quên đi” bằng uống rượu.
Lúc mới cưới bạn đã “hạnh phúc bên chồng” nhưng bạn có làm được cho chồng hạnh phúc bên vợ không? Nếu có thì không đẩy tâm lý anh ấy đến uống rượu, bởi vì hiện tượng “nhậu nhẹt nhiều” chỉ xuất hiện sau khi có con. Tại sao? Điều này chắc chắn chồng bạn là người hiểu hơn ai hết. Từ góc độ nhà tâm lý, chúng tôi thấy khi có đông con lên thì “tật xấu của anh ngày một nhân lên” - đây là mấu chốt của vấn đề để lại hậu quả trong tình cảm vợ chồng bạn.
“Lúc chán nản, bạn lại nghĩ đến mối tình đơn phương” mà bạn lại cho đó là “kỷ niệm đẹp nhất của bạn” đã đẩy bạn xa dần người chồng. Bạn như “cái xác không tình yêu” với người chồng... càng đẩy anh ấy vào sự trống vắng đến sợ hãi, và thế là anh ấy lại lao vào nhậu nhẹt cho quên đi hay để tìm cái gì đó mà anh ta không biết đó là cái gì. Chồng bạn là người chịu khổ nhất trong mối quan hệ tay ba này, mặc dù chỉ là đơn phương.
Bạn hãy tập trung vào nuôi con và thương chồng hơn. Khi xuất hiện người kia lảng vảng đâu đó trong mắt thì phải đi rửa mặt ngay, nếu xuất hiện bằng lời nói thì phải mở bản nhạc để nghe cho tan đi, nếu lảng vảng trong đầu thì tập thể dục, làm động tác lao động có mục đích cao cho quên đi.
Chúc bạn vượt qua cảm xúc ảo.
GS.TS. Vũ Gia Hiền
Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TP HCM