Ngày 23/9, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo lại 10 khu chung cư cũ, bao gồm bốn khu chung cư có nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư Pháp; và sáu khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.
Ngoài ra, thành phố tiếp tục đôn đốc 14 dự án cải tạo chung cư cũ đang triển khai.
Để có cơ sở xây dựng, cải tạo các khu chung cư cũ, thành phố sẽ lập quy hoạch chi tiết và ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn (dự kiến cuối năm 2021).
Việc lựa chọn nhà đầu tư có ba hình thức: Chủ sở hữu thống nhất lựa chọn; đấu thầu lựa chọn và nhà nước trực tiếp cải tạo.
Sở Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch xây dựng quỹ nhà tạm cư (nhà tái định cư có sẵn, quỹ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại...) để phục vụ nơi ở tạm thời cho những người dân có nhu cầu, khi tiến hành cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.
Thống kê đến năm 2020, thành phố có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư; trong đó 34 khu có diện tích đất từ 2 ha trở lên và 42 khu diện tích đất dưới 2 ha. Ngoài ra còn 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954.
Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng. Qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơi nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân.
Từ năm 2005, Hà Nội bắt đầu xây dựng cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do một số bất cập và sự thay đổi chính sách, nên đến nay mới có 19 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm khoảng 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.
Võ Hải