Thứ bảy, 18/1/2025
Thứ tư, 20/8/2014, 14:55 (GMT+7)

10 môn thể thao phổ biến nhất thế giới

Dưới đây là danh sách 10 môn thể thao hàng đầu thế giới đương đại, xét theo số lượng người quan tâm, gồm khán giả truyền hình, khán giả trực tiếp tới sân, người theo dõi qua các phương tiện truyền thông khác, cổ động viên, và cả số liệu vận động viên do các liên đoàn thể thao cung cấp.

1. Bóng đá (khoảng 3,5 tỷ người). Bóng đá có luật thi đấu đơn giản và cũng tương đối dễ chơi. Điều này giúp bóng đá trở thành môn thể thao phổ biến rộng rãi nhất thế giới, xét cả trên góc độ người tham gia chơi trực tiếp cũng như người theo dõi. Phiên bản trò chơi gồm cầu thủ hai đội điều khiển trái bóng hướng về phía đích bên phần sân đối thủ đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, nhưng phải tới thế kỷ 19 bóng đá mới thực sự được phát triển tại Anh quốc cùng với luật chơi tương đối hoàn thiện.

 

Bóng đá phát triển với tốc độ rất nhanh và có độ phủ rộng khắp hành tinh, tới mức hiện nay hầu như thành phố nào trên thế giới cũng có một hoặc một vài đội bóng của riêng họ. Bóng đá còn hấp dẫn bởi tính bất ngờ tới phút cuối mỗi trận đấu. Đây là môn duy nhất trong danh sách này không gây tranh cãi, khi nó dẫn đầu mọi danh sách thống kê cho dù được tính theo tiêu chí người xem hay người chơi.

2. Cricket (khoảng 2,5 tỷ người). Đế quốc Anh từng chiếm tới 23% diện tích đất liền trên toàn thế giới, chính điều này đã khiến môn thể thao với gậy và bóng này phát triển ở rất nhiều nơi, đặc biệt là tại các vùng thuộc khối Liên hiệp Anh (khối Thịnh Vượng Chung). Ngày nay môn này được chơi nhiều nhất tại các quốc gia thuộc châu Đại Dương, quần đảo Tây Ấn (Caribe và Bắc Đại Tây Dương), Nam Phi và quần đảo Anh. Môn này có lượng người hâm mộ lớn vì được ưa thích tại các quốc gia đông dân như Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Vương quốc Anh.

 

Có nhiều nguồn cho rằng cricket đã xuất hiện từ thế kỷ 16, nhưng thực tế phải tới đầu những năm 1700 môn thể thao này mới được phổ biến cùng với hệ thống điều luật hoàn chỉnh. Cricket cũng gồm hai đội 11 cầu thủ thi đấu với nhau, nhưng luật môn này cho phép các trận đấu có thể kéo dài tới khi nào xác định được thắng bại. Vì thế có không ít trận cricket diễn ra tới 5 ngày mới kết thúc. Đây là một trong những nét chính để dễ phân biệt môn này với bóng chày, bên cạnh sự khác biệt về hình dáng gậy thi đấu và trang phục của các cầu thủ. Đa số những ai chưa từng chơi hai môn này thường nhầm bóng chày (tên tiếng Anh là Baseball) với crikê (cricket).

 

Vì trận đấu cricket có thể kéo dài, các giải đấu đáng chú ý trên thế giới chỉ diễn ra giữa các đội tuyển quốc gia hoặc các vùng lãnh thổ, với số trận đấu được hạn định mỗi năm. Anh và Ấn Độ hiện là những đội tuyển hàng đầu thế giới, theo sau là Australia và Nam Phi.

3. Hockey sân cỏ (khoảng 2 tỷ người). Đây cũng là một môn thể thao với bóng, và có 11 người chơi mỗi bên. Môn này ban đầu được phát triển riêng rẽ tại châu Âu và châu Á từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Nhưng phải tới thế kỷ 19 người Anh mới phát triển môn này cùng hệ thống luật gần như hiện tại, và phổ biến nó tới nhiều vùng thuộc địa của họ.

 

Cho tới giữa thế kỷ 20, Ấn Độ và Pakistan là những quốc gia mạnh hàng đầu ở môn này, nhưng sau đó Australia và Hà Lan đã trở thành những thế lực mới của môn thể thao này. Tại Bắc Mỹ, số người chơi hockey là nữ chiếm tỷ lệ áp đảo, nhưng nếu tính trên bình diện toàn cầu thì lượng người chơi là nam vẫn chiếm số đông.

4. Tennis (khoảng 1 tỷ người). Nếu chỉ tính những môn diễn ra giữa hai người chơi, tennis là môn phổ biến nhất hành tinh. Môn này có lịch sử phát triển từ trước thế kỷ 14. Hoàng đế Louis X của Pháp thậm chí đã cho xây dựng riêng một sân tennis trong nhà hồi đầu những năm 1400. Nhưng cũng phải đến giữa thế kỷ 19 môn này mới có hệ thống điều luật hiện đại.

 

Một trong những nguyên nhân chính khiến tennis có sức hút rộng khắp là môn này chưa bao giờ chứng kiến sự thống trị hoàn toàn của bất kỳ một tay vơt hay quốc gia nào. Trong khoảng mười năm qua, có tới 14 tay vợt nam nữ khác nhau giữ vị trí số một thế giới, và họ là đại diện của tám quốc gia khác nhau.

