IBISWorld đưa ra 3 lý do cơ bản, đó là: công nghệ mới, cạnh tranh từ nước ngoài và tình trạng trì trệ trong ngành. Danh sách dưới đây được đưa ra dựa trên số liệu về mức sụt giảm trong doanh thu.
1. Sản xuất hàng may mặc
Tỷ lệ sụt giảm: 77,1%
Tuy các doanh nghiệp Mỹ có lợi thế về thương hiệu, mẫu mã và công nghệ nhưng lại đang bị các đối thủ bên ngoài biên giới cạnh tranh gay gắt. Tình hình có vẻ ngày một xấu đi khi các đối thủ lại có lợi thế về các mặt khác. Dự đoán đến năm 2016, doanh thu trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc của Mỹ sẽ giảm thêm 60,5%.
2. Cửa hàng băng đĩa
Tỷ lệ sụt giảm: 76,3%
Tại Mỹ, gần 80% số cửa hàng băng đĩa đã phải đóng cửa trong thập kỷ qua. Về cơ bản, các trang web chia sẻ thông tin hay cửa hàng âm nhạc trực tuyến như iTune đã làm thay đổi thói quen thưởng thức âm nhạc của mọi người.
3. Môi giới nhà xây sẵn
Tỷ lệ sụt giảm: 73,7%
Những người môi giới nhà xây sẵn không phải là đối tượng duy nhất trong lĩnh vực bất động sản phải chống chọi với khủng hoảng nhà đất, nhưng họ có lẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện tại, doanh số bán nhà thấp cộng với tình trạng tịch biên tài sản lan rộng khiến doanh thu trong lĩnh vực này đã tụt xuống gần 75% từ năm 2000.
4. Rửa ảnh
Tỷ lệ sụt giảm: 69,1%
Máy ảnh kỹ thuật số có lợi thế về mọi mặt, và nó cũng đang khiến thợ rửa ảnh gặp phải không ít khó khăn. Giá máy ảnh kỹ thuật số liên tục giảm. Thêm vào đó, ngày càng nhiều người tiêu dùng đăng tải ảnh lên Facebook hay Flickr thay vì đi in ảnh rồi dán vào album. Hệ quả là trong 10 năm qua, gần 60% số thợ rửa ảnh tại Mỹ đã phải bỏ nghề khiến những đại gia một thời trong ngành này như Kodak hay Fuji Film phải lâm vào cảnh lao đao.
5. Dịch vụ viễn thông có dây
Tỷ lệ sụt giảm: 54,9%
Trên thực tế, từ năm 2000, doanh thu của lĩnh vực dịch vụ viễn thông có dây liên tục giảm từ năm này qua năm khác. Việc nở rộ các thiết bị không dây và dịch vụ điện thoại internet như Skype có thể là dấu hiệu cho thấy đây mới là tương lai của ngành dịch vụ viễn thông.
6. Nhà máy sản xuất công nghiệp
Tỷ lệ sụt giảm: 50,2%
Trong 10 năm qua, sản xuất công nghiệp của Mỹ đã hứng chịu thiệt hại mà chủ yếu là do cạnh tranh từ nước ngoài. Chi phí sản xuất rẻ hơn tại những nước này đã khiến nhiều doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ phải bỏ nhà máy. Tính từ năm 2000 đến nay, 23,6% số công ty đã phải đóng cửa.
7. Xuất bản báo in
Tỷ lệ sụt giảm: 35,9%
Tình cảnh ảm đạm của ngành xuất bản báo in vẫn chưa có lối thoát. Bên cạnh một số tờ báo đã thu được lợi ích, việc chuyển sang đưa tin trực tuyến lại khiến số khác phải chật vật để tồn tại. Tờ New York Times mới đây đã bắt đầu thu phí đọc báo trực tuyến. Đây là một nỗ lực nhằm cứu vãn hoạt động xuất bản báo in đang dần sa sút của họ. Tại Mỹ, kể từ năm 2000, 28,6% số tờ báo đã phải ngừng xuất bản.
8. Dịch vụ cho thuê băng đĩa
Tỷ lệ sụt giảm: 35,7%
Sự xuất hiện của truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh hay các trang web như Netflix đã khiến dịch vụ cho thuê băng đĩa thiệt hại nặng. Dự báo doanh thu trong lĩnh vực này sẽ còn giảm thêm 19,3% trong vòng 6 năm tới.
9. Dịch vụ cho thuê lễ phục
Tỷ lệ sụt giảm: 35%
Trong vòng 10 năm qua, tình hình kinh doanh dịch vụ cho thuê lễ phục khá ảm đạm. Ngày nay, phù dâu, phù rể thích mua lễ phục hơn là đi thuê vì nhiều hàng nhập khẩu rẻ hơn. Tuy nhiên, những người trong nghề thì lại nói rằng lý do lại rất đơn giản: người ta không còn hay chải chuốt như ngày xưa nữa.
10. Dịch vụ làm hậu kỳ video
Tỷ lệ sụt giảm: 24,9%
Với sự ra đời của công nghệ kỹ thuật số, dịch vụ làm hậu kỳ video đã phải chật vật để tồn tại trong vài năm trở lại đây. Công nghệ mới giúp những công đoạn như biên tập hay cắt bỏ không phải cần đến yếu tố con người hơn. 43,2% số công ty làm hậu kỳ video đã phải đóng cửa từ năm 2000.
An Lâm (theo Huffington Post)