Pha phản lưới nhà của Mursyid Effendi (Tiger Cup 1998). Cho đến nay, bàn thắng phản lưới nhà của hậu vệ Effendi (Indonesia), trong trận đấu ở vòng bảng với Thái Lan, vẫn được xem như vết nhơ khó gột rửa trong lịch sử giải đấu. Đều muốn tránh gặp chủ nhà Việt Nam ở vòng sau nên hai đội bóng hàng đầu khu vực đều cố gắng... thua để nhường nhau vị trí nhất bảng.
Cả hai đội bóng gần như mở toang khung thành cho đối phương, nhưng chân sút cả hai bên đều chẳng mặn mà trong việc ghi bàn. Khi tỷ số hòa 2-2, Indonesia đứng trước nguy cơ phải nhận ngôi đầu. Trong ánh mắt kinh ngạc của người hâm mộ và nỗ lực ngăn cản của cầu thủ Thái Lan, hậu vệ Effendi dẫn bóng về rồi trắng trợn sút tung lưới nhà đúng phút 90.
Thái Lan rời sân phản đối trọng tài (AFF Cup 2007). Tình huống tưởng chừng chỉ có ở bóng đá nghiệp dư xuất hiện trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2007. Khi tỷ số đang là 1-1, chủ nhà Singapore được hưởng quả 11m ở phút 82. Cho rằng bị xử ép, toàn bộ cầu thủ Thái Lan rời sân - bất chấp tiếng huýt sáo la ó giận dữ của cổ động viên Singapore. Phải mất 15 phút điều đình, đội bóng xứ chùa Vàng mới trở lại tiếp tục thi đấu. Từ chấm phạt đền, tiền vệ Mustafic Fahrudin ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 cho Singapore. Trận đấu lượt về tại Bangkok, Thái Lan bị cầm hòa 1-1 và mất Cup vào tay đối thủ.
Cơn mưa thẻ đỏ của Myanmar (Tiger Cup 2004). Đúng 10 năm trước, Myanmar dự giải khu vực với dàn cầu thủ trẻ đầy triển vọng. Họ xếp trên cả chủ nhà Malaysia và đương kim vô địch Thái Lan ở vòng bảng. Trận lượt đi bán kết tại Yangon, Myanmar để thua 3-4 trước Singapore. Nhưng ở lượt vệ họ bất ngờ dẫn trước 2-0 sau 50 phút đầu tiên và có thể mơ về tấm vé vào chung kết.
Tuy nhiên Yan Paing rồi Moe Kyaw Thu và Zaw Lynn Tun lần lượt nhận thẻ đỏ khiến Myanmar chỉ còn chơi với chín người. Singapore có bàn rút ngắn cách biệt xuống 1-2 và đẩy trận đấu tới hiệp phụ. Lợi thế quân số giúp đội tuyển quốc đảo Sư tử thắng ngược 4-2 ở lượt về và đi tiếp. Trận đấu khép lại với thẻ đỏ thứ tư cho thủ môn dự bị Myanmar vì ném chai nước vào người cầu thủ đối phương.
Tia laser trên khán đài Bukit Jalil (AFF Cup 2010). Trận chung kết AFF Cup 2010 giữa Malaysia - Indonesia nóng bỏng trên sân lẫn cả khán đài. Trận lượt đi tại Kuala Lumpur, Malaysia thắng đậm 3-0. Các cầu thủ và đặc biệt thủ môn của Indonesia Kurnia Meiga phàn nàn rằng đã có nhưng chùm tia laser nhằm vào mắt họ mỗi khi có bóng. Điều này từng diễn ở bán kết, khi thủ môn Tấn Trường của Việt Nam cũng bị các cổ động viên chủ nhà cố tình chiếu đèn laser vào mắt.
Tổ trọng tài buộc tạm dừng trận đấu tám phút mới có thể bắt đầu trở lại khi các chùm ánh sáng vẫn liên tục phát ra từ phía khán đài. Trước trận lượt về, CĐV Indonesia cũng liên tục chiếu đèn laser về phía đối thủ để đáp trả. Tuy nhiên, đội bóng xứ vạn đảo chỉ có chiến thắng danh dự 2-1 và Malaysia trở thành đội vô địch.
