>Công Vinh, Thành Lương 'thất nghiệp' bụng dạ nào đá bóng
Tại AFF Cup lần này, tôi đánh giá đội tuyển Việt Nam về đẳng cấp hơn hẳn Myanmar và Philippines, nhưng kết quả thực tế lại là những màn trình diễn mờ nhạt và bạc nhược. Theo tôi, sâu xa có thể kể ra 10 nguyên nhân:
1. Bóng đá trong nước đang có "biến", nhiều cầu thủ tương lai mờ mịt, vì đội bóng của họ giải thể, với tâm lý hoang mang như vậy họ làm sao yên tâm đá được? Đội tuyển lại không có chuyên gia tâm lý thể thao.
2. Chúng ta có huấn luyện viên (HLV) thể lực, điều này rất tốt, nhưng tôi thấy cách làm chưa đúng. Vì thể lực là sức khỏe, mà sức khỏe thì phải lo từ câu lạc bộ chứ không phải đợi lên tuyển mới lo. Điều này dẫn đến hiện tượng "thắt cổ chai".
79% độc giả VnExpress đã dự đoán đúng khi cho rằng Thái Lan sẽ thắng Việt Nam với cách biệt 2 bàn trở lên trong một khảo sát cách đây 2 ngày - ngày 29-11-2012 (tính đến 9h)
3. Một năm phải tập trung đội tuyển quốc gia vài lần để HLV trưởng tỏ đường binh nghiệp, giúp nâng cao bản lãnh trận mạc của cả HLV và VĐV.
4. HLV trưởng đội tuyển quốc gia và các lứa tuổi phải là người khác nhau. Vì mỗi lứa tuổi cần những sự hiểu biết, chăm sóc khác nhau. Chúng ta cần đầu tư sâu chứ không phải rộng.
5. Các CLB Việt Nam thiếu và yếu lực lượng kế thừa. Nhiều CLB không có đội tuyển các lứa tuổi, dẫn đến tình trạng là từ tuyển trẻ cho đến tuyển quốc gia không có lực lượng kế thừa xứng đáng và dồi dào.
6. Các ông chủ tuyển người chỉ chú trọng cách chơi bóng của họ mà không xem đến tư cách đạo đức của họ, nên nhiều cầu thủ đức kém. Đức kém thì kiêu ngạo, kiêu ngạo thì chểnh mảng tập luyện, nên thua khi vào trận. Những người kiêu ngạo cũng dễ khiếp sợ khi phải đối diện với áp lực thực tế.
7. Vấn đề y tế kém nên các cầu thủ từ cấp CLB cho đến tuyển dễ chấn thương, mà chấn thương là do sức khỏe kém. Hãy xem các cầu thủ Malaysia họ có thể hình tốt, thể lực tốt, khi thi đấu họ rất có tốc độ và sức mạnh, và hầu như không thấy họ nằm sân bao giờ.
8. Thượng tầng bóng đá Việt Nam (tức VFF): những người hâm mộ chúng ta chẳng hiểu định hướng lâu dài (chiến lược) của họ là gì? 5 năm, 10 năm... họ muốn tuyển Việt Nam, các đội bóng lứa tuổi làm gì, đá ở đâu, chơi theo đường lối nào? Họ hoàn toàn phụ thuộc vào những mục tiêu trước mắt mà người ta vạch sẵn như AFF Cup.
9. Bóng đá Việt Nam đã bị thao túng bởi những ông bầu. Họ đẩy giá cầu thủ lên cao không đúng với giá trị thực của họ. Điều này hại đã rõ, nhiều cầu thủ giờ không thiết tha tuyển. Bên cạnh đó, cũng cần đặt câu hỏi VFF đã đãi ngộ hiền tài ra sao để đến nỗi nhiều cầu thủ sợ "bị gọi" lên tuyển vậy? Phải chăng lên tuyển chỉ là để "lấy số má" từ đó nâng giá chuyển nhượng?
10. Hằng năm các giải trẻ từ U13 đến U21 chỉ được tổ chức trong khoảng 2 cho đến 3 tuần, như vậy thì thử hỏi xem là các em nó được đá bao nhiêu trận? Mà có phải toàn bộ các em không hay là chỉ có một số (11) thôi?
Đó là 10 điều tôi suy nghĩ về bóng đá Việt Nam thời gian qua, hiện trạng và những thách thức.
Mong có thêm nhiều ý kiến đóng góp để có những thay đổi mạnh mẽ, hướng đến sự phát triển hưng thịnh của nền bóng đá Việt Nam trong những năm tới.
Tuanvkt
Chia sẻ những bài viết của bạn về AFF cúp tại đây.