Ngày 13/12/2014, qua trung tâm giới thiệu người giúp việc ở Quảng Châu, cô Lương nhận một phụ nữ tên Hà Thiên Đới làm giúp việc tại nhà, chuyên chăm sóc cho mẹ chồng là bà Chu, 70 tuổi, vừa xuất viện sau cơn bệnh nặng.
Đới, 44 tuổi, tự nhận có nhiều kinh nghiệm làm hộ lý. Lương thấy đối phương ăn mặc giản dị, giống phụ nữ nông thôn thành thật, chất phác, ít nói nên khá hài lòng. Đôi bên thỏa thuận mức lương 2.600 nhân dân tệ/tháng vì bà Chu có thể tự đi lại, không cần chăm lo quá nhiều.
Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên nhận việc, Đới nêu điều kiện: "Trong thời gian chăm sóc, nếu bà cụ qua đời, bất kể tôi làm việc được bao lâu, dẫu chỉ một ngày, thì cũng phải trả đủ một tháng lương". Nghe vậy, Lương tức giận chửi bới, nói Đới nguyền rủa mẹ chồng mình. Đới giải thích đây là quy định bất thành văn của nghề này. Vì trung tâm giới thiệu không còn ứng viên nào phù hợp, Lương đành chấp nhận.
Hai ngày đầu, Đới thể hiện thái độ làm việc chu đáo, ân cần, được bà Chu khen ngợi không chỉ một lần. Vợ chồng Lương thấy vậy cũng yên tâm.
Nhưng đến sáng sớm ngày làm việc thứ tư, 16/12/2014, Đới đánh thức vợ chồng Lương, nói bà cụ đột nhiên rơi vào tình trạng nguy kịch. Khi hai người vội vã đến phòng thì mẹ đã tắt thở.
Lương không hiểu sao mẹ chồng hôm qua vẫn nói cười vui vẻ mà nay đã qua đời, nhưng nghĩ bà tuổi cao sức yếu, cũng có thể đột ngột phát bệnh. Hai vợ chồng lo liệu tang lễ mà không nghi ngờ gì.
Ngay sáng hôm đó, Đới đòi trả lương khiến gia đình giận dữ chỉ trích cô ta máu lạnh, đôi bên tranh cãi nảy lửa. Cuối cùng, Lương thấy mất mặt với hàng xóm nên thanh toán cả tháng lương cho Đới, muốn cô ta mau đi khỏi nhà mình.
Nhận được tiền như mong muốn, Đới vội về phòng thu dọn đồ đạc. Nhưng vào lúc này, Lương phát hiện nhẫn vàng và bông tai vàng bà thường đeo đã biến mất. Cô kiểm tra tủ trang sức thấy sổ tiết kiệm cũng không còn. Nghi ngờ đổ dồn vào Đới, người phụ trách chăm sóc bà cụ mấy ngày qua.
Đới muốn ra khỏi nhà nhưng bị gia đình ngăn chặn, đòi kiểm tra túi xách. Đới không chấp nhận, chỉ trích họ xâm phạm quyền tự do cá nhân. Lương lập tức báo cảnh sát.
Cảnh sát tìm thấy đồ trang sức và sổ tiết kiệm bị xé nát Đới giấu trong áo ngực. Trong hành lý của cô ta còn phát hiện thuốc ngủ, ống tiêm và một số loại thuốc độc gây chết người. Lúc này, cảnh sát nghi ngờ cái chết đột ngột của bà Chu có điều khuất tất, do sắc mặt bà cụ có màu đen tím bất thường. Đới cùng vợ chồng Lương bị đưa về đồn để điều tra.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy trong cơ thể bà Chu có thuốc trừ sâu, trên người có những lỗ kim tiêm và sau cổ có vết thắt rõ ràng. Trong phòng thẩm vấn, Đới thừa nhận sát hại bà Chu. Cô ta nói xé sổ tiết kiệm vì "không muốn bất cứ ai có được số tiền này".
Theo lời khai, sáng sớm 16/12/2014, Đới chuẩn bị trước một nồi canh, cho thêm thuốc trừ sâu và thuốc ngủ. Trước giờ ngủ, cô ta dụ bà Chu uống canh, nhưng bà cụ chỉ uống vài ngụm thì không muốn uống nữa và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Đới tháo đồ trang sức của bà Chu, cất vào hành lý. Trở lại phòng, cô ta thấy nạn nhân vẫn còn thở nên tiêm số thuốc độc còn lại... Do không kịp vứt công cụ phạm tội, Đới chỉ có thể giấu kim tiêm, thuốc trừ sâu, thuốc ngủ... vào túi xách.
Đới thản nhiên thừa nhận chăm sóc người già chỉ vì tiền. Lời khai về động cơ gây án của cô ta khiến cảnh sát không thể tin được: "Chỉ cần chăm sóc vài ngày, tôi có thể nhận được một tháng lương. Những người già bị bệnh nặng nếu đột ngột qua đời cũng không có gì lạ, người nhà sẽ không nghi ngờ. Họ sống được bao nhiêu ngày đều phụ thuộc vào tôi".
Điều tra sâu hơn, Đới thú nhận đây là lần thứ 10 gây án trong vòng một năm rưỡi, tất cả đều cùng cách thức.
