Nếu bạn vượt qua được những thời điểm đó thì mọi thứ lại trở thành đơn giản.
1. Tranh cãi vì những điều vụn vặt
Nhà tâm lý học Harriet Lerner, tác giả của cuốn sách Cẩm nang hôn nhân: Cẩm nang cho các cặp vợ chồng và các cặp đôi sắp kết hôn (Marriage Rules: A Manual for the Married and the Coupled Up) cho rằng, khi căng thẳng lên cao đến một mức độ nào đó thì ngay cả đôi hoàn hảo nhất cũng trở thành một cặp nhiều vấn đề nhất. Những điều rất bình thường cũng tạo thành một cuộc chiến dai dẳng, ví dụ như chuyện con dao nào thì nên dùng để thái cà chua.
Ảnh: Savvyvegetarian.com
Để ngăn chặn các căng thẳng tiếp diễn, các bạn hãy hít một hơi thật sâu trước khi hét lên và nên kiềm chế lại để nghĩ rằng con dao kia cũng không phải là một vấn đề to tát. Nếu như bạn đã trót châm ngòi cho cuộc chiến nổ ra thì hãy xin lỗi và giải thích những điều đang làm bạn khó chịu trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Mâu thuẫn tài chính
Không thể phủ nhận tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm của các mối quan hệ. Tình hình sẽ rất tồi tệ khi kinh tế khó khăn. Cả trong khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc sống hôn nhân thì hầu hết các cặp vợ chồng cũng đều có lúc phải đối diện với những mâu thuẫn về tiền bạc. Việc giải quyết các chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày, kế hoạch cho chuyện nhà cửa, xe cộ... luôn khiến mối quan hệ vợ chồng căng thẳng. Để vượt qua được điều này, hai bạn cần ngồi lại với nhau, thảo luận kế hoạch tài chính trước mắt và tương lai, chi tiêu thế nào, tiết kiệm ra sao...
3. Thực sự trở thành một phần trong đại gia đình
Sau khi hai bạn gặp các bậc phụ huynh, rồi phụ huynh gặp mặt nhau, đám cưới diễn ra suôn sẻ trong niềm vui của hai gia đình. Bạn tưởng mình đã hoàn thành mọi việc, nhưng không... Những mối quan hệ với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ, chuyện gặp mặt gia đình... sẽ có rất nhiều những rắc rối mà bạn không lường trước được. Bạn cũng đừng kỳ vọng có khoảng thời gian một mình bên mẹ (bà, hay một người thân nào đó của bạn) như trước. Giải pháp là hãy đơn giản hóa mọi việc và thỏa thuận với nhau về việc sẽ có lịch thăm nom hai bên bố mẹ thế nào và đối xử ra sao cho phải phép với các bố mẹ.
4. Những ngày đầu làm cha mẹ
Hạnh phúc bao nhiêu khi đón đứa con đầu lòng thì cuộc sống của vợ chồng bạn cũng khó khăn bấy nhiêu. Ví dụ như khi các bạn đang tranh cãi xem ai sẽ bế con thì vợ bạn òa lên khóc và đòi tìm người trông trẻ. Chưa kể, con quấy khóc dẫn tới mất ngủ cũng khiến nhiều người cảm thấy cuộc sống vô cùng ngột ngạt. Tốt nhất, hai vợ chồng hãy cùng nhau chia lịch để chăm con, khi chồng rảnh thì có thể chơi cùng con, thay tã bỉm, còn khi chồng đi làm thì vợ sẽ đảm nhận. Nếu cảm thấy vẫn khó khăn, bạn có thể thuê giúp việc đỡ đần hoặc cậy nhờ tới ông bà nội ngoại.
5. Khi con cái bắt đầu lớn
Ccon bạn đủ lớn để nói chuyện và tự mặc quần áo, bạn bắt đầu có thể vừa chăm sóc con vừa có thời gian cho bản thân. Điều đó sẽ giúp mối quan hệ của vợ chồng bạn trở lại bình thường như ngày xưa? Không nhanh như vậy đâu! Thậm chí việc đưa ra các quyết định cho con cái có thể phát sinh mâu thuẫn nhiều hơn bạn tưởng. Đơn giản như vợ muốn dạy con trong hòa bình nhưng chồng thích cho bé ăn đòn khi bé bướng bỉnh, vợ ép con ăn còn chồng thấy thế là đủ... Tất cả những điều nhỏ nhặt xung quanh bé đều có thể khiến chiến tranh nổ ra giữa cha mẹ.