Sóng thần và bạo lực (Tiger Cup 2004). Cơn sóng thần tấn công Indonesia ngày 26/12 đã khiến trận bán kết bị hoãn hai ngày sau mới diễn ra. Trận đấu lượt đi tại Jakarta, Malaysia đánh bại đội chủ nhà với tỷ số 2-1. Ở lượt về, họ lại dẫn trước và trong sự vui sướng quá đà CĐV Malaysia đã ném pháo về phía đối thủ, gây ra cuộc đụng độ hỗn độn trên khán đài. Trong hiệp hai, Indonesia ngược dòng, ghi bốn bàn để giành chiến thắng 4-1, giành vé đi tiếp.
Tấn công trọng tài (AFF Cup 2008). Trận đấu vòng bảng, đương kim vô địch Singapore thắng 3-1 trước Myanmar. Bàn ấn định chiến thắng của Agu Casmir ở phút 74 xuất phát từ pha đá phạt nhanh đầy tranh cãi. Trong lúc các cầu thủ Myanmar chờ bác sĩ vào chăm sóc cầu thủ đội nhà đang nằm sân, Noh Alam Shah đã tổ chức đá phạt giúp đồng đội ghi bàn.
Quá bức xúc với quyết định trọng tài Phùng Đình Dũng, thủ môn Aung Aung Oo chạy hơn 30 mét rồi xô thẳng tay vào ngực trọng tài người Việt Nam. Lộn xộn trên sân kéo dài chín phút buộc HLV Myanmar Antonio Falopa phải vào sân để giảm bớt cái đầu nóng của học trò. Thủ môn Myanmar nhận thẻ đỏ vì lỗi tấn công trọng tài nhưng sau đó chỉ nhận án treo giò một trận.
Dùng nước thánh khích lệ tinh thần cầu thủ (Tiger Cup 2000). Sau chức vô địch may mắn trước đó hai năm, Singapore sớm dừng bước vòng bảng Tiger Cup 2000. Sau khi thua Việt Nam, Singapore buộc phải thắng Malaysia mới có vé vào bán kết. HLV Singapore Vincent Subramaniam được cho là đã yêu cầu các cầu thủ "uống nước thánh" trước trận đấu. Tuy nhiên, đội bóng của ông vẫn thất trận và bị loại.
Philippines không có sân nhà thi đấu (AFF Cup 2010). Bất ngờ lọt vào bán kết với dàn cầu thủ nhập tịch gốc Philippines, Liên đoàn bóng đá nước này rơi cảnh dở khóc dở cười khi không có sân đủ tiêu chuẩn để thi đấu. Cuối cùng thầy trò HLV Simon McMenemy phải đá cả hai trận lượt đi và về trên sân của Indonesia. Kết quả, họ phải nhường vé vào chung kết cho đối thủ.
Tình trạng bán độ nghiêm trọng của cầu thủ Malaysia (Tiger Cup 2000). Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) lo sợ cầu thủ bị giới cá độ tiếp cận để mua chuộc, dàn xếp tỉ số đến mức phải cắt cử nhân viên an ninh theo kèm các cầu thủ suốt giải đấu.
Cựu Tổng thư ký FAM Dell Akbar Khan nhớ lại: "Chúng tôi phải có động thái ngăn chặn những tác động từ bên ngoài và đảm bảo các tuyển thủ tập trung thi đấu. Đây là lần đầu tiên có nhân viên an ninh tháp tùng đội tuyển và sẽ tiếp tục được ứng dụng ở các giải đấu sau đó".
HLV Tavares từ chức giữa giải đấu (Tiger Cup 2004). Được thi đấu trên sân nhà, nhưng tuyển Việt Nam có giải đấu thất vọng khi bị loại sớm. Trận thua ở lượt đấu áp chót với tỷ số 0-3 trước Indonesia như giọt nước làm tràn ly, khiến người hâm mộ gây áp lực với HLV người Brazil. Ông buộc từ chức trước trận đấu cuối cùng vòng bảng gặp tuyển Lào. Trợ lý Trần Văn Khánh lên nắm quyền và tuyển Việt Nam giành chiến thắng 3-0 trong ngày chia tay giải.
Đông Anh