Đới kể, vụ giết người đầu tiên không thành công. Nạn nhân là bà cụ 82 tuổi bệnh liệt giường. Vào buổi tối ngày thứ tư đến làm giúp việc, nhân lúc người thân đi vắng, Đới cho bà cụ uống nước pha thuốc ngủ, thuốc diệt chuột và diệt gián. Sáng sớm hôm sau, Đới thấy nạn nhân co giật dữ dội nên hoảng sợ gọi cấp cứu. Nhờ được điều trị kịp thời, bà cụ qua cơn nguy kịch. Do nạn nhân mắc bệnh Parkinson, cao huyết áp... và không thể nói được nên bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân là đột quỵ.
Một nạn nhân khác thoát chết trong vụ đầu độc xảy ra vào tháng 9/2014. Đới cũng may mắn thoát tội vì bệnh viện không tìm thấy triệu chứng trúng độc khi xét nghiệm máu cho nạn nhân. Từ đó, cô ta tăng cường độc lực bằng cách mua kim tiêm, thuốc trừ sâu.
Ngoài hai lần này, còn lại Đới đều thành công. Ở vụ giết người cuối cùng, nếu Đới không tham lam lấy trộm tiền vàng của bà Chu, gia đình cũng sẽ không báo cảnh sát, khiến bại lộ tội ác.
Sự tàn ác và máu lạnh của Đới khiến cảnh sát bị sốc, đặc biệt là khi cô ta không hề có cảm giác tội lỗi hay hối hận. Thay vào đó, Đới nói rằng gia đình nạn nhân nên cảm ơn mình vì đã giúp họ thoát được gánh nặng chăm sóc người già.
Vụ án gây rúng động cả nước, khiến Đới bị gọi là "nữ giúp việc ma quỷ", "nữ giúp việc rắn độc".
Theo hồ sơ tòa án, Đới sinh năm 1970 ở một ngôi làng miền núi phía bắc tỉnh Quảng Đông, chưa học hết tiểu học. Cô ta bắt đầu làm giúp việc ở Quảng Châu từ năm 2003. Đới cho biết bị một số chủ nhà đối xử cay nghiệt, lăng mạ. Những bất mãn và tủi nhục tích tụ khiến cô ta ôm lòng hận thù. Năm 2013, Đới từng phải ngồi tù vì tội trộm cắp.
Kết quả điều tra và lời thú tội cho thấy Đới đã lợi dụng công việc giúp việc để sát hại tổng cộng 8 nạn nhân từ tháng 6/2013 đến tháng 12/2014. Tuy nhiên vì nhiều nguyên do như gia đình không muốn trình báo, thi thể nạn nhân đã bị hỏa táng... nên không thể làm giám định nguyên nhân tử vong. Do thiếu bằng chứng, nhà chức trách chỉ có thể truy tố Đới tội giết bà Chu.
Trên phiên tòa xét xử vào ngày 23/12/2015, công tố viên cho biết tìm thấy 17 ống tiêm, 17 kim tiêm, hai bình thuốc diệt cỏ, hai túi thuốc diệt chuột, hai dao cạo, dây thừng... trong hành lý của Đới. Một chủ cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật ở Quế Lâm xác nhận Đới mua 17 bình thuốc trừ sâu vào đầu tháng 10/2014.
Đới nhận tội giết người, nhưng phủ nhận có chuẩn bị trước. Cô ta nói mua thuốc diệt chuột để mang về nhà trọ dùng, thuốc trừ sâu thì định mang về quê sử dụng khi trồng rau. Đới còn khẳng định thuốc ngủ là cho bản thân uống, dây thừng dùng để buộc quần áo, những món đồ này luôn được cô ta để sẵn trong hành lý từ năm 2008-2009.
Theo kết quả xét nghiệm, 17 kim tiêm và ống tiêm do Đới mang theo đều chứa thuốc trừ sâu và thuốc ngủ, những thành phần này cũng được phát hiện trong máu, nước tiểu và dịch dạ dày của bà Chu.
Trước tòa, Đới thừa nhận mọi cáo buộc, nhưng từ chối xin lỗi gia đình nạn nhân. Cô ta khai động cơ là tiền lương, những chuyện khác "không muốn nói, nói cũng chẳng có tác dụng gì".
Ngày 4/5/2016, Đới bị kết án tử hình vì tội cố ý giết người, lập tức thi hành. Sau khi thẩm phán tuyên án, Đới khóc, nhưng chỉ nói bảy chữ: "Không kháng cáo, không có ý kiến".
Bên cạnh vụ Hà Thiên Đới, Trung Quốc xảy ra vụ án tương tự ở Quảng Châu vào năm 2015, nữ giúp việc tên Trần Vũ Bình (48 tuổi) độc chết một ông lão 96 tuổi hòng chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên người nhà nạn nhân thấy cái chết đáng ngờ nên lập tức báo cảnh sát.
Để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, đại diện Hiệp hội Ngành Dịch vụ Gia đình Quảng Châu cho biết cần phối hợp với công an để lập hồ sơ, xác minh danh tính người giúp việc, xác minh tiền án tiền sự, đồng thời chú trọng bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp thay vì chỉ đào tạo chuyên môn.
Tuệ Anh (Theo 163, Guangzhou Daily)