Trong 10 năm qua, khẩu phần ăn của các gia đình đã có biến đổi đáng kể. Hiện nay, gạo chiếm khoảng 66% khẩu phần, giảm 20%, thay vào đó thịt, sữa, trứng chiếm 25% khẩu phần ăn, tăng 17%. Chế độ dinh dưỡng có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo, khẩu phần ăn chưa hợp lý..., khiến ngày càng có nhiều người bị béo phì.
Cả nước có khoảng 460.000 trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì. Tỷ lệ người trưởng thành bị béo phì cũng có xu hướng tăng, với tỷ lệ gần 6%, tập trung nhiều ở nhóm tuổi từ 50 đến 60. Hậu quả là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như: tiểu đường, cao huyết áp, một số bệnh ung thư...
Vì thế, lời khuyên dinh dưỡng cần được thay đổi lời để phù hợp với giai đoạn mới, với điều kiện kinh tế - xã hội để người dân dễ hiểu và dễ thực hiện. So với 10 lời khuyên cũ, các nội dung về ăn uống hợp lý, đa dạng các loại thức ăn, với đủ 4 nhóm chất... được chú trọng hơn.
Dưới đây là 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2020:
1. Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.
2. Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ.
3. Ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, nên ăn vừng lạc.
4. Nên sử dụng muối iốt, không ăn mặn.
5. Cần ăn rau quả hàng ngày.
6. Đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm.
7. Uống đủ nước sạch hàng ngày.
8. Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng.
9. Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi.
10. Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt.
Phương Trang