Giải pháp là vợ chồng bạn nên tìm ra những nguyên tắc chung trong việc dạy con và cả hai cần phải tôn trọng nguyên tắc đó.
6. Bỏ bê đời sống chăn gối
Dù bạn đang phải giải quyết những vấn đề căng thẳng trong công việc, hay có vấn đề về sức khỏe hay tự dưng mất cảm xúc..., hầu hết các cặp vợ chồng lâu năm đều thừa nhận đời sống tình dục của họ lên xuống thất thường. Quan trọng là bạn biết tìm hiểu và giải quyết từ gốc rễ của vấn đề.
7. Khi phải đối mặt với một quyết định lớn
Có nên chuyển đổi công việc, có nên sinh thêm con, có nên sửa nhà... tất cả những điều này có thể trở nên rắc rối khi phải đi đến quyết định. Có rất nhiều việc gây ra những bất đồng. Đối với quyết định lớn, hãy cố gắng "đóng cửa bảo nhau", thỏa hiệp một cách bình tĩnh và riêng tư, đừng mang ra chỗ đông người.
8. Cảm xúc bị mài mòn
Cũng giống như việc phát ngấy khi suốt ngày chỉ ăn một món, dù đó là món bạn vô cùng yêu thích, bạn cũng có thể trải qua giai đoạn như vậy với người bạn đời. Năm tháng qua đi, con cái, công việc và những mối quan hệ khác lấy đi thời gian của bạn nhiều hơn. Thời gian dành cho bạn đời trở nên quá ít ỏi. Bởi vậy, hãy tranh thủ mọi lúc để cùng được tận hưởng cuộc sống cùng người bạn đời của mình. Khi nhận thấy mình có dấu hiệu xa cách người bạn đời, hãy nỗ lực gắn bó và nạp lại năng lượng cho chính bản thân mình. Đôi khi việc hai bạn nắm tay ngồi sát bên nhau trên một chiếc ghế dài còn có ý nghĩa hơn cứ phải ở trong một phòng.
9. Một thảm kịch không thể lường trước
Các bạn có thể dễ dàng giải quyết những căng thẳng hàng ngày, nhưng có lúc người ta bị gục ngã bởi những điều không thể đoán trước được như ngoại tình, mất việc, ốm đau. Cụ thể là có thể mẹ của bạn đột ngột qua đời, hay chồng của bạn bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Buồn thay, không có giải pháp dễ dàng nào khi những điều như vậy xảy ra và chúng có thể tiếp tục làm rối loạn cuộc sống của bạn trong một khoảng thời gian nhất định. Nó khiến trái tim bạn tan vỡ, khiến bạn thấy rối trí. Giải pháp tốt nhất cho những giai đoạn này là hai bạn hãy hợp tác tích cực với nhau.
Harriet Lerner khuyên, chấp nhận những giai đoạn khó khăn là điều bình thường, thậm chí cả với những cặp vợ chồng hợp nhau nhất. Đó là lý do tại sao cần có tầm nhìn xa và luôn vững vàng trong hôn nhân, để khi bão tố ập tới thì mối quan hệ của các bạn vẫn tốt đẹp.
10. Trở nên già đi
Bạn chưa sẵn sàng cho tuổi già nhưng những ngày tháng tuổi trẻ đang ngày càng xa. Cứ luyến tiếc cho thời gian yêu đương tán tỉnh ngọt ngào có thể làm cho bạn cảm thấy trì trệ bởi sự già nua. Một chút khủng hoảng ở tuổi trung niên là điều bình thường, nhưng đừng để nó gây ra những rắc rối cho mối quan hệ vợ chồng. Bạn có thể khám phá niềm đam mê của mình, loại bỏ những tiêu cực trong đầu và hâm nóng lại tình cảm vợ chồng.
Kim Anh (Theo Redbook)