Việc đặt ra mục tiêu, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào như sức khỏe, công việc, tài sản… sẽ tạo động lực phấn đấu và giúp bạn tăng sự tự tin vào bản thân khi thành công. Tuy nhiên, bạn có thể không đạt được mục tiêu bởi những lý do sau đây:
1. Sự bào chữa
Tìm lý do bào chữa cho mình dễ dàng hơn so với việc tìm ra lý do tại sao phải đặt ra mục tiêu và hành động. Bạn thường đưa ra những lý do khi cảm thấy sợ hãi, lo lắng, nghi ngờ và thậm chí là lười biếng. Thi thoảng, bạn cảm thấy không làm gì cả thì dễ dàng và an toàn hơn là cố bắt tay giải quyết một việc gì đó.
2. Phóng đại sự sợ hãi
Nỗi sợ thất bại làm tan biến rất nhiều ước mơ trước khi chúng có cơ hội để trở thành hiện thực. Nỗi sợ khiến chúng ta mất tự tin. Nó thao túng, làm bạn chùn bước. Hãy cất nỗi sợ của mình đi và ngừng việc đánh giá thấp bản thân ngay lập tức.
3. Không tìm được mục tiêu chính đáng
Mục tiêu có ý nghĩa như thế nào với bạn? Tại sao bạn lại đặt ra mục tiêu đó? Đôi khi bạn đeo đuổi một vài thứ bởi vì đó là điều những người khác mong đợi ở bạn, vì muốn đuổi kịp đồng nghiệp của mình. Việc đặt mục tiêu không phù hợp và đuổi theo những thứ không thực sự cần và mong muốn sẽ làm bạn lãng phí nhiều tiền bạc, thời gian và sức lực.
4. Không ưu tiên những cái quan trọng
Rất nhiều người mải mê theo dõi một ai đó trên mạng xã hội thay vì ngồi làm việc, để cho những thứ không quan trọng làm mình xao lãng. Thật đáng ngạc nhiên là bạn có thể dành thời gian cho những thứ vô nghĩa và sau đó lại nói rằng không có đủ thời gian để hoàn thành mục tiêu của mình.
Thực tế bạn luôn có thời gian nhưng quan trọng hơn là sắp xếp mọi việc như thế nào. Nếu có một thứ thực sự quan trọng, bạn nên dành thời gian và làm cho nó trở thành ưu tiên hàng đầu.
5. Cố gắng làm tất cả mọi thứ
Khi dành sức lực dàn trải vào quá nhiều thứ, đôi khi bạn không thể trau dồi kỹ năng và sự thành thạo trong lĩnh vực mà mình mạnh nhất và phù hợp nhất. Điều quan trọng nhất với bạn là tìm ra cái mà mình giỏi, đam mê bởi bạn chẳng thể làm được mọi thứ.
6. Nói thay vì làm
Chúng ta sẽ làm mất sự tín nhiệm của người khác cũng như sự tự tin của chính bản thân mình nếu như nói nhưng không làm được. Khi liên tục thất bại trong việc giữ lời cũng như việc đạt được mục tiêu đã đề ra, bạn sẽ trở nên suy sụp và đôi khi đánh mất sự tự tin vào chính bản thân mình.
Bạn cần phải học cách làm hơn là học cách nói, sử dụng năng lượng của mình vào việc làm mọi thứ thay vì nói về chúng. Hãy để kết quả nói về chính nó và sử dụng hành động thay cho lời nói.
7. Thiếu một kế hoạch cụ thể
Nếu không có một kế hoạch nghĩa là bạn đã lên kế hoạch để nhận thất bại. Kế hoạch rất quan trọng trong việc giúp bạn đạt được mục tiêu. Đó chính là bản đồ giúp bạn đi từ điểm A đến điểm B một cách dễ dàng. Ta lập kế hoạch cho việc hoàn thành mục tiêu của mình như thế nào? Ta cần phải làm những điều gì? Hãy gạch đầu dòng các việc phải làm và có một chiến lược rõ ràng.
8. Không tự cam kết với bản thân
Vào ngày thứ hai, thực đơn ăn kiêng của bạn bắt đầu với nhiều suy nghĩ tốt nhưng điều đó kết thúc ngay khi đồng nghiệp bước vào với một hộp bánh rán. "Tôi không muốn cô ấy buồn, tôi sẽ bắt đầu ăn kiêng lại vào ngày mai", đó là điều ta sẽ nói.
Nếu như bạn không tự buộc mình làm theo những cái mà ta đã đặt ra, những lý do và sự bào chữa sẽ làm trì hoãn những việc cần làm để hỗ trợ mục tiêu của mình.
9. Không có một giới hạn về thời gian
Việc có một thời hạn giúp tập trung và làm việc có kỷ luật hơn, hơn hết nó sẽ tạo cho ta một cảm giác cấp bách. Nó là yếu tố quan trọng giúp tập trung đúng vào mục tiêu đã đề ra. Khi mọi việc được thoải mái về thời gian, đôi khi kết quả lại không cao, bởi nó thường xuyên dẫn đến sự trì hoãn.
10. Từ bỏ khi mọi việc khó khăn
Không cái gì tốt mà có được một cách dễ dàng. Một vài mục tiêu sẽ thực sự đòi hỏi bạn phải đổ mồ hôi và nước mắt. Chúng ta sống trong thời đại mà người ta muốn nhìn ngay vào kết quả hơn là khuyến khích một quá trình rèn luyện kiên trì,
Không có bất cứ thứ gì thành công chỉ sau một đêm. Nếu bạn mong muốn đạt được mục tiêu và thay đổi cuộc sống, tất cả những gì bạn cần là siêng năng, cống hiến và kỷ luật.
Đỗ Thảo (Theo Huffington Post)