5. Bóng chuyền (khoảng 900 triệu người). Đây cũng là một môn thể thao có luật chơi tương đối đơn giản. Trận đấu có thể diễn ra trên mặt sân cỏ, xi măng hoặc cát. Bóng chuyền lần đầu được góp mặt tại Olympic vào năm 1964, nhưng phải tới kỳ thế vận hội 1996 bóng chuyền bãi biển mới có tên trong danh sách nội dung thi đấu.

 

Bóng chuyền truyền thống không có quốc gia nào thực sự chiếm thế áp đảo hoàn toàn, khi chứng kiến nhiều quốc gia khác nhau giành huy chương. Trong khi đó Mỹ và Brazil cùng nhau thống trị bóng chuyền bãi biển, với số lượng danh hiệu áp đảo.

6. Bóng bàn (khoảng 850 triệu người). Đây là môn thể thao vua của Trung Quốc, nhưng tới nay cũng đã phát triển mạnh tại châu Âu và các quốc gia khác của châu Á. Nó ra đời cách đây gần một thế kỷ. Cũng giống như bóng đá, môn này phát triển rộng và nhanh nhờ dễ chơi và trang thiết bị thi đấu không đắt tiền. 

 

Tại các giải đấu quốc tế, Trung Quốc tới nay vẫn là cường quốc số một ở môn thể thao này, nhất là ở nội dung của nữ. 

7. Bóng chày (khoảng 500 triệu người). Được phát triển tại Anh, tới nay bóng chày vẫn là một trong những môn thể thao có nhiều điều luật nhất và khá phức tạp. Những luật thi đấu chính của môn này không thay đổi suốt từ năm 1901. Hiện nay bóng chày dẫn đầu về lượng khán giả theo dõi các môn thể thao tại Nhật Bản, và trở thành môn thể thao quốc gia ở một số nước khu vực Trung và Nam Mỹ. Cuba là thế lực hàng đầu ở môn thể thao này khi đã giành nhiều HC vàng Olympic. Nhật Bản cũng rất mạnh khi đã giành được hai chức vô địch trong ba lần giải thế giới World baseball Classics được Liên đoàn bóng chày quốc tế tổ chức từ năm 2006.

8. Golf (khoảng 450 triệu người). Golf xuất hiện từ thế kỷ thứ 13. Nhưng phải tới những năm 1400 tại Scotland, nó mới phát triển thành một một thể thao thực sự. Đây có lẽ là môn thể thao duy nhất mà tới giờ nơi khai sinh ra nó vẫn được sử dụng làm địa điểm thi đấu. Sân Old Course ở St. Andrews (Scotland) vẫn diễn ra các sự kiện golf trong suốt 500 năm qua.

 

Khác với hầu hết những môn thể thao khác, người chơi golf không bao giờ đối mặt nhau trực tiếp trên sân tại các cuộc đấu, và gần như không có mâu thuẫn nào hay vụ xô xát nào xảy ra trong các giải golf. Golf được phát triển chủ yếu ở Mỹ, châu Âu, Canada, Australia.

9. Bóng rổ (khoảng 400 triệu người). Môn này được phát triển tại Mỹ từ cuối thế kỷ 19, và người Mỹ cũng thống trị bóng rổ trong suốt thế kỷ đầu tiên sau ngày khai sinh ra nó. Tới giờ một số quốc gia khác Mỹ cũng đã giới thiệu được một số tài năng đẳng cấp thế giới như Litva, Argentina và Australia.

 

Tốc độ đô thị hóa nhanh đã góp phần giúp bóng rổ ngày càng phổ biến trên quy mô toàn cầu, bởi đây là một trong số ít môn thể thao có thể chơi trong điều kiện không gian nhỏ hẹp. Các giải đấu quốc gia ở Hy Lạp, Israel và Nhật Bản hiện giờ đã có thể thu hút một số cầu thủ bóng rổ Mỹ đã qua thời đỉnh cao hoặc không đủ sức cạnh tranh vị trí tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Ở chiều ngược lại, không ít tài năng từ các quốc gia như Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Canada hiện tại cũng đã tạo được dấu ấn ở giải nhà nghề Mỹ, trong đó có người còn giành được cả danh hiệu Cầu thủ hay nhất giải.

10. Bóng đá kiểu Mỹ (khoảng 400 triệu người). Môn thể thao này gần như không xuất hiện ngoài khu vực Bắc Mỹ. Tuy nhiên, sự đam mê cuồng nhiệt của hàng triệu người dân Mỹ đã giúp American Football giành được vị trí cuối cùng trong top 10 môn thể thao có sức hút nhất thế giới.

 

Đây là môn thể thao được người Mỹ cải biến từ môn rugby (bóng bầu dục) ở cuối thế kỷ 19. Ban đầu đây chỉ được coi là môn thể thao của các trường học hoặc một số đoàn thể, cho tới khi Liên đoàn bóng đá kiểu Mỹ (NFL) được thành lập năm 1920.

 

Hiện tại NFL không có đội nào ngoài khu vực Bắc Mỹ, nhưng trước đây từng có phiên bản châu Âu NFL Europe với các trận đấu được tổ chức hằng năm tại Anh. Các đội bóng đá kiểu Mỹ nổi tiếng trong lịch sử và vẫn còn được biết đến nhiều nhất hiện nay là Dallas Cowboys, Pittsburgh Steelers, và San Francisco 49ers.

Nguyễn Phát